Tập trung vào chức danh chủ chốt
Đa số đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; chỉ tập trung vào các chức danh chủ chốt, có quy định của pháp luật cụ thể về chức danh, nhiệm vụ, quyền hạn. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng đây là những chức danh có vai trò tác động lớn.
Đặc biệt người liên quan đến quyền và tiền
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đề nghị việc lấy phiếu tín nhiệm nên khoanh ở nhóm người giữ các chức vụ chủ chốt, đặc biệt là liên quan đến quyền và tiền. “Phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm mở ra đến ủy viên của các ủy ban Quốc hội và các ban của hội đồng nhân dân là quá rộng, quá dàn trải, dễ dẫn đến hình thức, tốn kém, không hiệu quả...” - Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) băn khoăn.
Đồng tình với những lý lẽ trên, đa số đại biểu đề nghị Quốc hội tập trung thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh gồm: chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; thủ tướng, các phó thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ; chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; tổng Kiểm toán Nhà nước.
Trong khi đó, ở hội đồng nhân dân các cấp, đa số ý kiến đồng tình chỉ giới hạn lấy phiếu tín nhiệm trong phạm vi chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực hội đồng nhân dân; trưởng các ban của hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND.
Làm không khéo, bộ máy chỉ còn người tròn vo
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đa số ý kiến các vị đại biểu đồng ý với dự kiến là chỉ nên quy định ba mức độ tín nhiệm (các mức tín nhiệm để đại biểu lựa chọn): tín nhiệm cao, trung bình và tín nhiệm thấp.
Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị để đánh giá tương đối chính xác về mức độ tín nhiệm, cần có tiêu chí cụ thể, tránh tình trạng vì lấy phiếu mà những người dám đột phá thì không dám làm và bộ máy sẽ chỉ còn người tròn vo.
Theo đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), với những người có 2/3 đại biểu không tín nhiệm thì Quốc hội phải bãi miễn ngay. “Đề nghị sửa lại quy định là Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm ngay trong kỳ họp đối với những người có 2/3 phiếu tín nhiệm thấp và đối với người có tỉ lệ phiếu tín nhiệm thấp trên 50% thì bỏ phiếu tín nhiệm ở kỳ họp sau” - Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) kiến nghị.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết người có tỉ lệ phiếu tín nhiệm thấp có thể xin từ chức nếu tự xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ. Nếu không từ chức sẽ bị miễn nhiệm hoặc bị phê chuẩn việc miễn nhiệm và nếu hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử. Trong trường hợp người có trên 70% số người tham gia lấy phiếu tín nhiệm đánh giá tín nhiệm thấp thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay mà không cần chờ đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai và đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế. Còn người bị hai năm liên tiếp có tín nhiệm thấp thì sẽ bị bỏ phiếu tín nhiệm ngay khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai.
“Nếu qua lấy phiếu tín nhiệm đạt mức độ thấp, chậm khắc phục, không sửa chữa cũng đồng nghĩa với việc không còn đủ sức khỏe, mặc nhầm áo, hãy khuyên họ tự xem lại sức khỏe, trả lại áo, đó chính là văn hóa từ chức” - Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nói.
Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất

Sau sáp nhập, TP Hồ Chí Minh là một cực tăng trưởng mới của cả nước
Đà Nẵng: Bảo đảm cấp điện ổn định trong mùa nắng nóng 2025
Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo: Bước chuyển lớn cho hành trình nghiên cứu khoa học
EVNHANOI lý giải vì sao hoá đơn tiền điện tăng vọt trong cao điểm nắng nóng
Resort 5 sao đón thanh thiếu niên hoàn cảnh khó khăn vào thực tập

Cần làm rõ thêm đối tượng, dự án được vay gói 500.000 tỷ đồng