Tin tức - Sự kiện

Tăng lương 3 lần, người hưởng lương vẫn gặp nhiều khó khăn

(DNVN)- Tăng lương 3 lần nhưng tình trạng cuộc sống của người hưởng lương vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình vừa có Báo cáo thực hiện nghị quyết về chất vấn gửi đến Quốc hội, cho thấy từ 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu, từ mức 730.000 đồng/tháng năm 2011 lên mức 1,15 triệu đồng/tháng như hiện nay, tuy nhiên, việc này vẫn không “cứu vãn” được tình trạng cuộc sống của người hưởng lương vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ Nội vụ, hạn chế hiện tại là mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng/tháng hiện hành mới đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân 2,6 triệu đồng/tháng năm 2015 của khu vực doanh nghiệp.

Điều này dẫn đến các mức lương ngạch, bậc, chức vụ thấp theo, tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự khoảng 3,58 triệu đồng/tháng. Lương Bộ trưởng cũng chỉ khoảng 14,4 triệu đồng/tháng.

Lương tăng 3 lần nhưng đời sống vẫn khó khăn.Lương tăng 3 lần nhưng đời sống vẫn khó khăn.

Với mức lương như vậy, Bộ Nội vụ cho rằng “đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn”. Do mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ còn thấp, nên các cơ quan có thẩm quyền đã mở rộng đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù ngành nghề, đã làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề.

Ngoài ra, kinh tế tăng trưởng chậm kéo theo ngân sách cũng tăng chậm, trong khi đó nhu cầu chi đầu tư phát triển tăng, kéo theo đó là áp lực giảm bội chi ngân sách nhà nước nên khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương.

Bộ trưởng Bình cho biết, trong thời gian tới sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo lộ trình tiến tới bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương gắn với đổi mới hoạt động sự nghiệp công và phù hợp với khả năng nền kinh tế. 

Đồng thời, nghiên cứu, từng bước mở rộng quan hệ lương thấp nhất - trung bình - tối đa cho phù hợp với quan hệ thị trường, trên cơ sở đó, hoàn thiện hệ thống thang, bậc lương và các chế độ phụ cấp; rà soát, xác định rõ các ngành, nghề đặc thù, để làm căn cứ xây dựng, hoàn thiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp bảo đảm công bằng, hợp lý, nhất là các chế độ phụ cấp theo nghề.

Xuân Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo