Sở hữu trí tuệ góp phần gia tăng sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp
Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế gới (WTO) và đang tích cực đàm phán, đi đến ký kết Hiệp định TPP cũng như nhiều FTA khác, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ngày càng được hoàn thiện và sát với nhu cầu thực tế hơn. .
Hoạt động đăng ký sở hữu công nghiệp thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được các chủ thể quyền, các cơ quan chức năng và công chúng quan tâm, chủ động phòng chống đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là hàng giả.
Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định: “Chúng ta nói nhiều đến nền kinh tế tri thức, sản xuất hàng hóa tri thức thì không thể không nói đến quyền sở hữu trí tuệ. Và một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc sản xuất cũng như hoạt động kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thị trường thì vai trò của sở hữu trí tuệ hết sức quan trọng.”
Hoạt động sở hữu trí tuệ được thể hiện trên ba khía cạnh là xác lập quyền, bảo vệ (thực thi) quyền sở hữu trí tuệ và khai thác các tài sản trí tuệ.
Sở hữu trí tuệ có rất nhiều yếu tố giúp cho doanh nghiệp, giúp cho các nhà sáng tạo, các nhà nghiên cứu có được một vị thế, chỗ đứng, thậm chí lớn mạnh lên trong bối cảnh cạnh tranh của nền kinh tế thị trường.
Thứ nhất, sở hữu trí tuệ thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể của mọi thành phần kinh tế khác nhau.
Để tạo được một phương pháp hoặc một sản phẩm mới đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, tiền của, đồng thời cũng phải sẵn sàng hứng chịu những rủi ro nếu như thất bại. Trong bối cảnh đó, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp hữu hiệu để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới.
Thứ hai, sở hữu trí tuệ khuyến khích các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ.
Trên thực tế, các công ty lớn của nước ngoài có ý định làm ăn lâu dài ở Việt Nam đều tìm cách đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp để đảm bảo cho sản phẩm xuất khẩu của họ hoặc sản phẩm mà họ hợp tác liên doanh với Việt Nam sản xuất sẽ độc quyền ở thị trường trong nước.
Các công ty nước ngoài cũng tiến hành đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích để đảm bảo những quy trình công nghệ tiên tiến hoặc thiết bị máy móc hiện đại mà họ đưa vào hợp tác liên doanh để triển khai dự án đầu tư không bị sao chép.
Sức khỏe của hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ của một quốc gia là một trong những yếu tố mà các doanh nghiệp nước ngoài xem xét trong quyết định đầu tư. Thực tế cho thấy, các dự án đầu tư có xu hướng tập trung vào những nơi có hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ vững chắc cùng hệ thống thực thi đáng tin cậy.
Thứ ba, sở hữu trí tuệ hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho hoạt động nghiên cứu triển khai. Thông tin sáng chế đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động nghiên cứu triển khai. Đây được coi là những thông tin mới nhất về công nghệ, bộc lộ bản chất của đối tượng, bao trùm tất cả các lĩnh vực khoa học công nghệ phục vụ đời sống sản xuất, kinh tế xã hội.
Thông tin sáng chế giúp đánh giá chính xác trình độ của bất kỳ lĩnh vực kỹ thuật nào. Hoặc nếu muốn xây dựng chiến lược nghiên cứu với mục tiêu là bắt kịp, vượt lên trình độ hiện có thì đều phải tiến hành phân tích dữ liệu thông tin sáng chế.
Nói cách khác, nếu thiếu hệ thống thông tin này, người làm công tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ không thể nắm bắt chính xác được trình độ công nghệ thuộc lĩnh vực mình quan tâm. Kết quả là, người đó chỉ tạo ra được công nghệ ở trình độ thấp hoặc sao chép, lặp lại kết quả đã có trên thế giới.
Một trong những nguyên tắc quan trọng của hệ thống bảo hộ sáng chế là nguyên tắc công khai công nghệ.
Theo nguyên tắc này, để được cấp bằng độc quyền sáng chế, người giữ độc quyền phải công bố nội dung công nghệ cho xã hội biết.
Việc công bố này sẽ giúp những người nghiên cứu khác tiết kiệm được thời gian, công sức, không đi vào hướng nghiên cứu cũ đồng thời tìm ra giải pháp tốt hơn.
Hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay, Cục Sở hữu trí tuệ dự kiến tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh các nhà sáng tạo, doanh nhân cũng như nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Tháng hành động “ Sở hữu trí tuệ góp phần gia tăng sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp”, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ chủ trì và phối hợp tổ chức các hoạt động sau:
1. Gameshow “ Đỉnh cao thương hiệu” tổ chức từ tháng 2 – 4/2015 dành cho sinh viên các trường đại học tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
2. Cuộc thi “ Thương hiệu Việt” từ tháng 3 – 5/2015 dành cho sinh viên trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh ( phối hợp với trường Đại học Luật TP.Hồ Chính Minh
3. Sự kiện “IPDay – Walk Ahead” ngày 25/4/2015 tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội)
4. Tọa đàm về sở hữu trí tuệ dành cho phóng viên tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong tháng 4
5. Hội thảo “ Đổi mới sáng tạo – yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp” ngày 15/4/2015 tại TP.Hồ Chí Minh
6. Cuộc thi “ Sở hữu trí tuệ - cầu nối sinh viên với doanh nghiệp” ngày 18/4/2015
7. Hội nghị khoa học “ Sinh viên nghiên cứu khoa học về Sở hữu trí tuệ”, phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội từ tháng 3 – 4/2015 tại Hà Nội.
8. Tọa đàm về bảo hộ và thương mại hóa sáng chế, khai thác và ứng dụng thông tin sáng chế ( phối hợp với Đại học Đà Nẵng) ngày 16/4/2015 tại Đà Nẵng.
Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận gần 83.436 đơn các loại. Trong đó, số lượng đơn đăng ký xác lập quyền là 46.3447 đơn, tăng 7,8% so với năm 2013. Cụ thể gồm, 4.447 đơn sáng chế, 373 đơn giải pháp hữu ích, 2.311 đơn kiểu dáng công nghiệp, 33.064 đơn nhãn hiệu quốc gia, 6.025 đơn nhãn hiệu đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam, 2 đơn chỉ dẫn địa lý, 19 đơn thiết kế bố trí mạch tích hợp và 106 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam.
Tuy số lượng đăng ký sáng chế của Việt Nam (chiếm 11% ) ít hơn nước ngoài, nhưng đăng ký nhãn hiệu của Việt Nam luôn luôn cao hơn, ở mức trên 80%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?