Khám phá

Tài chính internet: Giải pháp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn

Tại hội thảo trực tuyến “ Đầu tư tài chính internet – Cải tổ và phát triển” diễn giả Trung Quốc, TS.Lí Trí Cường cho biết, tài chính internet đang chiếm ưu thế tại quốc gia này. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là người nghèo dễ dàng tiếp cận vốn đầu tư qua kênh Yue bao.

Các diễn giả tại điểm cầu Việt Nam


Hội thảo trực tuyến “ Đầu tư tài chính internet – Cải tổ và phát triển” nằm trong chuỗi hội thảo qua cầu truyền hình Công cụ mới của nền kinh tế toàn cầu: Nền kinh tế internet diễn ra vào chiều ngày 14/11/2014. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia tại các điểm cầu Việt Nam, Trung Quốc, Nepal, Hàn Quốc. Chương trình do Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Trung tâm phát triển và tài chính Châu Á-Thái Bình Dương (AFDC), Ngân hàng thế giới và Trung tâm đào tạo phát triển Tokyo phối hợp tổ chức.

Trao đổi tại hội thảo, diễn giả Trung Quốc - TS.Lí Trí Cường cho biết, tài chính internet đang chiếm ưu thế tại quốc gia này. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là người nghèo dễ dàng tiếp cận vốn đầu tư qua kênh Yue bao.

Yue bao là một hệ thống dịch vụ tài chính do tập đoàn Alibaba cung cấp. Trong tiếng Trung Quốc, Yue bao có nghĩa là kho báu mà ai cũng có thể kiếm lời từ đây. Dịch vụ này ra đời từ ước mơ của ông chủ tập đoàn Alibaba, mong muốn tất cả mọi người dân đều được vay vốn đầu tư. Trước đây, rất ít ngân hàng Trung Quốc cung cấp dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là người nghèo. Trong khi đó 90% các doanh nghiệp ở Trung Quốc là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo việc làm cho 80% lao động và đóng góp tới 50% ngân sách.

Vị diễn giả Trung Quốc này nhận định, tài chính internet đem lại sự bình đẳng nhiều hơn cho các doanh nghiệp và người dân. Trước kia muốn đầu tư vào trang trại phải có 50 000 NDT nhưng giờ chỉ có 1 NDT là có thể đầu tư. Tỉ lệ chi phí này so với phương pháp truyền thống là 1:100 – 1:1000.

Sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ cho phép nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch tài chính ở bất cứ thời điểm nào. Hiện nay Trung Quốc có 5 tỉ thiết bị kết nối. Số người sử dụng internet tại Trung Quốc năm 2013 là 79 triệu người gấp 10 lần so với năm 2003.

Tài chính internet hiện đang cạnh tranh mạnh với hệ thống ngân hàng truyền thống hiện nay. Nó phá vỡ thế độc quyền của ngân hàng.
 

Mô hình GFMIS phục vụ nhu cầu thông tin cho tất cả người dân Việt Nam


Tại điểm cầu Việt Nam, TS. Nguyễn Việt Hùng – Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính Bộ Tài chính chia sẻ kinh nghiệm về dịch vụ công trực tuyến. Nhiều hệ thống thông tin lớn, hiện đại trong lĩnh vực quản lý tài chính Việt Nam đã được xây dựng và triển khai có hiệu quả như hệ thống tích hợp TMS cho quản lý doanh nghiệp và cá nhân hay VNACCS/VCIS phục vụ dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu giúp giảm thời gian thông quan từ xuống còn 1,7 giây so với vài ngày trước đây…Hiện tại, Bộ Tài chính đã cung cấp khoảng gần 200 dịch vụ công trực tuyến.

Về lộ trình thực hiện GFMIS (Hệ thống quản lý thông tin tài chính Chính phủ) dù rất phức tạp, thời gian triển khai có thể kéo dài từ 6 – 8 năm theo thống kê của World Bank nhưng TS.Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh: Chúng tôi không chờ! Nhờ những hệ thống BIS khác nhau để tạo ra được các dịch vụ tài chính công cho doanh nghiệp, chính phủ và người dân.

GFMIS cung cấp báo cáo tài khóa, đánh giá, kiểm toán, thống kê Chính phủ, dự báo kinh tế vĩ mô … nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành, giám sát tài chính của Bộ, Chính phủ. Công khai tối đa các dưc liệu tài chính nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu thông tin của doanh nghiệp, người dân, các tổ chức phi chính phủ…

Theo TS. Ji Rui, đại diện Trung tâm AFDC cho rằng, tài chính internet có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Do vậy, các quốc gia phải phối hợp chặt chẽ với nhau để khai thác mặt tích cực của tài chính internet và hạn chế những rủi ro tiềm tàng.


 

Thu Hà
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo