Thị trường

5 năm chưa xong dự thảo Nghị định 83 về xăng dầu, Bộ Công Thương bị Thủ tướng nhắc nhở

DNVN - Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá sáng 21/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công Thương rút kinh nghiệm vì 5 năm chưa hoàn thiện dự thảo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

PVN đề xuất dừng nhập khẩu xăng dầu vì tồn kho cao / Cà Mau: Xử lý 7 cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm trong 1 ngày

Bộ Công Thương nhắc nhở chủ trì cùng các bộ khẩn trương rà soát, hoàn thiện, trình ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Tính đến nay, gần 5 năm được giao sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu nhưng Bộ Công Thương vẫn chưa làm xong.
Tại cuộc họp, báo cáo về công tác điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giá xăng dầu trên thế giới thời gian qua liên tục biến động, nhưng chủ yếu là giảm sâu. Ở trong nước, từ đầu năm đến nay, liên Bộ Công Thương, Tài chính đã có 7 kỳ điều chỉnh giảm giá xăng dầu.

Về nguyên tắc điều chỉnh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, liên Bộ căn cứ những nguyên tắc đã quy định tại Nghị định 83 và trên cơ sở giá thành phẩm xăng dầu trên thế giới cũng như tình hình kinh tế - xã hội trong nước, đồng thời thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức hợp lý, có dư địa để điều hành giá xăng dầu trong bối cảnh giá vẫn diễn biến khó lường. Đây cũng là giải pháp góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 của Quốc hội giao.
Liên Bộ cũng chủ trương tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng ở mức hợp lý nhằm khuyến khích sử dụng xăng sinh học theo chủ trương của Chính phủ.
Về diễn biến giá xăng dầu trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc bám sát giá trên thị trường thế giới, đồng thời trích lập Quỹ phù hợp để có dư địa điều hành trong trường hợp giá xăng dầu tăng trở lại.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, vừa qua Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiến nghị xem xét, ban hành cơ chế, chính sách hạn chế tối đa, hoặc tạm cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong nước đã sản xuất được trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhằm hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đề xuất trên liên quan đến quyền lợi của rất nhiều nhóm đối tượng khác nhau, như: Người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và cả quyền lợi của nhà nước. Bên cạnh đó, kiến nghị này phải được xem xét, đề xuất hướng giải quyết trên cơ sở các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, như: Luật Cạnh tranh, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Dự trữ quốc gia,... Nghị định 83 và những cam kết quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.
Phát biểu chỉ đạo về điều hành giá xăng dầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương rút kinh nghiệm vì vấn đề hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đã được đặt ra từ cuối nhiệm kỳ trước nhưng đến nay, gần 5 năm chưa xong. Do đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ khẩn trương rà soát, hoàn thiện, trình ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định này.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá dầu thô, có kịch bản, phương án điều hành cụ thể giá xăng dầu kết hợp hiệu quả công cụ quỹ bình ổn giá, không để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và mặt bằng giá nói chung.
Ngoài vấn đề xăng dầu, Thủ tướng cũng chỉ đạo cho các bộ, ngành liên quan phải quản lý Nhà nước tốt hơn về điều hành giá gạo, thịt lợn, nước sạch, các loại vật tư, thiết bị y tế, sách giáo khoa, giá dịch vụ vận tải, bình ổn giá vật liệu xây dựng, các loại hàng hoá thiết yếu...
Thủ tướng nhấn mạnh, nếu tăng trưởng tốt mà giá cả tăng cao thì đời sống nhân dân bị ảnh hưởng. Do đó, phải làm tốt hai mặt, đó là tăng trưởng tốt và giá cả ổn định, bảo đảm cuộc sống nhân dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm