ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn nhanh nhất châu Á
7 ca nhiễm Covid-19 ở Bình Thuận đã khỏi bệnh / Nông sản 'bắt sóng' thị trường đứt gãy nguồn cung
Theo ADB, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019, dựa trên nền tảng nhu cầu nội địa cao, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vững vàng và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19.
Dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
Sự bùng phát của dịch bệnh đã leo thang lên một giai đoạn mới vào tháng 3, tác động mạnh đến tất cả các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam: Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Ngay tại Việt Nam, các ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng lên. Do đó, dịch bệnh có thể tác động nghiêm trọng đến Việt Nam, hình thành các cú sốc đối với cả phía cung và cầu ở hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm xuống mức 3,8% trong quý I/2020, so với mức 6,8% cùng kỳ năm 2019.
Về phía cầu, việc hạn chế đi lại đã kìm hãm tăng trưởng tiêu dùng nội địa trong quý I/2020. Tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm còn 4,7% trong quý I, so với 12,0% cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký và giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng giảm. Khi hoạt động thương mại toàn cầu giảm mạnh, tăng trưởng xuất khẩu được dự báo sẽ giảm xuống 5,3% trong năm 2020, tăng trưởng nhập khẩu giảm còn 4,7%, trước khi xuất khẩu phục hồi tăng trưởng trở lại ở mức 7,8% và nhập khẩu ở mức 6,8% trong năm 2021.
Về phía cung, ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì được sản xuất cho dù có những khó khăn ban đầu trong tháng 1 và tháng 2/2020, chủ yếu dựa vào nguyên liệu tồn kho, tuy nhiên nguồn này cũng đang cạn dần do chuỗi cung ứng bị gián đoạn kéo dài. Tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp trong tháng 2/2020 đã giảm xuống mức 6,2% so với mức 9,2% cùng kỳ năm trước. Chỉ số quản trị mua hàng của công nghiệp chế biến chế tạo – chỉ số đo lường cơ bản của ngành – đã giảm từ 50,6 vào tháng 1/2020 qua ngưỡng 50 và rơi vào vùng suy giảm còn 49,0 vào tháng 2/2020 – lần đầu tiên xuống mức thấp như vậy trong 4 năm qua. Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam tiếp tục bị gián đoạn do việc hạn chế đi lại cản trở lao động có tay nghề từ Trung Quốc và Hàn Quốc quay trở lại Việt Nam sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1, cộng với thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Tăng trưởng khu vực công nghiệp chậm lại, xuống mức 5,1% trong quý I năm nay, so với 8,6% cùng kỳ năm trước.
Cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam dự kiến sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt tương đương 0,2% GDP trong năm nay, trước khi khôi phục được mức thặng dư 1% GDP vào năm 2021. Do dịch bệnh kéo dài, nhu cầu đối với hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp giảm mạnh xuống 0,08% trong quý đầu tiên của năm từ mức 2,7% trong cùng kỳ năm trước. Do đó, tăng trưởng nông nghiệp sẽ giảm xuống còn 1% vào năm 2020.
Tính đến thời điểm hiện nay, dịch vụ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh dịch bùng phát. Với tỷ trọng 42% GDP, khu vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế. Tác động lớn nhất thông qua sự suy giảm của hoạt động du lịch và các dịch vụ liên quan, vốn chiếm đến 40% doanh thu của khu vực dịch vụ. Vào tháng 2, lượng khách du lịch đã giảm 37,7% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động nhập cảnh của khách du lịch từ Trung Quốc, thường chiếm 30% tổng số khách du lịch nước ngoài, đã dừng lại. Khi dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, Chính phủ đã ngừng cấp thị thực và áp dụng lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với khách du lịch đến từ tất cả các quốc gia, làm hoạt động du lịch giảm mạnh. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ đã giảm một nửa xuống còn 3,2% trong quý I/2020 từ mức 6,5% của cùng kỳ năm 2019.
Lo bội chi ngân sách
Lạm phát trong tháng 3/2020 giảm 0,7% so với tháng 2/2020, so với mức giảm 0,2% lạm phát theo tháng của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lạm phát bình quân trong quý I/2020 đã tăng lên 5,6%, mức cao nhất của cùng kỳ trong suốt giai đoạn 2016-2020, chủ yếu là do giá dịch vụ y tế và giá thịt lợn đều tăng, trong đó giá thịt lợn tăng kéo theo việc tăng giá của các loại thịt thay thế. Trong cả năm 2020, lạm phát bình quân dự kiến sẽ ở mức 3,3%, và tiếp tục tăng lên 3,5% vào năm 2021.
Để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đầu tháng 3/2020 Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tín dụng trị giá 10,8 tỷ USD (khoảng 0,4% GDP) bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm các loại lãi suất và phí. Chính phủ cũng đưa ra 2 gói hỗ trợ ngân sách trị giá 1,3 tỷ USD bao gồm giảm các loại thuế, phí cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đồng thời cũng giãn thời hạn nộp thuế, và dự tính các hỗ trợ về mặt ngân sách của Chính phủ sẽ còn tăng lên.
Ngân hàng Nhà nước cũng cắt giảm các lãi suất chính sách từ 0,5-1%, hạ trần lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam với các kỳ hạn dưới 6 tháng và hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với những lĩnh vực ưu tiên.
Với những động thái này, mục tiêu bội chi ngân sách 3,4% GDP cho năm 2020 giờ đây có thể khó đạt được, khi doanh thu thuế từ các khoản thu nhập và thu từ xuất khẩu đều giảm, chi tiêu cho y tế và các quỹ hỗ trợ người lao động đều tăng, cùng với gói hỗ trợ tài khóa mới công bố gần đây trị giá khoảng 1,3 tỷ USD thông qua giảm thuế, phí, và gia hạn nộp thuế với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid19. Vì vậy, thâm hụt ngân sách dự báo sẽ tăng lên tương đương 4,2% GDP vào năm 2020 trước khi có sự cải thiện ở mức 3,5% GDP vào năm 2021.
Tuy nhiên, nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì, theo nhận định của Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2020), ấn phẩm kinh tế thường niên hàng đầu của ADB. Nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021— theo như dự báo của ADB trước khi xảy ra COVID-19 - và nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn.
“Cho dù các hoạt động kinh tế suy giảm và các rủi ro do dịch COVID-19 vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á”, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn nhanh nhất châu Á (Ảnh: Internet)