Khám phá

Tại sao con ngoan lại giết người?

Gần đây báo chí phản ánh về hiện tượng nhiều học sinh giết người, đa phần các em đều “dính” vào game, cha mẹ và những người xung quanh nghĩ rằng những em đó ngoan. Vậy điều gì dẫn đến học sinh ngoan dưới con mắt mọi người lại có thể giết người? Dưới đây là lý giải của thám tử Hoàng Nhân khi theo dõi trẻ em bị coi là hư, đặc biệt là trẻ nghiện game.

Quá trình “ảo hóa” và sự ám ảnh

 

Khi chơi các game nhập vai, người chơi thường phải tập trung cao độ, dồn hết tâm tư, tình cảm, tính cách của bản thân vào đó. Tất cả những dồn nén của cuộc sống thường ngày, những búc xúc hay những mong muốn không thực hiện được trong cuộc sống thực sẽ được ảo hóa trong game. Người chơi bằng mọi cách khiến cho nhân vật mang toàn bộ cá tính của mình, khẳng định bản thân mình qua đẳng cấp (level) và phong cách (lời nói, trang phục) của nhân vật trong game.

 

Khi đã thực sự nhập vai, người chơi có xu hướng mất thăng bằng trong cuộc sống thực. Ví dụ khi chơi liên tục trên 6 giờ, sau khi rời khỏi máy tính, người chơi thường mất khả năng tập trung, lúc này mọi lời nói bên ngoài đều không vào tai, bản thân người chơi cũng không biết mình đang nghĩ gì.

 

Người chơi game cảm thấy được nể trọng, được yêu thương, được khẳng định tính cách và năng lực của mình (với các nhân vật trong game khác), rồi sau đó ra đời thực, họ sẽ bị thất vọng với cuộc sống thực tế. Người chơi thường có xu hướng nhầm lẫn giữa cuộc sống thực và ảo, hay nổi giận, cáu gắt, tấn công người khác, sự mất kiểm soát đã bắt đầu nghiêm trọng

 

Nếu nhập vai sâu, rồi bị hạn chế giữa chừng bởi cha mẹ, người thân, người đó sẽ bị đờ đẫn 1-2 giờ hoặc vài ngày mới phần nào trở lại với thực tại. Tuy nhiên ngay cả đi ăn, ngủ, làm việc khác, thì tâm trí, đầu óc cũng chỉ nghĩ đến games, các tình, tiết, nhân vật, lời thoại, tư tưởng của game đó. Đứa trẻ bị lệ thuộc gần như hoàn toàn vào đời sống ảo.

 

Giai đoạn u mê, dễ kích động

 

Tâm sự với tôi sau này, nhiều trẻ nghiện game thừa nhận lúc trước cứ như bị “ai đó dẫn chứ không phải em như thế”. Các em ân hận vô cùng vì chửi mắng cha mẹ, tấn công người thân hay trộm cắp. Hàng ngày ta đọc báo cũng thấy đau lòng vì những hành vi đánh bạn, giết người để có tiền chơi game.

 

Hãy hình dung xem sự cộng hưởng của các yếu tố sau nguy hiểm thế nào: Đầu tiên ở tuổi 13 đến 18 là giai đoạn tâm lý và thể chất thay đổi dữ dội. Điều này mang tính tự nhiên nhưng góp phần làm trẻ bối rối.

 

Sau đó là sự lệ thuộc (cơn nghiện nặng) vào “ nhân cách thứ 2”- nhân cách trong game. Những lúc nghỉ giữa canh, trẻ thường xem luôn cả phim gợi dục, sử dụng ngôn từ tạo những rung chấn nặng nề trong tâm trí.

 

Tiếp nữa là sự suy kiệt vì đói, mất ngủ, ám ảnh, bố mẹ truy tìm, chủ quán game cấm đoán vì nợ quá nhiều, nguy cơ không đi hết các chương, các cấp độ trong game do hết tiền…Lúc này sự cân bằng bị phá vỡ, trẻ mất kiểm soát.

 

Ám ảnh làm sao có tiền để chơi tiếp là trạng thái loạn thần cấp tính. Sự u mê, lú lẫn mất kiểm soát, bị ham muốn dẫn dắt và những ý tưởng nguy hiểm xuất hiện, đặc biệt có ý tưởng giết người lấy tiền như ta đã thấy. Có em vẫn u mê và lạnh lùng sau vài giờ hoặc vài ngày sau khi thực hiện hành vi mà trẻ không ý thức hết hậu quả của mình. Đó là trạng thái tâm thần hơn là nhìn nhận ở góc độ phán xét đạo đức, luân lý.

 

Có những ca tìm kiếm và theo dõi trẻ em chơi game, chúng tôi cũng lạnh người vì sự suy nhược của trẻ như rụng tóc, thất thần, hoảng loạn, những cơn ngủ mê man như không thể sống lại được của kẻ cày game xuyên ngày đêm.

 

Nếu thấy trẻ vị thành niên mất cân bằng tâm lý và theo đó là các hành vi mất hài hòa cho xã hội và bản thân, cha mẹ các em sẽ thất bại nhanh chóng trong việc giáo dục các em này nếu họ là người nóng vội, hay đổ lỗi. Nhưng sẽ hiệu quả khi cha mẹ tĩnh tâm và có trách nhiệm thay đổi bản thân mình. Chuyển hóa trẻ đòi hỏi sự tĩnh tại, kiên nhẫn và sáng tạo.

 

Người lớn thất bại khi giáo dục trẻ bởi óc phán xét, phân biệt, giáo dục áp đặt theo tinh thần của kẻ bề trên, điều đó cũng thể hiện nhan nhản bởi các bình luận ác tâm trên mặt báo.

 

 

 

 

Trẻ nghiện game đến mức mụ mẫm không dứt ra được là do:

 

Các em có bố mẹ có cách hành xử chuyên quyền: thể hiện qua việc yêu con quá mức, hay hà khắc quá mức, can thiệp sâu vào đời sống con từ khi sinh ra đến khi bước vào tuổi vị thành niên.

Bản thân các em sinh ra đã yếu thần kinh nên có tâm lý yếu đuối, dễ thất bại trong đời sống thực nên tìm tự do và khẳng định bản thân trong game. Điều này cũng xảy ra với trẻ hay dùng các loại ma túy và bị lệ thuộc.

Những trẻ bị bỏ rơi do bố mẹ bận bịu hoặc thiếu ý thức, kỹ năng dưỡng dục, hoặc trẻ bị bạo hành, bị đối xử hà khắc.

 

 

Theo VNN

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo