Siêu di động liên tục rớt giá tại Việt Nam
Hai tuần đầu tháng 4, thị trường siêu di động hàng xách tay ghi nhận sự sụt giá mạnh của một loạt dòng máy mặc dù chỉ vừa xuất hiện trên thị trường.
Trường hợp đầu tiên có thể kể đến siêu phẩm Sony Xperia S, vốn là chiếc điện thoại được đánh giá cao tại Mobile World Congress 2012, cũng như là đại diện đầu tiên của Sony sau khi chia tách với Ericsson.
Anh Thành Văn, chủ cửa hàng di động hàng xách tay tại phố Bà Triệu cho biết: "Tháng trước tôi ôm chục cái Sony Xperia S với giá hơn 12 triệu, định bán ra chênh trên dưới 1 triệu. Vậy mà chưa kịp tiêu thụ thì đã nhanh chóng rớt giá và hiện tại còn tồn 5 máy phải bán giá 11 triệu"
Bất chấp suy thoái, thời gian gần đây Việt Nam trở thành điểm đến nóng bỏng của những chiếc siêu di động tới từ các hãng điện thoại danh tiếng. Một trong những điểm nổi bật của thị trường mới nổi này chính là việc hàng vừa bán ra trên thế giới chưa đầy 1 ngày là thị trường trong nước đã có hàng, thậm chí trong nhiều trường hợp còn có trước cả lễ ra mắt tại nước ngoài.
Chính vì lẽ đó, thời điểm đầu năm, nhiều giới dân buôn trước đây vốn đánh hàng đa mang thì nay cũng tập trung vào các phân khúc tầm cao cấp nhằm đánh vào thị phần ngách với sức chi tiêu "bạo tay" của một bộ phận người tiêu dùng Việt.
Nằm trong top điện thoại sang, LG Prada 3.0 cũng thuộc phân khúc giá khá cao khi mới gia nhập thị trường. Có lúc giá chiếc điện thoại thời trang này lên tới 14 triệu/máy phiên bản xách tay từ Anh quốc.
Tuy nhiên, cũng chỉ sau vài tuần ế chỏng chơ, người mua thì ít, người hỏi thì hiếm, giá LG Prada 3.0 hàng xách tay đã sụt mạnh, mất tới gần 4 triệu/máy và cán mức giá dưới 10 triệu chỉ trong chưa đầy một tháng.
Một chủ hàng ôm "quả đắng" này cho biết: "Cứ nghĩ Prada là thương hiệu mạnh thì sẽ kéo khách mua điện thoại của LG, nhất lại là smartphone lõi kép Android, tích hợp NFC. Thế nhưng cái dớp điện thoại LG vẫn còn lớn quá nên hầu như chẳng mấy ai quan tâm tới thương hiệu này, kể cả khi nó gắn với mác thời trang danh giá".
Vậy nên, chỉ sau 3 tháng, giá máy đã quay về mức hơn 10 triệu và nhiều chủ hàng không thể cắt lỗ bằng cách giảm giá sâu hơn. Anh Huy Thịnh, quản lý của một cửa hàng bán ĐTDĐ ở phố Lê Duẩn cho biết: "Vì thấy mẫu máy này đẹp giống Nokia N9 nên cửa hàng nhập thử vì biết đâu người dùng muốn 'đổi món'. Tuy nhiên sức cầu của thị trường đang đà suy thoái vốn đã yếu thì nay vẫn còn khắt khe với dòng Windows Phone. Kết quả là cửa hàng tồn gần chục máy từ trước Tết đến nay và giá 10,2 triệu là đã lỗ mỗi máy gần 1 triệu".
Bi đát hơn, bởi Nokia Việt Nam sau thời gian chùng chình việc nhập Lumia chính hãng về thì đầu tháng 4 vừa qua đã quyết định ra mắt các dòng sản phẩm Windows Phone tại Việt Nam với mức giá bằng giá hàng xách tay. Động thái này thêm một lần nữa khiến các chủ hàng hốt hoảng và phải hạ giá mỗi máy thêm gần 1 triệu bất kể đang bán lỗ nếu như không muốn ôm hàng "chết chìm" như lời một chủ cửa hàng nhận định.
"Cứ cái đà này thì hàng di động xách tay vừa chớm lên ngôi rồi cũng mau xụi thôi", Trương Ánh, chủ cửa hàng di động than thở. Số là từ đầu năm tới giờ, hầu hết các model hàng xách tay của Apple, Motorola, Sony, HTC lần lượt mất giá bất kể thời điểm Quý I là khoảng thời gian vàng của giới kinh doanh di động.
Bên cạnh việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với đồ xa xỉ thì việc giai đoạn 2011-2012 đang là khoảng thời gian bước đệm công nghệ - khoảng thời gian mà tính đột phá trong cấu hình, tính năng không được nhấn mạnh ở trên các sản phẩm mới là một lý do nhãn tiền để kích cầu.
Chị Lưu Hương, khách hàng chuyên chơi siêu di động cho biết: "Mình không mấy khi quan tâm đến cấu hình máy mà chỉ chú trọng tính thời thượng và các chức năng độc đáo. Để ý từ năm 2010 đến giờ chưa có dòng máy nào thực sự thuyết phục, toàn bình mới rượu cũ nên khó có thể làm tôi xuống tiền mua máy".
Theo giải thích của anh Vũ Trung, một chuyên gia công nghệ thì: "Sở dĩ các hãng lớn chưa thể đưa ra sản phẩm với mẫu mã mới là vì dây chuyền, nhân lực và cả nguyên vật liệu vừa xây dựng để vận hành cho sản phẩm xong, giờ khấu hao chưa hết nên đương nhiên các model di động kế tiếp hao hao nhau. Việc đầu tư một dây chuyền lắp ráp mới sẽ ngốn kinh phí khổng lồ, đó là còn chưa kể tới việc tuyển dụng thêm lao động mới, đào tạo lao động cũ để nắm bắt phương thức lắp ráp sản phẩm mới nữa".
Đây cũng là lý giải tại sao iPhone 4 và 4S hay Samsung, HTC cái nào cũng na ná nhau từ cấu hình cho đến hình thức. Tuy nhiên, thời điểm đen tối nhất thì cũng là lúc cận kề ánh sáng. Với việc đã khấu hao xong dây chuyền, công nghệ, năm 2012 dự kiến sẽ là lúc nhiều sản phẩm khác lạ ra đời để kích cầu tiêu dùng.
Anh Huy Thạch, chủ cửa hàng iPhone, phố Bà Triệu cho biết: "Chắc phải bán túc tắc cho qua hè chờ thời thôi. Phải ít nhất tháng 8, tháng 9 thị trường mới bắt đầu có tín hiệu khởi sắc và các mặt hàng di động mới mới về ồ ạt được".
Tuy nhiên, khi được hỏi sẽ buôn bán model hàng xách tay nào cho đến lúc đó thì đa số chủ cửa hàng đều chẹp miệng, và đa số đều theo hướng "ăn đong", "hớt váng" một vài mẫu điện thoại mới ra, số lượng ít được đến đâu hay đến đó thay vì ôm hàng như thời gian vừa qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ lạc đưa người chết đi quanh làng như zombie
CLIP: Đụng nhầm con mồi không nên đụng, bồ nông nhận kết cục bi thảm
Top 10 loài động vật dài nhất thế giới: Vị trí số 1 lên tới 55 mét
“Khách lạ” từ hành tinh khác mang thứ y hệt trên Trái Đất
Những nhân vật tại Việt Nam sở hữu máy bay riêng
Chú chó ở Thái Lan nằm khóc trong tang lễ của chủ rồi qua đời, ai cũng xúc động