Tăng tốc tín dụng ngoại tệ
Tín dụng ngoại tệ tăng
Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, tín dụng ngoại tệ tại ngân hàng này đang tăng đáng kể. Với lợi thế vốn USD trung hạn lớn (10 triệu USD) được tài trợ từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC), OCB đang cho vay xuất khẩu với lãi suất USD chỉ 5,5%/năm.
Tương tự, đại diện một số ngân hàng khác, như SHB, MB cũng cho biết, tín dụng ngoại tệ của các ngân hàng này tăng trưởng rất tốt. Dù chưa có số liệu cập nhật, song báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của hai ngân hàng này cho thấy, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ của SHB và MB đạt hơn 20%. Theo dự báo của các ngân hàng thương mại, từ nay đến cuối năm, tín dụng ngoại tệ còn tăng, do nhu cầu thanh toán các đơn hàng xuất nhập khẩu. Nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh thời gian gần đây đã khiến tỷ giá tại các ngân hàng có chiều hướng nhích lên.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sở dĩ cho vay USD tăng là do nhiều doanh nghiệp chuộng vay USD hơn, do lãi suất thấp hơn lãi suất tiền đồng và rủi ro biến động tỷ giá cũng thấp, do Ngân hàng Nhà nước cam kết không để tỷ giá biến động quá 3%. Tuy nhiên, năm nay, do Ngân hàng Nhà nước siết chặt quy định vay ngoại tệ, chỉ những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ mới được vay ngoại tệ, nên tình trạng doanh nghiệp vay USD để chuyển đổi sang tiền đồng nhằm hưởng chênh lệch lãi suất giảm hẳn. Do đó, áp lực trả nợ ngoại tệ khi các khoản vay đáo hạn không căng thẳng như những năm trước.
Tín dụng ngoại tệ đang tăng tốc
Nhận xét về diễn biến tỷ giá ngoại tệ, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VIB cho rằng, tỷ giá nhích nhẹ gần đây là bình thường theo chu kỳ mùa kinh doanh quý IV hàng năm. Tuy nhiên, theo ông Trung, sẽ khó có chuyện nhu cầu ngoại tệ tăng đột biến, bởi sức cầu của nền kinh tế vẫn rất yếu.
Cân nhắc kỹ việc điều chỉnh tỷ giá
Việc đồng USD rớt giá mạnh trên toàn thế giới đang khiến nhiều nước toan tính phá giá đồng nội tệ, nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Tại Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế đã đưa ra gợi ý này, song hiện có rất nhiều ý kiến phản bác.
Tiến sĩ Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, hiện tại, chúng ta chưa chịu áp lực điều chỉnh tỷ giá. Theo ông Ân, tỷ giá năm nay sẽ khó vượt ngưỡng 21.500 đồng/USD.
Trong khi đó, ông Lê Quang Trung cho rằng, không nên phá giá tiền đồng chỉ để hỗ trợ xuất khẩu, bởi việc phá giá tiền đồng sẽ khiến niềm tin vào tiền đồng giảm, nên mục tiêu giảm lãi suất cho vay cũng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, nếu việc điều chỉnh tỷ giá diễn ra, người dân sẽ tăng kỳ vọng vào đồng USD, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Đó là chưa kể, việc phá giá tiền đồng cũng sẽ khiến hàng loạt mặt hàng nhập khẩu tăng giá, tác động đáng kể tới chỉ số giá tiêu dùng.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (thuộc Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương) phân tích: “Về mặt lý thuyết, phá giá đồng nội tệ sẽ làm tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hàm lượng nhập khẩu trong hàng hóa xuất khẩu rất cao. Việc phá giá nhẹ tiền đồng, tưởng như không ảnh hưởng gì đến xuất khẩu, song thực tế đã làm hàng hóa trao đổi của Việt Nam đắt hơn hàng nước ngoài. Bằng chứng là trong mấy năm vừa qua, dù tỷ giá đã được điều chỉnh tăng lên khá cao, nhưng đồ thị tỷ giá thực (REER) lại đi xuống, chứng tỏ hàng hóa xuất khẩu của nước ta đang đắt lên đáng kể”.
Cũng theo nhận định của ông Dương, có lẽ, Ngân hàng Nhà nước đã nhận thấy vấn đề này, nên tỷ giá được giữ ổn định khá lâu trong thời gian qua. Với quan điểm như vậy, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ rất khó diễn ra trong quý IV năm nay, như động thái thường thấy ở quý IV các năm trước.
Như Trâm (Theo Đầu Tư)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD