Thị trường

"Nếu doanh nghiệp tư nhân là con của trọng tài thì trận đấu không công bằng"

DNVN - Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC đã nhấn mạnh như vậy khi lên tiếng bảo vệ kinh tế tư nhân trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh tinh thần "bứt phá" trong năm 2019 và coi phát triển khu vực này là động lực quan trọng của nền kinh tế nước nhà.

Quốc hội đang chú ý đặc biệt đến doanh nghiệp nợ thuế / Doanh nghiệp Việt tính 'chơi lớn' xuất khẩu ôtô

Tại chương trình Đối thoại Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ "bứt phá" do Kênh truyền hình Kinh tế - Tài chính VITV tổ chức vào chiều 15/3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định, Nhà nước đã tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) và thực tế đã có những chính sách đột phá trong thời gian qua.
"Với tư cách là cơ quan lập pháp, cơ quan giám sát, cách đây 20 năm chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) và đặc biệt là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), qua đó tiếp thu những góp ý rất nhiệt tình của các cơ quan tư vấn. Thực tế, chúng tôi đã hình thành được những quy định, những sân chơi cho cộng đồng DN.
Không dám nói là chúng tôi đã đưa ra được văn bản pháp quy, nhưng ít nhất thực tế đã chứng minh rằng chúng tôi đã đi kịp với yêu cầu của doanh nghiệp tư nhân, đi kịp nhịp phát triển của thế giới, để hình thành điều lệ, nguyên tắc sân chơi cho các DN", ông Kiên chia sẻ.
Toàn cảnh sự kiện Đối thoại Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ bứt phá.

Toàn cảnh sự kiện Đối thoại Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ bứt phá.

Đồng quan điểm với ông Kiên, một nữ đại diện doanh nghiệp siêu nhỏ cho biết: DN của bà đã ghi nhận sự bứt phá và đột phá bắt nguồn từ Nhà nước thay đổi chính đối với các DN làm về tư pháp.
Ngày xưa, Chính phủ chỉ giao hoạt động tư pháp cho DNNN, nhưng giờ đã giao cho DNTN làm và từ năm 2010 các DN về đấu giá tài sản đã ra đời. Trong khi đó, trước đây 64 tỉnh - thành, mỗi tỉnh thành chỉ có 1 trung tâm đấu giá. Đây là sự bứt phá trong chính sách của Chính phủ.
Ngoài ra, Luật Đấu giá ra đời mới có thêm 1 cách đấu giá nữa là đấu giá trực tuyến. Đây là sự thay đổi trong chính sách của Nhà nước. Nếu không có chính sách của Nhà nước cho phép đấu giá trực tuyến thì các DN không thể dám làm.
"Nhưng bây giờ chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền túi ra, đầu tư công nghệ, bởi vì chính sách đã có. Thực sự chính sách rất quan trọng. Có thể nói Chính phủ đã có rất nhiều bứt phá trong chính sách trong suốt năm 2018 và thậm chí cả những năm trước nữa mặc dù không được rõ ràng như năm ngoái", đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Trường Đào tạo QTKD BIzUni, Đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp vẫn "lăn tăn" về sân chơi bình đẳng cho DN tư nhân và DN nhà nước, đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam phải chú trọng thực sự đến việc hỗ trợ cho kinh tế tư nhân (KTTN), chứ không nói suông.
"Khi Chính phủ nói KTTN quan trọng, nhưng trong đó có 1 ông khác cũng "ngang bằng phải lứa" với KTTN, đó là kinh tế nhà nước (KTNN). Bao giờ KTNN cũng được sự ưu đãi hơn. Khi làm KTNN sẽ có hợp đồng dễ hơn, mặt bằng tốt hơn, có chính sách tốt hơn, và bộ ngành quản lý bao giờ cũng ưu ái cho con mình, thì làm sao hỗ trợ cho kinh tế tư nhân được. Mình nên để ý và theo dõi các nước phát triển tốt thì KTNN phải chiếm bao nhiêu %, KTTN chiếm bao nhiêu %", ông Chánh chia sẻ.
Liên quan tới vấn chủ đề này, ông Kyle Kelhofer - Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của kinh tế tư nhân (KTTN) và đặc biệt phải tạo sân chơi bình đẳng cho KTTN.
"Nếu DN tư nhân là con của trọng tài thì đương nhiên trận đấu không công bằng", Giám đốc quốc gia IFC nhận định.
Qua đó, ông cho rằng, người trọng tài phải thực sự độc lập và các DN, đặc biệt là DN tư nhân phải có sân chơi thực sự công bằng thì mới tạo được "bứt phá" như phương châm của Chính phủ Việt Nam trong năm 2019.
Nhấn mạnh đến cụm từ "bứt phá" trong phương châm hành động năm 2019 của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thân - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, đương nhiên phải "bứt phá" vì chúng ta đã có kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và chiến lược 10 năm 2011 - 2020.
Ông Nguyễn Văn Thân - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thân - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Trước đây, Nghị quyết TW 10 xác định KTTN là thành phần rất quan trọng đối với KT -XH đất nước. Đây là sự thay đổi tư duy bởi trước không có quan điểm như vậy.
"Tuy nhiên, "bứt phá" ở đây có ý nghĩa khác. Tức là mình đang trên đường đua, đến đoạn chót cần phải tăng tốc để bứt lên. Bứt phá ở đây không phải là chỉ tiêu kinh tế, mà là bứt phá về môi trường kinh doanh, tư duy, cải cách TTHC...", ông Thân nhấn mạnh.
Hai năm vừa rồi, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt mức tăng trưởng nhất thế giới, trong bối cảnh Chính phủ mới chú trọng đến kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Văn Thân đánh giá, Chính phủ và DN phải đi từ từ để giải quyết được những vấn đề cốt lõi, như vậy mới đạt tăng trưởng thực sự được và bền vững.
Ghi nhận những chia sẻ của các diễn giả, đặc biệt là các đại diện DN tư nhân, ông Kiên khẳng định: "Chúng tôi là những người trọng tài tương đối công tâm, và chúng tôi sẽ cố gắng duy trì là những người trọng tài công tâm. Để thực hiện được chiến lược 10 năm 2011 -2020 chỉ còn 2 năm nữa. Giống như người chạy 100m còn 20 m cuối cùng phải dốc sức chạy rất nhanh để giành huy chương. Chính phủ sẽ đồng hành cùng cộng đồng DN để hoàn thành mục tiêu "bứt phá"!
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm