"Nhiều hợp tác xã có doanh thu hàng trăm tỷ đồng, đóng thuế không kém DN lớn"
Loại nấm mọc trên ngọn cây, giá vài triệu/kg vẫn được khách lùng mua quanh năm vì "ít có, khó tìm" / Bitcoin sẽ gây thiệt hại cho vàng trong nhiều năm tới
Ảnh minh họa - Ảnh: Báo đầu tư.
"Số lượng hợp tác xã tăng dần theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên. Ước tính, đến 31/12/2020, toàn quốc có 26.112 hợp tác xã, trong đó, có 17.462 hợp tác xã nông nghiệp, 8.650 hợp tác xã phi nông nghiệp, thu hút gần 6,1 triệu thành viên tham gia. Số lao động làm việc trong hợp tác xã khoảng 1,133 triệu người", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 diễn ra vào sáng nay (11/12).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (Ảnh: TTXVN)
Cũng theo ông Phương, hiện có một số hợp tác xã quy mô lớn, phạm vi hoạt động trên nhiều tỉnh thành, có doanh thu cao trên hàng trăm tỷ đồng như: Nho Evergreen Ninh Thuận, Saigon Co.op..., thu hút nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước không kém bất kỳ doanh nghiệp lớn nào.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước càng phát triển, khu vực hợp tác xã càng phát triển", ông Phương cho biết thêm.
Trong 300 hợp tác xã có doanh thu lớn nhất trên thế giới tập trung nhiều ở Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Có được kết quả này là nhờ sự liên kết, hợp tác giữa các thành viên, đối đầu khó khăn, thách thức cạnh tranh từ bên ngoài.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh năm 2020 và giai đoạn 10 năm 2010 - 2020, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển ở hầu hết các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế; trong đó, bao gồm: đóng góp trực tiếp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên, kinh tế cá thể.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 (Ảnh: TTXVN)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng nhìn chung khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Cũng theo Phó Thủ tướng, kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu…
"Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thể hiện ở cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, công tác thực hiện chức năng quản lý nhà nước và bản thân các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Một số quy định của Luật còn chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc có hướng dẫn thì chưa khả thi dẫn đến khó triển khai", Phó Thủ tướng cho biết.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, để phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, trong thời gian tới, cần xác định rõ kinh tế tập thể nòng cốt là hợp tác xã và tổ hợp tác là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Đặc biệt, phát triển kinh tế tập thể theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm nay, Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã có chủ đề "Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Đổi mới, Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Đây là Diễn đàn đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng hợp tác xã với quy mô khoảng 500 đại biểu tham dự, với mục đích tăng cường quan hệ Chính phủ - Hợp tác xã; Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm; và Đẩy mạnh cơ hội giao thương, hợp tác, kết nối thị trường cho các hợp tác xã, tổ hợp tác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo