Khám phá

Thầy Hiền của trẻ mầm non

Trong cuộc sống này vẫn có người đàn ông đam mê một nghề vốn thuộc về phụ nữ, nghề nuôi dạy trẻ mầm non.

Nhiều người ngạc nhiên, cho rằng chẳng hay ho gì khi đàn ông lại chọn nghề dạy trẻ, thậm chí là thiếu phong cách đàn ông. Nhưng vẫn có những người đàn ông âm thầm làm công việc vốn thuộc về phái yếu này.

 

Bén duyên

 

18 tuổi, anh Lê Minh Hiền (sinh năm 1973) chọn nghề công nhân máy tàu. Thế nhưng do mẫn cảm với khói thải động cơ và dầu nhớt nên anh Hiền không trụ được với nghề, dù có ba năm gắn bó, anh đành đi kiếm việc khác. Mẹ anh khuyên nên đi học may vì những năm 1993-1994 nghề may rất thịnh, nhiều xí nghiệp may ra đời. Đắn đo với lời khuyên của mẹ, anh đọc báo tìm việc thì biết Trường Trung học Sư phạm Mầm non 4, có tuyển sinh viên nam với điều kiện khá đơn giản: Tốt nghiệp THPT và thi môn năng khiếu. Anh Hiền dự thi và trúng tuyển. Sau hai năm học, anh Hiền tốt nghiệp, về công tác tại Trường Mầm non TP được 14 năm. Mới đây anh Hiền chuyển về công tác tại Trường Mầm non Hoa Hồng, quận Tân Phú (TP.HCM).

 

Anh Hiền kể: Công việc hằng ngày của anh cũng như các cô, làm riết rồi quen và thuần thục, sắp xếp công việc gọn hơ. Làm nghề nuôi dạy trẻ đòi hỏi tính tỉ mỉ, chắc chắn những ai không yêu công việc, không yêu trẻ thì khó đảm đương nổi. Bằng chứng thực tế là 4-5 người bạn của anh sau vài ba năm làm thầy dạy trẻ mầm non đã bỏ nghề.

 

Vui buồn chuyện nghề


Họ đã nói

- Cái khó của giáo viên nam mầm non là những tiết dạy văn nghệ. Các thầy không thể dẻo như các cô nhưng các thầy cũng “hợp thức hóa” bằng cách cho các cháu vận động, nhảy nhịp điệu theo nhạc. Thuận lợi của giáo viên nam là tổ chức được nhiều trò chơi vận động cho các cháu.

Thầy Hiền có lợi thế là những chuyện tỉ mỉ, khéo tay mà nhà trường tổ chức thi như cắm hoa là thầy về “học” ở vợ. Quê vợ ở miền Tây, có rất nhiều trò chơi dân gian cho thiếu nhi nên thầy học hỏi để đưa những trò chơi đó vào các tiết học khiến các bé rất thích thú.

Cô TRẦN THỊ NĂM, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, quận Tân Phú

- Các bé bây giờ có xu hướng thích học với thầy hơn cô. Các cháu được vận động nhiều, chơi nhiều trò chơi. Thầy giáo dạy trẻ mầm non tuy có vụng về nhưng ít khi nổi cáu. Nhà trường chưa có thầy giáo đứng lớp chính thức như các cô, tuy nhiên để đỡ đần công việc cho các cô giáo mấy môn thể dục, năng khiếu, nhà trường thuê các thầy dạy để các cô có thời gian chăm sóc, vệ sinh các cháu tốt hơn.

Cô NGUYỄN THỊ ANH HỒNG, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 12, quận Phú Nhuận


 

Thầy giáo dạy mầm non cũng có nhiều chuyện buồn vui. Hồi mới về Trường Mầm non Hoa Hồng, phụ huynh đưa con đến, thấy có người đàn ông đón con họ, bồng con họ vào lớp, họ tưởng là bảo vệ phụ việc. Nhưng hình ảnh ấy lặp lại nhiều lần khiến phụ huynh phải hỏi hiệu trưởng, mới biết cũng có thầy giáo đi dạy trẻ mầm non. Những ông bố bà mẹ kỹ tính thì nhìn dò xét. Mỗi dịp họp phụ huynh, nhìn ánh mắt những bà mẹ có cháu gái, anh Hiền đoán được họ đang nghĩ gì và muốn nói gì. Có lần anh Hiền giải thích để phụ huynh yên tâm: “Thông thường một lớp có hai giáo viên và một (hoặc hai) bảo mẫu phụ. Lớp của tôi gồm hai cô giáo và tôi cùng chăm 45 cháu, chia ra thành ba nhóm. Việc vệ sinh bé gái do các cô đảm nhận, tôi chỉ vệ sinh cho bé trai nên phụ huynh cứ an tâm”.

 

“Trẻ con hồn nhiên, trong sáng nên tôi hết mực thương yêu chúng” - anh Hiền nói. Các bé cũng rất nhạy cảm, nếu chăm bé này mà lơ là bé kia là chúng nhận ra ngay. Có bé hờn dỗi mỗi khi bị thầy “bỏ rơi”, nghe các cháu hờn trách anh lại càng yêu chúng hơn. Với kiến thức nuôi dạy trẻ được học từ trường sư phạm, anh cho biết việc yêu thương các cháu không nên quá đà làm các cháu sẽ dễ “hư”.

 

Khi đến giờ ăn, anh Hiền cũng như các đồng nghiệp nữ đút bé này, dỗ bé kia ăn hết khẩu phần của mình. Các bạn nhỏ thường í ới méc thầy: “Thầy ơi, bạn Quốc nhả cơm kìa, bạn Quyên không thèm ăn kìa”. Tiếng khóc, tiếng cười hòa quyện vào nhau rất ồn. “Làm nghề giáo viên mầm non cái tâm phải tịnh, không cho phép mình nổi cáu, phải gần gũi, thân thiết để hiều rõ các cháu. Hôm nào có cháu trái tính trái nết là mình biết các cháu bệnh hoặc có chuyện gì đó ấm ức từ nhà, từ bạn học. Trước khi vào giờ học chính buổi sáng, tôi dành 15-20 phút để các bé kể chuyện của mình ở nhà, ở lớp. Bé nào giận bé nào phải được hòa giải ngay tức thì. Mình phải ân cần, trìu mến để các bé chia sẻ. Trẻ con mà, giận đó, đánh nhau đó rồi vui cười, chơi với nhau đó” - anh Hiền chia sẻ.

 

Lựa chọn “nghề của phụ nữ” anh Hiền cũng bị lời ong tiếng ve về giới tính. Mới đây, anh vừa hoàn tất chương trình ĐH khoa Mầm non của ĐH Sư phạm. Lên trường nhận bằng, thầy trưởng phòng đào tạo không tin rằng có thầy giáo học mầm non nên thêm chữ “Thị” vào tên anh khiến anh vất vả đi lại nhiều lần để bỏ chữ “Thị” và “chuyển giới tính” từ nữ sang nam.

 

Công bằng với trẻ

 

“Nếu ai hỏi có hối hận khi chọn nghề giáo viên mầm non không, công việc tỉ mẩn, kỹ lưỡng từng chút một là đặc tính của phụ nữ sao mà đảm đương nổi, tôi sẽ không ngần ngại để trả lời rằng rất vui khi đã chọn nghề này. Vì nghề nào cũng vậy cần làm việc có khoa học và có tâm. Thu nhập tuy không cao nhưng tiện tặn cũng nuôi được đứa con” - anh Hiền tâm sự.

 

Anh Hiền lập gia đình muộn và mới có một cháu trai hơn hai tuổi. Hằng ngày bé theo anh đến trường nhưng học ở một lớp do cô giáo khác dạy. Anh quan niệm nếu chăm sóc con mình đặc biệt hơn so với các bé khác sẽ không hay. Anh nói phải giữ cho mình tâm lý cân đối, không được thương ai quá, cũng không được ghét ai quá. Tình cảm dành cho các bé cũng vậy, phải rất công bằng.

 

Tuy ở trường chỉ có anh Hiền là nam, mỗi cuộc họp góp ý đồng nghiệp về chuyên môn anh thẳng tính nhưng cân nhắc thật kỹ những lời phát biểu. “Tất cả tôi học từ trẻ con hết đấy, gắn bó với trẻ con, mình không bao giờ thấy già. Đó là cái lợi của nghề này” - anh Hiền khẳng định.

Theo PL TPHCM

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo