Khám phá

Thành lập Đại học Công nghệ Việt - Nga

(Dân trí) - Ngày 18/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Bộ GD-ĐT và Bộ Giáo dục và Khoa học Nga để thống nhất việc ký kết thành lập Trường ĐH Công nghệ Việt - Nga.

 Buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân với đoàn Bộ Giáo dục và Khoa học LB Nga nhằm thống nhất hướng hợp tác cơ bản sẽ được đề cập trong chuyến thăm chính thức LB Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến vào tháng 5/2013.

Theo đó, Việt Nam và LB Nga sẽ ký kết Hiệp định Liên Chính phủ về thành lập Đại học Công nghệ Việt - Nga; đẩy mạnh hợp tác và phát triển văn hóa, ngôn ngữ Nga, khôi phục và nâng cấp Viện Puskin lên quy mô khu vực; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu giao thông vận tải...
Sau buổi làm việc, Bộ GD-ĐT và Bộ Giáo dục Khoa học Nga đã có cuộc gặp gỡ báo chí.

Dự án xây dựng Trường ĐH Công nghệ Việt - Nga đã được lên kế hoạch xây dựng 3 năm trở lại đây. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Trường ĐH Công nghệ Việt - Nga thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường ĐH kỹ thuật Lê Quý Đôn. Phía Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo về các ngành kỹ thuật khoa học mũi nhọn hiện đại. Chương trình học sẽ giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Nga.

Đại diện Bộ Giáo dục Khoa học Nga cho biết, chúng tôi sẽ soạn thảo nhiều chương trình hợp tác ưu tiên. Phía Nga sẽ cử giáo viên sang Việt Nam giảng dạy tại Trường ĐH Lê Quý Đôn và ngược lại Trường ĐH Lê Quý Đôn sẽ cử giáo viên, sinh viên sang Nga thực tập và nâng cao trình độ nghiệp vụ. Đồng thời, phía Nga sẽ dành nhiều suất học bổng để sinh viên Việt Nam sang Nga học cũng như phát triển dạy tiếng Nga tại Việt Nam. Nga sẽ cung cấp giáo trình tiếng Nga cho các trường ĐH Việt Nam...

“Dự án này có tầm chiến lược quan trọng trong lĩnh vực hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Nga” - vị lãnh đạo Bộ Giáo dục Nga khẳng định.

Trung tướng Phạm Thế Long - Hiệu trưởng Trường ĐH kỹ thuật Lê Quý Đôn cho biết: “Trường ĐH Công nghệ Việt - Nga thành lập theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu thử nghiệm, lựa chọn các chuyên ngành đào tạo đến năm 2016 . Theo đó, ĐH Kỹ thuật Lê Quý Đôn thử nghiệm đào tạo chương trình tiên tiến do các trường ĐH hàng đầu của Nga cung cấp và giảng viên Nga sang giảng dạy, cũng trong giai đoạn này thành lập Viện nghiên cứu đào tạo Việt - Nga. Giai đoạn 2, từ năm 2016 - 2020 trường mới chính thức đi vào hoạt động”.

Dự kiến kinh phí xây dựng cho Đề án này khoảng từ 100 - 150 triệu đô la.

 

Minh Đức

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo