Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định cần phải quản lý giá cước viễn thông theo cơ chế kinh tế thị trường, tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, tránh tình trạng cơ quan quản lý can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà mạng như hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị Giao ban nhà nước 6 tháng đầu năm với các doanh nghiệp viễn thông sáng 15/7, Thứ trưởng cho biết sau khi Luật Viễn thông, Luật Giá ra đời, giá cước vẫn được quản lý theo quy định cũ (từ thời Nghị định 160) chứ không theo Luật Viễn thông và Nghị định 25. "Cách quản lý giá cước hiện nay mang tính Nhà nước can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế vẫn phải đăng ký từng gói cước với cơ quan quản lý, dẫn đến bị động”.
Sự bất cập này thể hiện rõ ở câu chuyện tăng cước 3G gần đây. Thứ trưởng khẳng định không phải các doanh nghiệp cố tình bắt tay nhau như hoài nghi của dư luận mà vì nhà mạng này thấy nhà mạng kia đăng ký tăng cước thì cũng đăng ký, nhưng thời điểm phê duyệt trùng với nhau khiến người tiêu dùng có cảm giác các doanh nghiệp đồng loạt tăng cước mà thôi. Cách quản lý giá như vậy, theo Thứ trưởng, không những không đảm bảo tính chủ động cho các doanh nghiệp mà cũng chưa đúng với tinh thần của Luật Viễn thông và Luật Giá là phải tôn trọng việc định giá của doanh nghiệp.
Chính vì thế, thời gian tới, Cục Viễn thông và Bộ TT&TT phải quản lý giá cước theo đúng tinh thần của Luật Giá và Luật Viễn thông, cũng như theo thông lệ quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước chỉ quản lý 2 yếu tố quan trọng nhất là tỷ số giá trần hàng năm, dựa trên cơ sở tốc độ phát triển của nền kinh tế, năng suất lao động, lạm phát mà cho phép các doanh nghiệp tăng mức giá cước tối đa lên bao nhiêu phần trăm; hai là quản lý giá thành, giá trần, làm sao để doanh nghiệp không bán dịch vụ dưới giá thành dẫn tới hiện tượng phá giá thị trường. Tương tự, giá trần sẽ đảm bảo để các doanh nghiệp không đua nhau tăng giá cước không có cơ sở, gây hại cho người tiêu dùng và bất ổn định cho thị trường.
Sớm giải bài toán OTT
Một vấn đề nữa cũng được đề cập đến tại Hội nghị sáng 15/7 là chính sách quản lý các dịch vụ OTT. Thừa nhận việc xây dựng chính sách này không đơn giản, bởi đứng từ góc độ doanh nghiệp cung cấp dich vụ viễn thông, đúng là OTT lấy mất doanh thu, lợi nhuận nhưng ở góc độ xã hội thì người dùng lại có thêm phương tiện liên lạc với giá rẻ, chất lượng không đến nỗi tệ, Thứ trưởng cho rằng đây là câu chuyện "giải quyết bài toán lợi ích theo hướng hài hòa nhất", nhưng lợi ích của xã hội, của người dùng sẽ được đặt lên trên.
Trước đó, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 của Bộ TT&TT hôm 7/7, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã nhấn mạnh rằng việc quản lý OTT là không thể không làm vì theo dự đoán, đến cuối năm 2014, Việt Nam sẽ có tới 30 triệu người sử dụng các dịch vụ OTT. "Với quy mô người dùng lớn như hiện nay, nếu quản lý không tốt sẽ gây thiệt hại cho nhà mạng, ảnh hưởng đến sự phát triển của nhà mạng bởi những dịch vụ này dùng chung hạ tầng, chiếm băng thông rất lớn, đe dọa gây nghẽn mạng", Bộ trưởng phân tích. "Không những vậy, hoạt động thực tế của một số dịch vụ OTT trong thời gian qua còn cho thấy các dịch vụ này có thể ảnh hưởng đến an toàn, an ninh thông tin quốc gia, cũng như sở hữu trí tuệ, bản quyền nội dung - công nghệ trong nước."
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Viễn thông sẽ phải sớm hoàn thiện quy định quản lý các dịch vụ OTT trong thời gian tới.
Đảm bảo chất lượng dịch vụ
Thời gian qua, có tình trạng một số dịch vụ viễn thông được công bố đạt chất lượng nhưng người tiêu dùng vẫn phàn nàn về tốc độ (đối với 3G) cũng như cường độ tín hiệu (hay rớt sóng, mất sóng, nghẽn mạng). Nói cách khác, dường như đang tồn tại sự chênh lệch giữa việc đo kiểm, đánh giá chất lượng dịch vụ viễn thông của các cơ quan Nhà nước với cảm nhận, đánh giá của người tiêu dùng. Thứ trưởng khẳng định cần phải thu hẹp dần khoảng cách này, bởi với người tiêu dùng thì chất lượng là yếu tố quan trọng nhất của hàng hóa, dịch vụ. Trong môi trường cạnh tranh, nếu doanh nghiệp không đảm bảo chất lượng sẽ nhanh chóng bị loại khỏi thị trường.
Để đảm bảo được chất lượng dịch vụ viễn thông, cơ quan quản lý cũng như nhà mạng cần phải rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng, đặc biệt là hai dịch vụ điện thoại di động và Internet băng rộng cố định. Đồng thời, Cục Viễn thông và Thanh tra cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát, đo kiểm chất lượng để bảo đảm chất lượng phù hợp quy chuẩn, tránh tình trạng quy chuẩn ban hành ra rồi nhưng cách đo đạc, cách công bố chất lượng nhiều khi chưa thể hiện, đánh giá đúng chất lượng dịch vụ.
Vietnamnet