Tết - thực phẩm bẩn rình rập mọi nơi
Thực phẩm bẩn vẫn vào phố
Theo Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh, bình quân mỗi ngày Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) tiêu thụ hơn 1.000 tấn thịt động vật, khoảng 3,5 triệu quả trứng gia cầm, nhưng các cơ sở sản xuất trong thành phố chỉ cung ứng được khoảng 20% nhu cầu.
Do vậy, chủ yếu nguồn hàng phải nhập từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An... Tuy nhiên, hiện nay tình trạng gia súc, gia cầm vận chuyển lén lút vào thành phố, trốn tránh sự kiểm dịch của cơ quan chức năng vẫn xảy ra, nên người tiêu dùng rất dễ mua phải các loại thực phẩm không an toàn nếu mua hàng tại các điểm kinh doanh không uy tín. Theo các trạm kiểm dịch động vật tại các cửa ngõ TPHCM, hầu như ngày nào cũng phát hiện và xử lý việc vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, chưa qua kiểm dịch vào nội thành để tiêu thụ.
Cuối tháng 1, Trạm kiểm dịch Thủ Đức phát hiện xe khách chạy tuyến Đồng Nai - Tiền Giang chở 28.000 quả trứng chưa qua kiểm dịch. Tuần qua, trạm cũng phối hợp với Đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc kiểm tra phát hiện 7 trường hợp vi phạm trong vận chuyển động vật và sản phẩm động vật tại quốc lộ 1A. Trạm kiểm dịch động vật An Lạc cũng phát hiện 20 trường hợp vi phạm.
Không chỉ các trạm kiểm dịch tại các cửa ngõ TPHCM phát hiện thịt bẩn tuồn vào thành phố, mà lực lượng thú y các quận cũng phát hiện vi phạm với số lượng hàng lên đến cả tấn. Cuối tháng 1, đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm quận Tân Phú phát hiện tại 1 cơ sở chuyên cung cấp gia cầm và thịt đông lạnh có hơn 1 tấn thịt gà đông lạnh đã quá hạn sử dụng, đang bốc mùi, biến chất.
Mứt, ômai lẫn trong khói bụi
Phố cổ Hà Nội, tuyến Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Bạc... những ngày này người chật như nêm chen nhau mua bánh mứt kẹo. Sáng 5.2, chen chân vào những tuyến phố này, mùi khói bụi, mùi mồ hôi trong cái nắng oi oi quyện hết cả vào các loại bánh mứt đang bày bán dọc vỉa hè. Hàng trăm loại mứt tết, ô mai được bày bán trần như... nhộng, không có bất cứ thứ gì che chắn và cũng chẳng có nhãn mác gì gắn kèm. Các loại ô mai khác như bí đao, kiwi, mơ, mận... cũng không có xuất xứ nào ngoài lời giới thiệu đon đả của chủ hàng: “Ô mai xịn Hàng Đường đấy!”.
Trong khi đó, tại nhiều chợ dân sinh, nhiều thực phẩm tết như bò khô, măng khô, lạp sườn... cũng được bày bán la liệt ở các quầy hàng gia vị, không đề nhãn mác xuất xứ. Điều đáng nói là vẫn có người mua hàng bởi đơn giản giá các mặt hàng này mềm hơn nhiều so với giá bán ở siêu thị, cửa hàng lớn. Theo đó, bò khô xé sợi có giá 350.000đ/kg, lạp xưởng 60.000 – 80.000đ/gói 500gr... Các thực phẩm khác như giò chả, thịt quay, mắm tép... bày dọc vỉa hè chợ tạm, chợ cóc... cũng được mua bán sôi động, mặc dù xuất xứ thì chẳng ai hay!
Hiện nay tại các chợ ở TPHCM, các loại mứt, thực phẩm khô, lạp sườn, giò chả,... không ghi rõ nguồn gốc vẫn đang được bày bán khá phổ biến mặc trời oi bức. Người mua không chỉ không thể biết được cơ sở sản xuất các loại thực phẩm này mà ngay cả ngày sản xuất, hạn dùng cũng không hề ghi nên việc sản phẩm có đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm hay không, có dùng hàn the, chất bảo quản,... hay không càng là điều người tiêu dùng không thể nào biết được.
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM - để đảm bảo sức khỏe cho chính mình, người tiêu dùng không nên sử dụng những sản phẩm không nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng. Hiện các siêu thị đang bày bán khá nhiều sản phẩm thực phẩm tươi sống lẫn thực phẩm chế biến của các cơ sở sản xuất có uy tín. Một số sản phẩm còn được nhà sản xuất cam kết không sử dụng hàn the.
Thanh Hương ( Theo laodong.com )
End of content
Không có tin nào tiếp theo