Thị trường

4 lý do khiến cấp đông thịt lợn hết sức khó khăn

DNVN - Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến cấp đông thịt lợn, trong đó nêu 4 lý do khiến việc cấp đông thịt lợn hết sức khó khăn.

Vay vốn kinh doanh bất động sản trên địa bàn nông thôn / Chất lượng nước kém ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của DN lên tới gần 50%

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Liên quan đến việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi, trong đó có việc thu mua thịt lợn và sau đó cấp đông, đây là chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và gần đây nhất là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng theo Văn bản số 192/TB-VPCP ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ. Văn bản yêu cầu các bộ, ngành (trong đó có Bộ Công Thương), địa phương liên quan… tập trung xử lý dịch tả lợn châu Phi.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương thời gian qua đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc hạn chế, dập dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng, theo phán đoán có khả năng sẽ ảnh hưởng tới tất cả các tỉnh thành, địa phương trên cả nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: VOV)

Ảnh minh họa. (Nguồn: VOV)

Ngày 30 tháng 5 năm 2019, Bộ Công Thương đã tổ chức Cuộc họp gồm có Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp và các Sở Công Thương, Sở NN&PTNT trên địa bàn toàn quốc đề bàn về vấn đề này.
Về vấn đề cấp đông thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng đây là việc hết sức khó khăn vì 4 lý do:
Thứ nhất, khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết mổ và chế biến còn hạn chế. Việc cấp đông sản phẩm thịt lợn trong một thời gian dài với khối lượng lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như tài chính.
Thứ hai, cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung còn hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu của cơ sở chế biến, cấp đông (cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Hồng).
Thứ ba, nhu cầu, thói quen tiêu dùng thịt lợn cấp đông của người dân còn hạn chế gây lo ngại cho doanh nghiệp trong việc dự trữ, bán các sản phẩm này.
Thứ tư, một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng thịt lợn nhập khẩu từ nước ngoài nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra phù hợp với yêu cầu của khách hàng.
"Tuy nhiên, theo thực tế hiện nay, giá của thịt lợn tại thời điểm này thấp, thậm chí khó bán, trong khi người nông dân còn tồn lợn nuôi không bán được và hằng ngày vẫn phải cho lợn ăn, nguy cơ dịch lan đến gây chết cho cả đàn lợn là rất cao. Mặt khác, chúng ta cũng phải tính đến việc cung cầu của mặt hàng thịt lợn trong thời gian tới, ví dụ trong 3-4 tháng nữa, đặc biệt dịp trước Tết cổ truyền của Việt Nam thời gian cũng không còn nhiều. Liệu lúc đó có đủ thực phẩm, trong đó có mặt hàng thịt lợn vốn được tiêu dùng rất phổ biến ở Việt Nam cho người tiêu dùng hay không?", ông Đỗ Thắng Hải phát biểu.
Qua đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định việc mua thịt lợn và cấp đông trong tình hình hiện nay là cần thiết và là việc phải làm. Sau khi nghe các ý kiến của các bộ ngành địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối mà hiện nay cũng như trong thời gian tới sẽ là những người thu mua và cấp đông thịt lợn, Bộ Công Thương đã tập hợp các ý kiến để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định những giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Theo ông Hải, bước đi này được thực hiện nhằm mục đích phải kịp thời đưa ra những chính sách, quyết định phù hợp có thể áp dụng ngay vào thực tiễn cuộc sống; phải bảo đảm tất cả thịt lợn thu mua và sau đó cấp đông phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra là có sự phối kết hợp giữa các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan để sớm nhất hỗ trợ cho người chăn nuôi, người nông dân và kể cả tính đến cung cầu mặt hàng thực phẩm, trong đó có thịt lợn trong thời gian sắp tới.
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2018, tổng sản lượng thịt lơn các loại khoảng 5,35 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017.
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số lợn của cả nước tháng 5/2019 giảm 5,5% so với cùng thời điểm năm ngoái, Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thay thế thịt lợn (thịt bò, gia cầm) tương đối dồi dào, cụ thể, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động chăn nuôi các mặt hàng trên vẫn đang tăng trưởng tốt.
Tính đến ngày 24/5, tổng số lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy là trên 1,7 triệu con, chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn cả nước. Tại một số địa phương, số lợn bị bệnh và tiêu hủy có tỷ lệ cao hơn như Hà Nội (có trên 147.000 con, chiếm 7,7% tổng đàn của thành phố), Thái Bình (trên 300.000 con, chiếm hơn 30% tổng đàn của tỉnh), Hưng Yên (trên 110.000 con, chiếm hơn 20% tổng đàn của tỉnh)...

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm