Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng vẫn âm
Không chỉ các ngân hàng nhỏ, mà ngay cả ngân hàng lớn, có bề dày và thế mạnh tài trợ vốn cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu như Eximbank cũng có tăng trưởng tín dụng thấp.
Ông Nguyễn Quang Triết, Phó Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, lãi suất cho vay thực tế giảm xuống còn 6-7%/năm với doanh nghiệp xuất khẩu và ưu tiên dành cho doanh nghiệp lớn, có sức khỏe lành mạnh, nhưng các doanh nghiệp lớn lại chưa có nhu cầu vay vốn, nên tín dụng của Eximbank tăng trưởng chậm.
“Chúng tôi đã ký hợp đồng tín dụng dành gần 100 tỷ đồng cho một số doanh nghiệp lớn vay, nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân rất thấp, vì họ chưa có nhu cầu vay. Trong khi đó, nợ xấu vẫn tăng, nên ngân hàng vẫn phải rất thận trọng khi đẩy mạnh rót vốn”, ông Triết cho biết thêm.
Trong khi đó, lãnh đạo ABBank cũng thừa nhận, dù lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm khá mạnh, tín dụng vẫn không tăng trong 9 tháng đầu năm nay, trong khi đó, nợ xấu lại có dấu hiệu tăng. “Từ đầu năm đến nay, ABBank đã bán 1.000 tỷ đồng đẩy mạnh xử lý nợ xấu nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng, song vẫn rất khó khăn”, vị lãnh đạo này nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho rằng, sở dĩ tín dụng của một số ngân hàng đến thời điểm này chưa thoát âm là do các đơn vị này phải tập trung xử lý nợ xấu, tái cơ cấu lại nợ để giảm nợ xấu khiến dư nợ tín dụng không tăng. Chẳng hạn tại DongA Bank, tín dụng âm là do tỷ lệ nợ quá hạn 9 tháng đầu năm của ngân hàng này lên trên 13%, buộc DongA Bank phải trích dự phòng lên 339 tỷ đồng, gấp đôi so với mức lợi nhuận kiếm được. Kết quả, 9 tháng đầu năm 2014, DongA Bank lỗ 76 tỷ đồng.
Có một nghịch lý là, trong khi tăng trưởng tín dụng của không ít ngân hàng nhỏ vẫn âm, thì cá biệt có một số ngân hàng TMCP nhỏ khác lại có mức tăng trưởng tín dụng cao lại phải xin tăng “room” tín dụng. Chẳng hạn, Nam A Bank có mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 30%. Tuy nhiên, theo lý giải của ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc Nam A Bank, do quy mô ngân hàng còn nhỏ, con số tuyệt đối tăng trưởng tín dụng chỉ mới ở mức vài ngàn tỷ đồng, nên tăng 30% không đáng là bao. “Vì thế, Nam A Bank xin tăng “room” để có dư địa cho vay vào dịp cuối năm”, ông Vũ nói.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận xét, tín dụng không tăng được rõ ràng là mối lo của không chỉ các ngân hàng, mà của toàn nền kinh tế, song không vì thế mà ngân hàng nới lỏng quy định cho vay. “Bởi lẽ trong bối cảnh nợ xấu cao, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn yếu, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra ở mức thấp như hiện nay, họ có thể tìm hướng đầu tư khác an toàn hơn để giải quyết ách tắc vốn, chẳng hạn trái phiếu chính phủ”, ông Thành nói.
Trái ngược với tình hình tăng trưởng tín dụng ảm đạm của nhiều ngân hàng, thì ngược lại, việc huy động vốn của không ít ngân hàng đều tăng trưởng tích cực trong 9 tháng qua. Theo báo cáo, huy động vốn của DongABank tăng 14%; Sacombank tăng 18,5%; PVcombank tăng 24%... Cho dù, lãi suất huy động liên tục giảm và đến cuối tháng 10, chỉ còn cao nhất là 8%/năm cho các kỳ hạn 24 tháng, 5,5%/năm cho kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, song nguồn tiền chảy vào ngân hàng vẫn mạnh. Thực tế này cho thấy kênh gửi tiền vẫn được người dân tin tưởng.
Về phía doanh nghiệp, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho rằng, với việc giảm trần lãi suất huy động mới đây, ngân hàng nên tính toán giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay ra, nhất là với vốn trung và dài hạn. Có như vậy thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% mà ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay mới đạt được.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển