Tin tức - Sự kiện

Thặng dư bán vốn của SCIC đạt 5.360 tỷ đồng

(DNVN) - Tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quố hội chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải đáp các thắc mắc xung quanh đến việc bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Trong phiên họp Quốc hội, gửi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) đã đặt câu hỏi xung quanh việc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã sử dụng nguồn tiền thoái vốn đầu tư vào lĩnh vực nào, những dự án gì, nguồn thu lợi ra sao, hiệu quả thu được so với việc đầu tư trước đó của các doanh nghiệp thoái vốn cao hơn hay thấp hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong 10 năm qua, kiểm toán độc lập đã thực hiện thanh tra liên tiếp 9 lần trong 9 năm, ngoài ra các cơ quan quan lý như Thanh tra Chính phủ, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đã thực hiện tổng cộng 10 cuộc thanh tra. 

“Như vậy công  tác thanh tra, kiểm tra và kiểm toán tại SCIC trong 10 năm qua là đầy đủ và toàn diện. Các kết luận về thanh tra kiểm tra đều được công bố theo đúng quy định của pháp luật về thanh tra kiểm tra và kiểm toán”, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.

Vị tư lệnh ngành Tài chính cũng cho biết, về kết quả, tiếp nhận vốn nhà nước và thoái vốn nhà nước, SCIC tiếp nhận vốn nhà nước tại DN được 980 DN, với giá trị sổ sách là 9.518 tỷ đồng, đồng thời đã bán vốn 811 DN (trong đó, bán hết vốn nhà nước tại 733DN, bán bớt một phần vốn nhà nước tại 78 DN...), với tổng doanh thu 9.243 tỷ đồng/giá vốn 3.925 tỷ đồng, thặng dư bán vốn 5.360 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, theo quy định, SCIC quy định hạch toán thặng dư bán vốn 5.360 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và trích lập các quỹ.

Trong giai đoạn từ 2013 trở về trước, phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ được tiếp tục bổ sung quỹ đầu tư phát triển của SCIC. Từ năm 2013 đến nay, phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ, SCIC nộp vào NSNN theo đúng quy định của Nghị quyết Quốc hội.

 

Về đầu tư của SCIC, Bộ trưởng thừa nhận, đến nay, SCIC đầu tư chưa nhiều mới làm tốt chức năng tiếp nhận và thoái vốn. Cụ thể, mua trái phiếu chính phủ 5.000 tỷ đồng; tham gia đầu tư dự án Nhà máy thuốc chữa ung thư với tổng số vốn là 525 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 157 tỷ đồng thì SCIC đóng 77 tỷ đồng, bằng 49%; dự án Nhà máy nước Sông Đà 2 có tổng vốn 5.551 tỷ đồng, trong đó SCIC tham gia 1.665 tỷ đồng, dự án đang hoàn thiện để đề xuất đầu tư. Hiện nay, SCIC cũng như đang nghiên cứu tham gia mua cổ phần của Ngân hàng Quân đội (MB).

Hoàng Thiên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo