Tin tức - Sự kiện

Thách thức trong quá trình tìm kiếm tàu ngầm Argentina mất tích

Lực lượng cứu hộ phải tìm kiếm một khí tài chuyên ẩn mình dưới lòng biển, đồng thời chạy đua với thời gian trước khi tàu ngầm hết oxy.

Tàu ngầm ARA San Juan trong một cuộc diễn tập. Ảnh: AP.

Phát ngôn viên hải quân Argentina Enrique Balbi ngày 21/11 cho biết cuộc tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan mất tích đang bước vào giai đoạn cấp bách, do tàu có thể hết oxy trong hôm nay. Giới chuyên gia nhận định lực lượng cứu hộ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức để tìm kiếm chiếc tàu ngầm, loại khí tài được thiết kế để ẩn mình dưới lòng biển và lẩn tránh mọi phương pháp định vị, theo CNN.

Lần liên lạc cuối cùng của tàu San Juan diễn ra hôm 15/11 khi nó ở vịnh San Jorge, nằm giữa hành trình kéo dài hàng trăm km từ căn cứ Tierra del Fuego miền nam Argentina đến thành phố Mar del Plata phía đông bắc.

Hải quân Argentina cho biết thuyền trưởng tàu ngầm báo cáo hệ thống ắc quy gặp "sự cố" và xảy ra "chập điện" không lâu trước khi mất liên lạc. Sau đó ARA San Juan được lệnh trở về cảng Mar del Plata. Sự cố dạng này được hải quân Argentina coi là bình thường và thủy thủ đoàn không gặp vấn đề nào gây nguy hiểm tính mạng.

Sở chỉ huy liên lạc thêm một lần nữa với thuyền trưởng trước khi tàu ngầm mất tích. Dự kiến tàu phải có mặt tại cảng Mar del Plata hôm 19/11 nhưng việc này đã không diễn ra.

"Tàu ngầm ARA San Juan có thể đã gặp sự cố mang tính thảm họa nào đó, nhưng cũng có thể đó chỉ là vấn đề nhỏ khiến tàu lơ lửng trong lòng biển hoặc chìm xuống đáy", cựu sĩ quan tàu ngầm Mỹ William Vraig Reed cho biết.

 

Theo ông Reed, ARA San Juan là tàu ngầm diesel - điện, không phải tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nên thời gian lặn của nó chỉ có giới hạn. Tàu ngầm của Argentina có dự trữ hành trình tối đa tới 70 ngày, nhưng thời gian ở dưới nước liên tục của nó ngắn hơn rất nhiều.

ARA San Juan mất tích ở khu vực ngoài khơi vịnh San Jorge. Đồ họa: Google Earth.

Thông thường tàu ngầm diesel - điện sẽ phải nổi lên sau 24 giờ để bổ sung oxy, chạy động cơ diesel để nạp điện cho ắc quy, cũng như gửi tín hiệu vô tuyến về sở chỉ huy, học giả Peter Layton tại Đại học Griffith cho biết. Tuy nhiên, hải quân Argentina không thu được tín hiệu nào như vậy kể từ khi ARA San Juan mất tích. Nếu tàu ngầm này chìm và còn nguyên vẹn, thủy thủ sẽ chỉ có oxy đủ dùng trong 7-10 ngày, ông Leyton nhận định.

Tàu ngầm Argentina được trang bị hệ thống liên lạc vệ tinh khẩn cấp dạng phao nổi. Tuy nhiên, đến nay vẫn không có dấu hiệu cho thấy thủy thủ đoàn đã triển khai thiết bị này.

ARA San Juan là tàu ngầm đời cũ được Đức chế tạo hồi giữa thập niên 1980, trước khi trải qua quá trình hiện đại hóa, lắp đặt động cơ và ắc quy mới trong giai đoạn 2007-2013.

Nếu vỏ tàu còn nguyên vẹn, nó có thể chịu được áp suất ở độ sâu tối đa 500-600 m, gấp đôi độ sâu vận hành thông thường là 300 m. Trong trường hợp San Juan chìm xuống đáy thềm lục địa Argentina, nó có thể không bị áp lực nước nghiền nát do độ sâu tại đây không quá 600 m. Tuy nhiên, nếu chìm ở vùng biển sâu hơn ngoài khơi Đại Tây Dương, nhiều khả năng vở tàu sẽ bị phá hủy hoàn toàn, khiến thủy thủ đoàn không có cơ hội sống sót.

 

Khó khăn khi tìm kiếm tàu ngầm mất liên lạc

Tìm kiếm tàu ngầm khó khăn hơn rất nhiều so với tàu mặt nước, do chúng thường được thiết kế để lẩn tránh mọi phương pháp định vị dưới mặt biển. Tàu ngầm thường được phát hiện thông qua hệ thống định vị thủy âm (sonar) chủ động hoặc dựa vào tiếng ồn động cơ bằng sonar thụ động.

"Nếu tàu ngầm ở dưới đáy đại dương, nó sẽ không tạo ra nhiều tiếng ồn. Thủy thủ có thể gõ vào vỏ tàu để thu hút sự chú ý của các tàu đi ngang qua đó. Tuy nhiên hệ thống sonar chỉ thực sự hiệu quả khi tìm kiếm tàu ngầm lơ lửng giữa vùng đáy và mặt biển", ông Layton nhấn mạnh.

Tàu chiến Argentina xuất phát tìm kiếm chiếc ARA San Juan. Ảnh: AP.

Giới chuyên gia cho rằng thứ cần dùng lúc này là thiết bị vẽ bản đồ đáy biển, tương tự hệ thống được sử dụng trong quá trình tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia mất tích hồi năm 2014. Tàu chiến và máy bay từ ít nhất 7 quốc gia đang tìm kiếm các khu vực nghi vấn ngoài khơi Argentina, nhưng chưa có dấu hiệu nào của ARA San Juan.

Trong trường hợp phát hiện ra vị trí tàu ngầm, hải quân Mỹ có thể triển khai hai hệ thống cứu hộ thủy thủ, tùy vào độ sâu chỗ tàu đắm.

 

Thiết bị đầu tiên là Chuông cứu hộ tàu ngầm (SRC) có hai người vận hành, được thả xuống tàu ngầm bằng dây cáp. SRC sẽ trùm quanh cửa tàu ngầm để thủy thủ leo lên. SRC có thể giải cứu tối đa 6 người mỗi lần và chịu được áp suất ở độ sâu 260 m. Thiết bị thứ hai là Module cứu hộ điều áp (PRM), có thể kết nối với tàu ngầm ở độ sâu tới 610 m và cứu được cùng lúc 16 người.

Tuy nhiên, tư thế chìm dưới đáy của tàu ngầm là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại của hoạt động giải cứu. Hải quân Mỹ cho biết các thiết bị như PRM có thể kết nối với tàu ngầm ở góc nghiêng tối đa 45 độ.

"Tàu ngầm gặp nạn phải nằm thẳng đứng trên nền đáy biển để các thiết bị cứu hộ dễ dàng kết nối. Dù vậy, đáy biển thường không bằng phẳng, khiến việc này sẽ rất khó khăn nếu tàu San Juan chìm ở tư thế khác", chuyên gia Layton nhận định.

Nên đọc
Theo Vnexpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo