Thị trường công nghệ: Vì sao trầm lắng?
Một trong những vấn đề khiến hoạt động chuyển giao công nghệ kém hiệu quả là nguồn cung (các sáng chế, giải pháp công nghệ…) còn thiếu. Đây là thực tế đang diễn ra ở tất cả các lực lượng sáng tạo. Ở những nước phát triển, trường đại học và viện nghiên cứu là khối sáng tạo chủ yếu. Thế nhưng ở Việt Nam, theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong giai đoạn 2003-2010, chỉ có 61 bằng sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp cho các trường đại học và viện nghiên cứu. Trong đó, chỉ có 30 bằng còn hiệu lực và còn lại hầu hết không nộp lệ phí duy trì hiệu lực sau năm thứ nhất. Tình hình này chưa có chuyển biến trong năm 2012.
Ngay một trung tâm học thuật đa ngành hàng đầu Việt Nam như Đại học Quốc gia Hà Nội, trong thời gian 2011 - 2012, cũng chỉ có 5 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được cấp, trong đó có 1 sáng chế, 1 nhãn hiệu và 3 giải pháp hữu ích.
Thực tế trên có nhiều nguyên nhân như: chất lượng kết quả nghiên cứu khoa học chưa cao, ý thức đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ còn thấp…
Ngược lại, lực lượng lao động sáng tạo trong khối doanh nghiệp và các tầng lớp lao động khác đóng góp lượng tài sản trí tuệ được đăng ký khá lớn. Theo thống kê, trong năm 2010 và 2011, trong tổng số gần 350 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có khoảng 77% thuộc khối tư nhân, gấp 3 lần số lượng của khối trường đại học và viện nghiên cứu.
Tuy nhiên, việc ứng dụng và phát huy những tài sản trí tuệ này vẫn hạn chế, chủ yếu mang tính chất tự phát và trong phạm vi hẹp ở các vùng miền, địa phương.
Khó khăn thương mại hóa
Những khó khăn trong ứng dụng, thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo là nguyên nhân khiến tài sản trí tuệ không được phát triển và phát huy đúng giá trị.
Hằng năm, các trường, viện có nhiều sản phẩm sáng tạo nhưng các nhà nghiên cứu lại không mặn mà với đăng ký bảo hộ cho những “đứa con” của mình. Bên cạnh đó, sự thiếu chủ động trong thương mại hóa sản phẩm sáng tạo mà nguyên nhân căn bản là cơ chế chính sách của các trường đại học và viện nghiên cứu không tạo được lợi ích thỏa đáng cho tác giả khi kết quả sáng tạo được thương mại hóa.
Thực tế này dẫn tới không ít nhà khoa học lựa chọn con đường “chuyển giao ngầm” các sáng chế, giải pháp công nghệ thay vì để cơ quan chủ quản xúc tiến thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo.
Có thể thấy, với cơ chế hiện có, rất khó khích lệ được hoạt động sáng tạo và tạo ra sản phẩm công nghệ mới từ các viện nghiên cứu và trường đại học.
Trong khi đó, thiếu cơ chế để tạo hành lang thuận lợi cho chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp và tầng lớp lao động khác nên công nghệ của họ phần lớn dừng lại ở mức độ hoàn thiện thấp, khả năng ứng dụng và cạnh tranh không cao, dẫn đến khó khăn thương mại hóa.
Một thực tế nữa là hầu hết các nhà sáng chế rất thiếu thông tin và kinh nghiệm về đầu tư sáng tạo, cũng như thương mại hoá công nghệ nên thường thận trọng và không sẵn sàng bắt tay với nhà đầu tư để cùng phát triển sáng chế. Một số tác giả muốn nhanh chóng thu hồi tiền đầu tư nên lựa chọn cách tự mình ứng dụng và hệ quả là sản phẩm sáng tạo đó khó được phát triển ở quy mô công nghiệp.
Dù được nhà nước quan tâm phát triển nhưng các sàn giao dịch công nghệ vẫn hiện chưa trở thành địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư tìm kiếm công nghệ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng thiếu thông tin và khả năng đánh giá, phát triển sáng chế, giải pháp công nghệ hiệu quả. Đổi mới công nghệ là hướng đi tất yếu đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Thế nhưng ở Việt Nam, từ yêu cầu cho đến thực tiễn áp dụng vẫn còn khoảng cách rất xa, khiến thị trường công nghệ thiếu sức sống.
“Cây cầu” kết nối sáng chế với đầu tư
Thúc đẩy hoạt động chuyển giao để thị trường công nghệ- một trong ba thị trường đầu vào quan trọng hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp năng cao năng lực, chắc hẳn là câu hỏi đầy tính cấp thiết. Trước hết, cần có những chính sách đột phá trong thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo.
Tiếp theo là đảm bảo quyền lợi thích đáng cho các tác giả sáng chế khi thành quả nghiên cứu, sáng tạo của họ được ứng dụng, chuyển giao, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ rất cần có những đơn vị đủ năng lực làm chức năng kết nối nhà sáng chế và nhà đầu tư gặp nhau và bắt tay hợp tác. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động của các sàn giao dịch công nghệ để có thêm các “bà đỡ” chuyển giao công nghệ từ khu vực ngoài nhà nước, nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ.
Hồng Lĩnh (Theo chinhphu.vn)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Việt Nam sở hữu loài cây hiếm có khó tìm nhất thế giới, nhiều người bản địa cũng chưa từng được thấy
Bộ tộc kỳ lạ nhất thế giới, không trồng trọt nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng chết đói
Việt Nam sở hữu loài cây kỳ dị nhất thế giới, có khả năng sinh và nuôi con giống hệt động vật
Loài động vật duy nhất trên thế giới con đực mang thai và sinh con, rất thân quen với người Việt Nam
Người đàn ông đào được 1 vật gỉ sét, bán với giá hơn 100 nghìn, ngỡ ngàng khi biết là bảo vật quốc gia
CLIP: Cuộc đối đầu sinh tử giữa 'chúa tể bầu trời' với loài rắn