Tệ nạn xã hội về mại dâm, ma túy gia tăng
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Lập – Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết: “Tội phạm có liên quan đến mại dâm, ma túy đang có chiều hướng gia tăng, biến tướng, hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp.
Thống kê của Bộ Công an, số người nghiện ma túy và sử dụng trái phép các chất ma túy trên toàn quốc có hồ sơ quản lý là 204.377 người. Người nghiện ma túy có ở 100% tỉnh, thành phố”.
Về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trong 8 tháng đầu năm 2015 đã phát hiện, bắt giữ 343 vụ với 2.449 đối tượng; tòa án nhân dân các cấp thụ lý, xét xử gần 20% vụ, tuyên phạt tù từ 7 đến 15 năm với 29 bị cáo, 3 năm đến 7 năm với 119 bị cáo, từ 3 năm trở xuống là 180 bị cáo, 88 bị cáo cho hưởng án treo…
Cả nước hiện có 9/63 tỉnh thành triển khai cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 4.757 người. Các địa phương trên cả nước đang quản lý sau cai với 23.370 người. 53/63 tỉnh, thành triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone với 187 cơ sở, tăng 54 cơ sở so với cuối năm 2014.
Bên cạnh những kết quả, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là về bất cập trong các văn bản pháp luật lĩnh vực cai nghiện ma túy như: việc có áp dụng biện pháp đưa người dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau gây khó khăn cho các địa phương.
Ông Hứa Ngọc Thuận – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho rằng: “Hiện TP.HCM đang gặp nhiều vướng mắc trong việc xác minh tình trạng cư trú của người nghiện. Do người nghiện ma túy đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nên khai không đúng sự thật, thành phố đã mất rất nhiều thời gian xác minh nơi cư trú nên chậm trễ, có trường hợp đã hết thời hiệu áp dụng phải hủy quyết định đưa vào cơ sở xã hội đối với người nghiện”.
Đối với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, ông Thuận cũng thừa nhận: Tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP đang diễn biến khá phức tạp. Sáu tháng đầu năm 2015, thành phố đã ra quân quyết liệt, phối hợp với các đoàn kiểm tra 44.420 lượt và xử lý các vi phạm, đấu tranh triệt phá các đường dây mại dâm. Số tiền xử phạt đạt trên 17 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cái khó là ngay cả các chủ đường dây hoạt động mại dâm, người bán dâm lại có thái độ “thách thức” cơ quan chức năng, sẵn sàng đóng tiền phạt rồi vẫn lén lút hoạt động tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn. Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung góp ý kiến đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.
Ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh& Xã hội TP.HCM đề nghị: Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh& Xã hội, Bộ Công an sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn tình tự, thủ tục và thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm Bộ Lao động Thương binh& Xã hội khẳng định: “Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề, có khó khăn, có thách thức. Nhưng với vai trò của mình, chính quyền các địa phương phải chủ động hơn, đổi mới và linh hoạt trong các giải pháp từ truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm đến xây dựng các chương trình hành động phòng, chống mại dâm và ma túy”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân