Sĩ tử xao lãng ôn luyện vì Euro
Ngồi gà gật trong quán cà phê, Nguyễn Văn Hưng (quê ở Thanh Hóa) cho biết đầu tháng 7 sẽ dự thi vào khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Do nhà xa nên vừa thi tốt nghiệp phổ thông xong em lập tức "khăn gói quả mướp" vào miền Nam thuê nhà trọ để tranh thủ ôn luyện.
"Bố mẹ dặn đậu hay rớt đại học quyết định thành bại của cả đời người nên ngày nào cũng gọi điện nhắc nhở. Nhất là bố, biết em mê đá bóng nên cứ khuyên răn suốt, nhưng nói gì thì nói Euro 4 năm mới có một lần, bỏ qua trận bóng nào cũng uổng", Hưng kể.
Vốn đá bóng giỏi và là "tín đồ" của môn thể thao vua từ nhỏ, cậu học trò quê Thanh Hóa này cho biết để "dung hòa" giữa đam mê và ước mơ đại học, em đành đem vở ra quán ngồi đồng, vừa ôn bài vừa theo dõi các trận đấu.
"Biết là học hành kiểu này chẳng vào được bao nhiêu nhưng cũng đỡ áy náy với bố mẹ. Được cái khối C chủ yếu là học thuộc lòng nên cận ngày thi học cũng chưa muộn", Hưng phân trần.
Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là các thí sinh của cả nước sẽ bước vào kỳ thi đại học, song hàng đêm tại các quán cà phê và trong những con hẻm, nhiều sĩ tử vẫn mải miết dõi theo trái cầu qua màn ảnh nhỏ để cổ vũ cho những đội bóng yêu thích. Thậm chí một số học sinh vì mê xem hết cả 2 trận bóng mỗi đêm mà sáng ngủ quên không đến lớp luyện thi.
"Vào... nhưng không vào, rất tiếc...", tiếng bình luận viên bóng đá vang lên giữa đêm khuya kéo theo sau là tiếng chặc lưỡi xuýt xoa của các bạn trẻ tiếc cho một pha bóng đẹp. Ở một con hẻm đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP Hồ Chí Minh, khu trọ sinh viên này vốn dĩ yên ắng nhưng từ khi có Euro "đổ bộ" vào trở nên náo nhiệt hẳn nhờ chủ nhà mang chiếc tivi ra giữa sân cho bà con xem.
Kê dép ngồi bệt xuống sàn nhà để theo dõi trận cầu giữa Italia và Croatia đêm 14/6, hai sĩ tử Tùng và Cương (quê Đồng Nai) cho biết, vì năm ngoái thi trượt đại học nên năm nay tiếp tục thi lại. Đến Sài Gòn ở trọ từ đầu năm ôn luyện ở trung tâm, "lận lưng" được khá nhiều kiến thức nhưng áp lực thi lại lần hai "bắt buộc phải đậu" cũng khiến hai cậu trò đau đầu.
"Bố mẹ em bảo năm nay mà trượt nữa thì chỉ còn nước về chăn trâu thôi", Tùng vừa xem bóng vừa nói. Biết là vậy nhưng 4 mắt của hai chàng trai Đồng Nai vẫn mở thao láo dõi theo từng đường bóng trên màn ảnh nhỏ, mãi tờ mờ sáng khi trái bóng ngừng lăn mới chịu về phòng ngủ.
Tình cảnh con chuẩn bị thi đại học nhưng đến mùa Euro lại thức khuya xem bóng rồi ngủ nướng quên nhiệm vụ học hành cũng khiến các phụ huynh lo sốt vó.
Một người cha có nick name Tuan Tran tâm sự trên một diễn đàn làm cha mẹ kể, con của anh năm nay thi dự vào trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cậu học khá giỏi nhưng lại rất thích xem đá bóng. Mỗi đêm thấy con thức xem tivi, người mẹ lại càu nhàu la mắng, có hôm hai mẹ con còn lớn tiếng với nhau.
"Mình đàn ông thì thông cảm chứ phụ nữ họ chẳng hiểu gì chuyện banh bóng. Tôi cũng tìm cách giải thích cho vợ và nói cho con hiểu nỗi lo của mẹ nhưng xem ra cả hai vẫn chưa tìm được tiếng nói chung", người cha kể. Cực chẳng đã, anh bắt con nghe lời mẹ đi ngủ sớm và hứa sẽ tua lại các trận đấu ban đêm cho cậu xem vào sáng hôm sau.
Nhiều phụ huynh rơi vào cảnh ngộ tương tự cũng chia sẻ với anh Tuan Tran về của gia đình mình. Một số khác thì khuyên anh không nên quá chiều con mà phải giấu tivi để cậu bé không xem được mà chú tâm học hành.
Cũng trên diễn đàn này, nick name Thuongnghi kể từng có kinh nghiệm đau thương vì mê xem bóng mà để trượt kỳ thi đại học. "Hồi đó cũng xui đúng năm mình thi đại học thì vào mùa World Cup. Chuẩn bị thi nên mấy đứa bạn thân rủ nhau lên Sài Gòn luyện. Mang tiếng là đi ôn cũng vì không có cha mẹ ở bên nhắc nhở nên cả bọn toàn xem bóng đến khuya rồi ngày ngủ bù. Sức học của mình cũng thuộc loại giỏi ở trường mà năm đó thi không đủ điểm sàn phải đợi đến năm sau thi lại".
Cho rằng bóng đá là một cách giải trí lành mạnh, song các chuyên gia tâm lý khẳng định việc thức trắng đêm xem bóng rất có hại cho sức khỏe. Vì thế các bạn trẻ, nhất là học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học cần sắp xếp thời gian hợp lý làm sao để đảm bảo sức khỏe và không xao lãng việc học.
"Dù thế nào đi nữa thì Euro hay World Cup cũng chỉ là một cuộc chơi, mà người chơi không phải là các em. Vì thế hãy xác định rõ mục tiêu của cuộc đời mình, đừng vì đam mê giải trí mà để vuột mất thành quả 12 năm đèn sách rồi lại phải hối tiếc", một chuyên viên tư vấn nhắn nhủ.
Ông cũng khuyên các bậc phụ huynh nên kiên quyết hơn trong việc quản lý thời gian xem tivi của con, không nên để con thức quá nửa đêm. Việc theo dõi tường thuật các trận đấu vào sáng hôm sau cũng là một giải pháp khả dĩ, song trước hết cha mẹ cần giải thích cho con cái hiểu tầm quan trọng của việc học hành thi cử để các em tự ý thức được trách nhiệm của mình.
Theo Pháp luật TP.HCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bức ảnh dòng họ 'khủng khiếp' nhất Việt Nam gây sốt MXH, nhìn kĩ mới thấy 1 điểm bất thường
Bí ẩn về ‘xác ướp người ngoài hành tinh’ của Peru ngày càng rõ ràng, phân tích DNA không phải con người
Bí mật bên trong ngôi làng sống trường thọ nhất thế giới, người dân uống 1 thứ này để trường sinh
Khi Gia Cát Lượng qua đời, cả Thục Hán đau buồn để tang, duy chỉ duy nhất 1 kẻ ăn mừng, thân thế mới gây bất ngờ
Chỉ 4 cao thủ có thể đánh bại Cưu Ma Trí trong Thiên Long Bát Bộ: Ba trong đó là sư huynh đệ
Rùng mình ‘lời nguyền’ của dòng họ vĩ đại nhất nước Mỹ: Ám ảnh bi kịch tang tóc đeo bám 7 thập kỉ