Khám phá

Thị trường điện thoại di động tiêu điều vì sức mua giảm

Lượng điện thoại di động nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2012 thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm 2011 và doanh thu của các nhà bán lẻ sụt giảm. Hiện tượng này được lý giải do sức mua của thị trường giảm bởi suy thoái kinh tế buộc người tiêu dùng phải tiết kiệm chi tiêu.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu điện thoại di động trong tháng 6/2012 tại Việt Nam đạt 1,19 triệu máy với trị giá 63,14 triệu USD, tăng 20,42% về lượng và 7,52% về trị giá so với tháng 4/2012.

 

Còn tính chung 6 tháng đầu năm 2012, điện thoại di động nhập khẩu vào Việt Nam đạt số lượng 6,26 triệu máy và trị giá 304,4 triệu USD - Tức là giảm 23,72% về lượng và 15,32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2011.



Tuy nhiên, xét riêng ở dòng điện thoại cao cấp (giá bán từ 5 - 10 triệu đồng trở lên theo cách tính của một số hệ thống kinh doanh điện thoại di động trong nước - PV) thì số lượng nhập khẩu vào Việt Nam qua các tháng đầu năm 2012 lại liên tục tăng.



Cụ thể, 3 tháng đầu năm đạt mức trung bình 13 - 22,3 nghìn chiếc/tháng, tháng 4 tăng lên 50 nghìn chiếc, tháng 5 nhập khẩu 31 nghìn chiếc, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.



Cũng theo đánh giá chung của thị trường, dù còn nhiều khó khăn nhưng một số thương hiệu điện thoại di động cao cấp có sự bứt phá tốt, điển hình như HTC. Bởi trong khi nhiều hãng khác số lượng nhập khẩu giảm hoặc tăng nhẹ thất thường trong 5 tháng đầu năm 2012 thì HTC lại tăng 400% về số lượng nhập khẩu.



Sức tiêu thụ ảm đạm


Cũng theo đánh giá của giới kinh doanh điện thoại di động, hiện nay giữa các thương hiệu trong và ngoài nước đang diễn ra cuộc chạy đua ở phân khúc smartphone giá rẻ. Một số thương hiệu Việt như Viettel, FPT, Q-Mobile hay các thương hiệu ngoại như LG, HTC, Samsung đều đẩy mạnh phát triển sản phẩm cao cấp.

 

Như gần đây, Q-Mobile cũng tung ra một loạt smartphone cảm ứng đa điểm, đầy đủ tính năng với mức giá chỉ 1,5 - 3 triệu đồng.

 

Đại diện Thế Giới Di Động nhận định, trong số các hệ điều hành như Android, Windows Phone, iOS, thì sản phẩm dùng Android đang có giá thành ngày càng giảm dần, phù hợp với thu nhập của đa số người tiêu dùng (hiện đang chiếm khoảng 79% thị phần theo thống kê của Hãng nghiên cứu Thị trường IDC - PV).



"Dự kiến, cuối năm 2012, smartphone Android bán lẻ giá chỉ tầm 1,5 triệu sẽ xuất hiện nhiều hơn, cộng thêm việc phủ sóng 3G tại Việt Nam ngày càng rộng, giá cước dễ chấp nhận sẽ giúp cho lượng khách hàng sở hữu sản phẩm này tăng cao", đại diện Thế Giới Di Động nhấn mạnh.



Trong khi đó ở phân khúc bình dân, hiện những dòng điện thoại giá rẻ, ít chức năng chủ yếu là nghe gọi vẫn chiếm thị phần lớn tại Việt Nam, do vậy phân khúc này vẫn đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt của hầu hết các hãng như Q-Mobile, ConnSpeed, Avio, FPT hay Nokia, Samsung, LG...


Đánh giá về sức tiêu thụ của thị trường trong nước những tháng đầu năm, khảo sát của Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) đưa ra gần đây cho thấy, sức tiêu thụ điện thoại di động tại Việt Nam trong những tháng đầu năm 2012 đang ở mức yếu nhất trong ba năm trở lại đây.



Trao đổi với ICTnews, ông Trương Đình Anh - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cũng chung nhận định, đồng thời khẳng định sức mua điện thoại thấp là vẫn do sự tác động của kinh tế khó khăn, người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu.



Còn đánh giá chung của thị trường thì sức mua tại hầu hết các hệ thống bán lẻ như Thế Giới Di Động, Viễn thông A hay FPT Retail trong quý I và II đều giảm khoảng 30%. "Trước đây doanh thu tại một điểm bán đạt khoảng 2,5 - 3 tỷ đồng, nay chỉ còn khoảng 1,5 - 1,7 tỷ đồng", ông Trường Đình Anh nói.



Đại diện hãng Nghiên cứu thị trường IDC Châu Á - Thái Bình Dương bày tỏ hàng loạt yếu tố như sự khó khăn của nền kinh tế, sức mua suy yếu diễn ra trong suốt thời gian qua đang khiến cho thị trường tiêu thụ điện thoại di động tại Việt Nam sẽ rất khó khăn để tìm lại được đà tăng trưởng.

 

 

Theo ICTnews

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo