Tăng thuế VAT có thể làm giảm phúc lợi và tăng thêm người nghèo
Tăng thuế VAT có thể làm tăng thêm người nghèo
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuế giá trị gia tăng (VAT) là nguồn thu ngân sách từ thuế lớn nhất. Mức hành thu VAT ở Việt Nam tương đối hiệu quả, do đó, việc tăng thu ngân sách từ VAT hầu như chỉ còn phương án tăng thuế suất.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, trong cả 2 kịch bản được đề xuất, tăng thuế suất VAT tác động tiêu cực lên phúc lợi của tất cả các hộ gia đình, người dân, vì giá cả tăng theo.
“Khi tăng thuế VAT, người có thu nhập cao bị ảnh hưởng hơn một chút so với người nghèo, tuy nhiên người nghèo sẽ bị thiệt hại về thực tế thu nhập nhiều hơn so với người giàu do thu nhập của họ ít hơn. Và về cơ bản, các hộ ở nông thôn, nhiều thành viên, trình độ học vấn thấp… sẽ ảnh hưởng mạnh hơn do tăng thuế VAT”, TS Nguyễn Đức Thành cho biết.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Việt Cường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, tăng VAT sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nhóm dân số, đặc biệt đến các nhóm nghèo.
Cụ thể, ở phương án tăng thuế lên 20% (phương án 1) thì tỷ lệ chi tiêu bình quân giảm đi 0,89%, tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26 điểm phần trăm, tương ứng với tăng them khoảng 240.000 người nghèo.
Phương án 2 (tăng thuế VAT lên mức chung 10%) thì tỷ lệ chi tiêu bình quân giảm đi 0,32%, tỷ lệ nghèo tăng lên 0,22 điểm phần trăm, tương ứng với tăng them khoảng 202.000 người nghèo.
Theo TS Cường, nhìn chung tăng thuế VAT theo phương án 2 có tác động nhỏ hơn phương án 1. Việc áp dụng thuế suất chung cũng tạo thuận lợi cho việc thu thuế. Tuy nhiên, phương án 2 cũng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến các hộ có thu nhập thấp. Do vậy, nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới, vì đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.
"Tác động tăng thuế VAT sẽ rõ rệt đối với các hộ nghèo và cận nghèo, bởi họ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất. Xét về tác động lên nghèo đói thì VAT chỉ có thể tác động lên nhóm thu nhập thấp ở cận nghèo. Các hộ gia đình có mức sống cao cũng bị giảm mức chi tiêu, nhưng mức giảm này không làm cho họ rơi vào nghèo như nhóm cận nghèo", TS Nguyễn Viết Cường phân tích.
Tăng thuế VAT chưa chắc đã cải thiện được thu ngân sách
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Chính phủ đang phải chịu sức ép về nguồn thu nên luôn phải tìm cách tăng đủ mọi thứ, thuế môi trường xăng dầu, thuế VAT… Dưới góc độ vĩ mô, kết quả nghiên cứu cho thấy, với đề xuất tăng thuế lên 1,2 lần của Bộ Tài chính (phương án 1), thu ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm 4,9%. Nếu Chính phủ dùng tiền thuế tăng thêm để đầu tư phát triển sẽ làm tổng đầu tư toàn xã hội tăng thêm 1,7%. Tuy nhiên, tổng thu nhập và tổng chi tiêu của hộ gia đình sẽ giảm bớt đi hơn 0,9%. Do đó, sản lượng thực của nền kinh tế không tăng lên.
Hai phương án tăng thuế VAT được đề xuất:
Phương án 1: Tăng thuế ở mức 20%, cụ thể là:
– Các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ chịu thuế 6%
– Các mặt hàng đang chịu thuế 10% sẽ chịu thuế 12%
– Các mặt hàng không chịu thuế (thuế suất 0%) vẫn tiếp tục được miễn thuế
Phương án 2: Áp dụng thuế suất 10% cho tất cả các mặt hàng (trừ các mặt hàng đang được miễn thuế). Cụ thể là:
– Các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ chịu thuế 10%
– Các mặt hàng đang chịu thuế 0% và 10% thì không điều chỉnh gì.
Với phương án tăng thuế suất các mặt hàng chịu thuế 5% lên 10% để thống nhất thuế suất VAT (phương án 2), thu ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm 2% (thấp hơn phương án 1). Nếu Chính phủ dùng tiền này để đầu tư phát triển sẽ làm tổng đầu tư toàn xã hội tăng thêm gần 1,8%. Tuy nhiên, tổng thu nhập và tổng chi tiêu của hộ gia đình sẽ giảm bới đi 1%. Do đó, sản lượng của của nền kinh tế không tăng giống như phương án 1.
Nếu tăng thuế theo phương án 1 nhưng Chính phủ lại dùng tiền này để chi thường xuyên thay vì đầu tư như hai kịch bản trên, thu ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm 4,5% nhưng chi tiêu Chính phủ sẽ tăng thêm gần 7%. Tổng đầu tư toàn xã hội chỉ tăng thêm 0,5%. Tổng thu nhập và tổng chi tiêu của hộ gia đình sẽ giảm bớt đi hơn 0,9% (giống như kết quả của phương án 1). Do đó, sản lượng thực của nền kinh tế bị giảm bớt đi 0,13%.
Chính vì vậy, tăng thuế VAT không làm tăng sản lượng thực của nền kinh tế, thậm chí còn làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ gia đình.
TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, trong dài hạn, nâng cao hiệu quả chi ngân sách mới đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thâm hụt ngân sách. Tăng thuế VAT chưa chắc đã cải thiện được thu ngân sách, nếu như việc tăng thuế làm giảm sản xuất và tiêu dùng.
"Nếu chi tiêu khôn ngoan hơn, đầu tư hiệu quả sẽ giúp tăng năng suất nền kinh tế trong dài hạn, có hiệu quả. Còn nếu bất đắc dĩ phải tăng thì cần giải pháp khác nữa là tính tới các nguồn khác như thuế tài sản người giàu, phân tán nguồn thu ra để tránh tập trung vào đối tượng phổ thông, yếu thế”, TS Nguyễn Đức Thành nêu ý kiến.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chung cư Hà Nội 2025: Chuyên gia dự báo không dễ giảm nhưng khó sốt nóng
Xăng dầu đồng loạt giảm giá
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá
PGBank mở chi nhánh mới tại Nghệ An
Giá heo hơi ngày 15/11/2024: Tiếp tục tăng giá tại một số tỉnh phía Nam
Giá nông sản ngày 15/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng, hồ tiêu giảm giá