Thế giới bước vào năm 2014: Những ván cờ dang dở
Cơm áo không đùa
Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vẫn đang tiếp diễn và càng ngày càng có vè trầm trọng hơn đối với không chỉ một quốc gia. Bản thân khu vực đồng euro hiện nay cũng đang bối rối với những mâu thuẫn nội bộ trong hàng loạt các vấn đề kinh tế xã hội. Tác giả Gideon Rachman trên tờ The Fiancial Times xuất bản ở London trong số ra trung tuần tháng 12/2013 còn đưa ra nhận định: ở thời điểm hiện nay, chính phương Tây, phần phát triển nhất thế giới về phương diện kinh tế tài chính cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, cũng đang tự hoài nghi về tương lai của chính mình!.
Gideon Rachman viết: “Thế nào là phương Tây? Các chính trị gia Mỹ và châu Âu thương thích nói về các giá trị và định chế. Thế nhưng đối với hàng tỷ người trên khắp thế giới đang tồn tại một cách nhìn phê phán đơn giản và dễ dàng hơn để nhận biết. Phương Tây-đó là một phần của thế giới mà tại đó ngay cả những người bình thường nhất cũng được sống trong cảnh cơm no áo ấm.
Chính mơ ước đó đã buộc những người nhập cư bất hợp pháp phải mạo hiểm cả tính mạng để tìm đường lọt vào châu Âu hay sang nước Mỹ. Dẫu rằng sức hấp dẫn của phương Tây vẫn còn là đáng kể nhưng bản thân thế giới phương Tây đã bắt đầu đánh mất dần niềm tin vào tương lai của mình.
Mới đây ông Barack Obama đã phải đưa ra một trong những lời phát biểu u ám nhất trong hai nhiệm kỳ làm chủ Nhà Trắng của mình. Sử dụng những thuật ngữ rắn, Tổng thống Mỹ đã trình bày tiến trình gia tăng bất công và sự sụt giảm độ năng động xã hội mà theo ông, đang là “mối đe dọa nền tảng đổi với giấc mơ Mỹ, đối với lối sống của chúng ta, cũng như đối với những gì mà chúng ta ủng hộ trên khắp thế giới…”
Trong quá trình tiến hành nghiên cứu hồi mùa xuân năm 2013 tại 39 quốc gia của Trung tâm khoa học Pew Research Center, câu hỏi được đưa ra là : “Liệu ở nước bạn con cái sẽ được sống tốt hơn cha mẹ mình?”. Chỉ có 33% số người Mỹ tin vào việc con cái họ sẽ được sống tốt hơn họ, trong khi đó có tới 62% nói rằng, con cái họ sẽ phải sống kém hơn.
Các câu trả lời của người châu Âu còn u ám hơn. Chỉ có 28% số người Đức, 17% số người Anh, 14% số người Italia và 9% số người Pháp cho rằng, con cái của họ sẽ sống sướng hơn những thế hệ đi trước. Tinh thần bi quan ở phương Tây trái ngược với sự lạc quan trong thế giới đang phát triển: 82% số người Trung Quốc, 59% số người Ấn Độ và 65% số người Nigeria tin rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay.
Tâm trạng bi quan ở phương Tây hoàn toàn không phải chỉ là hệ lụy từ những tin đồn hay những nỗi lo tự kỷ ám thị. Bản thân các con số thống kê cũng cho thấy, ở phương Tây cuộc sống đang ngày càng khó khăn hơn. Theo số liệu của các chuyên gia thuộc Viện Brookings, tiền công của đàn ông trong độ tuổi lao động ở Mỹ - có tính cả mức độ lạm phát – đã giảm từ năm 1970 tới nay khoảng 19%. Người Mỹ trung bình – đã có thời là hiện thân của giấc mơ Mỹ - đã bị mất vị trí vốn có dù thu nhập của khoảng 5% số người nằm ở phần trên danh sách này đã gia tăng đáng kể.
Ngay cả các chính trị gia theo xu hướng bảo thủ cũng phải tỏ ra lo lắng. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đang nuôi ham muốn ra ứng cử tổng thống từ Đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 nhấn mạnh rằng, cha mẹ ông đã có cơ hội “vươn lên và lọt vào đội ngũ trung lưu” khi chỉ cần làm những công việc tương đối khiêm nhường là chủ quầy bar và người hầu phòng. Tuy nhiên, ông cũng công nhận rằng, trong thời đại hiện nay thì không thể nào làm được như thế nữa.
