Nhiều thông tin vừa qua cho thấy, tốc độ Internet của Việt Nam chỉ đứng thứ 2 từ dưới lên trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và việc đứt tuyến cáp quang biển AAG vừa qua ảnh hưởng như thế nào đến việc này.
Đầu tháng 7 vừa qua, một loạt các thông tin báo chí đưa tin về việc tốc độ Internet của Việt Nam thấp gần nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương, chỉ cao hơn Ấn Độ. Số liệu này theo báo cáo của Akamai, một hãng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, dữ liệu, mạng và bảo mật. Báo cáo này được thực hiện tổng kết đánh giá số liệu về tốc độ Internet trong khoảng thời gian quý 2/2014.
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều công cụ trực tuyến đong đếm cũng như so sánh cho thấy, con số này không hoàn toàn chính xác. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc một số các công cụ, website trực tuyến cho phép xem chính xác tốc độ download của từng quốc gia, thành phố, thậm chí từng ISP (nhà cung cấp dịch vụ) trên toàn cầu.
Netindex – công cụ được tham khảo phổ biến
Theo website Netindex.com, trong 1 tháng qua, tốc độ download của Việt Nam đạt mức 16,9 Mbps, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan (20,3 Mbps), cao hơn các nước như Myanmar, Indonesia, Phillipines, Cambodia… từ 2,5 đến 4 lần. Theo công cụ đong đếm này thì tốc độ download trung bình của toàn cầu là 20,5 Mbps.
Website này thuộc sở hữu của tổ hợp Ookla, được coi là công cụ đo đạc phổ biến, thu thập dữ liệu từ các ISP trên toàn cầu để thực hiện công việc đong đếm tốc độ Internet. Bên cạnh Netindex, người sử dụng Internet có thể vào website Speedtest.com của nhà cung cấp này để đo đạc một cách tương đối chính xác tốc độ Internet đang sử dụng tại máy tính của mình theo thời gian thực. Tổ hợp website của Ookla có rất nhiều các tiêu chí đo đạc khác nhau cho phép người xem thử nghiệm, từ việc đo theo ISP, theo thành phố nơi bạn sinh sống và tính trung bình tốc độ download Internet của từng quốc gia.
Cũng theo sự đong đếm của tổ hợp các website này thì tại Việt Nam, ISP có tốc độ download cao nhất tại Việt Nam hiện nay là VNPT.
Bandwidthplace.com – tính toán tốc độ Internet ở các chu kỳ khác nhau
Bên cạnh việc cho phép kiểm tra tốc độ thực hiện tại của máy tính đang sử dụng để truy nhập Internet, website Bandwidthplace.com lại cho phép người dùng có thể xác định được tốc độ Internet của quốc gia mình theo các chu kỳ 7 ngày qua, 3 tháng qua và 12 tháng qua.
Tính trung bình, trong 12 tháng qua, tốc độ download tại Việt Nam đạt 3,394 Mbps, xếp thứ 49/140 quốc gia, cao hơn cả Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất , Úc và Argentina.
Trung bình trong vòng 3 tháng qua, tốc độ Internet tại Việt Nam đạt mức 4,83 Mbps, xếp thứ 47/140, vẫn cao hơn cac quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Philipines và Úc.
Trung bình trong 7 ngày qua, tốc độ tại Việt Nam đạt 3,593 Mbps, xếp thứ 53/140, thấp hơn Trung Quốc, Philippines , nhưng vẫn cao hơn Malaysia. Chúng ta có thể thấy rõ hơn tại địa chỉ sau: http://www.bandwidthplace.com/speed-test-reports/top-countries/
Tốc độ tại các thời điểm là khác nhau
Như vậy, rõ ràng là tốc độ Internet của mỗi quốc gia tại mỗi thời điểm là khác nhau và đối với mỗi một phương pháp đo cũng cho những kết quả khác nhau vì phụ thuộc vào các tiêu chí đánh giá khác nhau và công cụ khác nhau. Tuy nhiên, qua một số các công cụ đo trực tuyến phổ biến trên Internet cho thấy, tốc độ Internet của Việt Nam hiện nay không ở mức đội sổ đáng lo ngại ở châu Á như các thông tin được cung cấp trong thời điểm đầu tháng 7 vừa qua.
Đứt cáp biển ảnh hưởng thế nào đến tốc độ Internet?
Một trong các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ Internet đó là dung lượng kênh Internet nối với quốc tế. Tại Việt Nam hiện nay, có nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet khác nhau với tổng dung lượng kết nối Internet quốc tế là 884.667 Mbps (Theo số liệu của cục Viễn thông Bộ Thông tin truyền thông tháng 8/2014). Dung lượng kết nối này lại được kết nối thông qua nhiều loại cáp kết nối khác nhau đi ra nước ngoài: Cáp biển – với nhiều nhánh khác nhau, cáp đất liền và thậm chí cả qua vệ tinh.
Như vậy, mỗi lần đứt cáp biển, tốc độ download dữ liệu từ nước ngoài (từ các máy chủ dịch vụ nước ngoài, dữ liệu từ nước ngoài) của các thuê bao sử dụng Internet trong nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau bởi trên các tuyến cáp, có nhiều ISP khai thác và mức độ khai thác của mỗi ISP trên tuyến cáp đó là khác nhau. Do vậy, thuê bao của từng ISP lại có mức độ ảnh hưởng khác nhau mỗi khi các tuyến cáp biển hoặc cáp đất liền bị đứt.
Thông thường, ngay khi có sự cố đứt cáp, các ISP lập tức sẽ tổ chức định tuyến lại và đưa các tuyến dự phòng vào hoạt động để bù lại dung lượng kết nối Internet quốc tế bị thiếu. Nếu nhà cung cấp dịch vụ có dung lượng kết nối Internet quốc tế cao thì giải quyết việc nghẽn mạng hoặc dự phòng khi có sự cố sẽ tốt hơn và khách hàng ít bị ảnh hưởng hơn.
Ví dụ: Theo thông tin gần đây nhất (19/8) thì VNPT có dung lượng kết nối Internet lên tới 317.440 Mbps (chiếm khoảng 36% tổng dung lượng kết nối Internet quốc tế của Việt Nam). Do đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng và dung lượng đường truyền Internet quốc tế nhà mạng này có thể có khả năng chuyển các tuyến truyền dữ liệu dự phòng vào hoạt động khi cáp biển đứt một cách nhanh nhất và ít ảnh hưởng nhất. Trong thời điểm cáp AAG bị đứt vừa qua, các thuê bao sử dụng dịch vụ 3G của VinaPhone cũng không hề bị ảnh hưởng khi vào Internet check mail và download dữ liệu từ nước ngoài.
Cũng phải nói thêm rằng, nguyên nhân việc đứt cáp biển không phải do các ISP mà do nhiều nguyên nhân khác nhau như thiên tai, bất khả kháng… và việc khắc phục các sự cố này phụ thuộc nhiều vào các nhà quản lý vận hành các tuyến cáp đó.
Vnmedia