Tâm trạng u ám ở châu Âu cũng xuất phát từ thực trạng đang tồn tại trong xã hội, đặc biệt là từ sự thật nhỡn tiền là sắp tới các khoản trợ cấp xã hội sẽ càng ngày càng bớt hậu hĩnh. Sức ép phát triển đặc biệt bộc lộ rõ ở những quốc gia đã bị tổn hại nặng nề bởi cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp và Bồ Đào Nha, Chính phủ đã bắt buộc phải cắt giảm tiền công và lương hưu.
Ngay tại những quốc gia đã đạt được những chỉ số phát triển tương đối không tồi cũng đứng trước nguy cơ suy giảm mức sống. Một nghiên cứu do tờ Financial Times tiến hành cho thấy, những người Anh sinh ra trong năm 1985 hiện đang là thế hệ đầu tiên các công dân trên “hòn đảo sương mù” trong suốt 10 năm qua mà sẽ không được có một tương lai tốt đẹp hơn so với những người sinh ra trước họ 10 năm. Ngay ở Đức, đất nước có nền kinh tế vẫn hay được khen là vững mạnh và ưu việt nhất phương Tây, các kết quả của “phép lạ kinh tế Merkel” chủ yếu chỉ được cảm nhận ở phần trên của thang bậc lương. Những cải cách kinh tế đã tạo ra nền móng của cơn sốt nhập khẩu tại Đức, chỉ có được nhờ sự kìm giữ mức tăng tiền công, giảm trợ cấp xã hội và việc gia tăng sử dụng nhân công thời vụ.
Nhiệm vụ bất khả thi
Trên chính trường quốc tế hiện nay đang hiện hữu quá nhiều ván cờ dang dở mà ít ai dám nói chắc kết cục sẽ là thế nào. Thế giới tiếp tục bị chia rẽ ngày một sâu sắc, không chỉ giữa phương Đông với phương Tây, không chỉ giữa những tham vọng bá quyền từ những phương trời khác nhau mà trong chính nội bộ phương Tây cũng như ở một số khu vực hay quốc gia nào đó.
Hai bên bờ Đại Tây Dương hiện nay theo đuổi những quan điểm rất khác nhau về chiến tranh và khủng bố, về hòa bình và an ninh. Tỷ số người ủng hộ Nhà Trắng cũng đã bị suy giảm không ít ở nhiều nơi, kể cả ở những quốc gia vốn được tiếng là đồng minh thân cận của Washington…Sâu sắc và trầm kha hơn những bất động trên là thái độ thù địch của đa phần thế giới Hồi giáo đối với đường lối ỷ mạnh của phương Tây nói chung và nước Mỹ nói riêng.
Muốn nói gì thì nói, những gì đang diễn ra ở Iraq hay Afghanistan có thể bị coi là những bước lùi cuộc chiến chống khủng bố. Hoàn toàn không có bình yên ở những xứ sở mà Washington mang quân tới bình định. Afghanistan đang thế và Iraq cũng đang thế. Hầu như không ngày nào ở những nơi đó lại không xảy ra những vụ khủng bố đẫm máu. Hình thái xã hội đang được chính thể thân Mỹ duy trì ở mức độ này hay mức độ khác xem ra không được lòng dân sở tại vì họ cho rằng, nền dân chủ nhập khẩu từ phương Tây xa lạ với những truyền thống Hồi giáo ở đây, chỉ là một “nền dân chủ trên họng súng”.
Tàn quân Taliban càng ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở Afghanistan. Tại Iraq, những bản tin hàng ngày phát đi từ đây luôn chứa đầy rẫy những xác chết vì những vụ đánh bom cảm tử, những cuộc đụng độ vũ trang giữa các lực lượng mâu thuẫn sắc tộc hoặc tôn giáo…Đại đa số cư dân ở đất nước có 25 triệu người này vẫn có xu hướng chống lại Mỹ.
Và không chỉ riêng ở Iraq mà ở tại nhiều quốc gia Arập khác, càng ngày càng có nhiều người cả tín đồ Hồi giáo lẫn không phải tín đồ Hồi giáo cảm thấy nước Mỹ là kẻ thù của mình. Có lẽ cũng vì lý do này nên Al-Qaeda càng có thêm cơ hội “chiêu binh mãi mã” ở nhiều nơi trên thế giới. Ngay cả ở phương Tây, tư tưởng Hồi giáo cực đoan cũng đang được truyền bá khá mạnh mẽ.
Cuộc thánh chiến theo kiểu Al-Qaeda xem ra ngày càng khó bị dẹp bỏ. Nước Mỹ dù mang trong mình những tiềm năng kinh tế và quân sự ở mức siêu cường cũng không thể làm được gì nhiều trước một kẻ thù lúc nào cũng sẵn sàng liều chết để đạt mục đích của mình như thế.
Thực tế cũng cho thấy, những quốc gia đã trải qua cái gọi là “mùa xuân A rập” hiện lại bị nhấn chìm sâu hơn vào tình trạng hỗn loạn và bạo lực. Có thể đánh giá khác nhau về cá nhân cố lãnh tụ Lybia Moammar Gaddafi hay cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak nhưng rõ ràng, cả Lybia lẫn Ai Cập đã bình ổn và yên ấm hơn khi những nhà lãnh đạo như thế cầm quyền.
Theo tờ The Guardian xuất bản ở London, kết quả thăm dò dư luận của Trung tâm khoa học Pew Research Center tiến hành phối hợp cùng với Hội đồng Quan hệ quốc tế (Council on Foreign Relation), được công bố ngày 4/12/2013 cho thấy, phần lớn số dân Mỹ đồng tình với ý kiến cho rằng, hiện nay Washington chỉ giữ vai trò nhỏ hơn 10 năm trước rất nhiều. Đại đa số người Mỹ đều muốn Chính phủ Mỹ nên tập trung hơn nữa lo việc nội địa hơn là cứ thọc mũi sang công chuyện của những quốc gia khác.
Thực sự là nhiều nhà lãnh đạo quốc gia đã hiểu rất sâu sắc rằng, mỗi nước cần phải biết chọn lựa cho mình những ưu tiên riêng và những cách xử lý riêng đối với các vấn đề quốc tế thì mới có thể hy vọng rằng mình sẽ không bỏ lỡ những cơ hội phát triển cần thiết. Không có và không thể có “những khuôn vàng thước ngọc” chung dành cho tất cả mọi quốc gia, ngay cả trong thời đại “toàn cầu hóa”. Thực tế cho thấy, trên chính trường quốc tế, mọi bên đều hành xử theo cách tìm ra cho mình những điều kiện thuận lợi nhất, thậm chí có những nước lớn chỉ quen với cách nghĩ và làm “dễ mình, khó người”.
“Thế giới thứ ba” vì thế càng vấp phải nhiều khó khăn hơn vì hiện nay, do tương quan lực lượng trên bàn cờ chính trị chung có vẻ như nghiêng hẳn về trung tâm quyền lực nổi trội là Washington. Người Mỹ đã không bỏ qua cơ hội dùng sức mạnh vật chất tạm thời là hơn hẳn để áp đặt luật chơi riêng của mình cho phần thế giới còn lại. Lắm lúc những khái niệm rất sang trọng và thanh cao như nhân quyền và dân chủ cũng được tung ra tới tấp từ Washington với những diễn giải thực chất chỉ hợp với tư duy người Mỹ và thường hay có hại cho những khu vực khác với những trình độ phát trền và truyền thống văn hóa văn minh khác.
Thật đáng tiếc là vẫn đang có những chính trị gia ở Washington nhất định không chịu hiểu rằng, chẳng phải bất cứ điều gì làm cho chú Sam thích thú cũng tạo nên cảm giác tương tự ở những người khác. Chính vì thế nên những vụ đụng độ vũ trang hay các đợt khủng bố vẫn tiếp diễn hàng ngày trên thế giới, đặc biệt ở những nơi mà Washington muốn áp đặt mô hình phát triển của họ.
Tổng thống Vladimir Putin trong Thông điệp Liên bang đọc trước Quốc hội Nga ngày 12/12/2013 đã thẳng thắn bộc lộ sự bất mãn của mình với cách hành xử của Washington bằng lời khẳng định đanh thép là Moskva không hề tìm cách trở thành một siêu cường hay “lên mặt dạy đời người khác”.
Không có dân tộc nào dại dột từ chối những thành tựu phát triển, nhưng rất ít , nếu không muốn nói là không có bất cứ ai muốn mình phải trả giá cho những thành tựu văn minh vật chất bằng sự hy sinh độc lập và tự do cũng như nhân phẩm theo cách hiểu và cảm truyền thống được lưu giữ từ cha ông mình. Và nhiều dân tộc sẵn sàng hy sinh rất nhiều điều để bảo vệ nền tự do và độc lập của mình trước bất cứ một kẻ thù dù hùng hậu đến mấy.
Được đi theo lối mà mình đã chọn mà vẫn phát triển và tiến bộ là nhu cầu cấp thiết và trên hết của từng quốc gia, từng dân tộc. Không xuất phát từ sự hiểu biết này, những cường quốc hay siêu cường dù có binh hùng tướng mạnh đến mấy cũng không thể nào giành được chiến thắng trong một cuộc đấu một mất một còn với những phong trào nổi dậy chỉ vì quá tuyệt vọng mà phải chọn đánh bom tự sát như phương pháp tự vệ và tấn công chủ đạo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên