Thị trường

Đắk Lắk: Hướng đi mới giúp nông dân thoát nghèo trên vùng đất khó

Những năm gần đây, nông dân tại huyện vùng sâu M’Đrắk (Đắk Lắk) đã chuyển đổi nhiều diện tích đất sang trồng cây sả theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời liên kết trong sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới giúp nông dân thoát nghèo trên vùng đất khó.

Cao Bằng: Thoát nghèo nhờ 'lộc trời' ở Hà Quảng / Ngành nông nghiệp xuất siêu gần 3 tỷ USD trong quý đầu năm

Cách trung tâm tỉnh Đắk Lắk hơn 100km, xã Krông Á, huyện M’Đrắk là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do đất đai kém dinh dưỡng, địa hình đồi núi và khó khăn trong giao lưu buôn bán. Bên cạnh đó, lần lượt các loại cây trồng chủ lực của địa phương như: cà phê, hồ tiêu, mía… đều bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, giá cả lại sụt giảm khiến đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Trước tình cảnh đó, nhiều nông dân phải tìm kiếm cây trồng mới với hy vọng giải quyết “bài toán” kinh tế trước mắt và mở ra hướng đi lâu dài.

Anh Nguyễn Văn Tuân, xã Krông Á, huyện M’ Đrắk cho biết, do thổ nhưỡng tại địa phương không thuận lợi cho các loại cây công nghiệp, nên trước đây gia đình anh chỉ tập trung vào việc trồng sắn, mía… nhưng hiệu quả không cao, không tạo ra sự bức phá về kinh tế gia đình, đặc biệt khi ngành mía đường lâm vào khó khăn, nhiều nông dân phải từ bỏ cây mía và tìm cây trồng khác.

Được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã Krông Á, anh Tuân quyết định chuyển một phần diện tích đất sang trồng sả để cung cấp nguyên liệu chế biến tinh dầu. Nhận thấy cây sả phát triển tốt trên đất cằn cỗi, anh Tuân mở rộng diện tích với hơn 1,2 ha trồng sả.

Người dân xã Krông Á chuẩn bị nguyên liệu để ép tinh dầu sả.
Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Theo anh Tuân, cây sả có nhiều lợi thế như sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, ít đầu tư thời gian và công chăm sóc, giá thành ổn định. Đặc biệt, cây sả cho thu hoạch 5 - 6 đợt mỗi năm, trừ chi phí sản xuất, mỗi đợt thu về hơn 15 triệu đồng. “Từ hy vọng cải thiện đời sống, đến nay cây sả đã mở ra hướng đi mới giúp người dân thoát nghèo”, anh Tuân chia sẻ.

Nhận thấy trồng sả cho giá trị kinh tế cao hơn, nhiều hộ dân xã Krông Á, huyện M’ Đrắk cũng chuyển đổi sang trồng sả để, đồng thời liên kết chặt chẽ với cơ sở sản xuất tinh dầu để hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đầu năm 2018, chị Đào Thị Thi, Chủ Tịch Hội Nông dân xã Krông Á đầu tư 200 triệu đồng cho mô hình sản xuất tinh dầu sả. Đồng thời, tăng cường tìm kiếm, kết nối với thị trường tiêu thụ nhằm giải quyết đầu ra cho cây trồng mới của người dân.

“Qua tìm hiểu, sản phẩm tinh dầu sả được sử dụng nhiều trong đời sống có tác dụng tích cực đến sức khỏe con người nên nhu cầu của thị trường khá lớn. Khi nhiều hộ nông dân chuyển sang trồng sả, tất yếu phải có đơn vị thu mua, tiêu thụ nguyên liệu và liên kết với thị trường để đảm bảo tính ổn định trong sản xuất hàng hóa. Từ suy nghĩ đó, tôi đã mạnh dạn đầu tư máy móc, liên kết cùng nông dân sản xuất tinh dầu sả để địa phương có hướng đi mới trong phát triển kinh tế” chị Thi chia sẻ.

Theo chị Đào Thị Thi, đến nay cây sả đã giúp nhiều hộ gia đình cải thiện đời sống, ổn định kinh tế. Mặc dù bước đầu cây sả đã chứng minh được hiệu quả kinh tế trên vùng “đất khó”. Tuy nhiên, để định hướng phát triển trong tương lai cần phải nhân rộng mô hình sản xuất để hình thành vùng nguyên liệu ổn định.

Người dân xã Krông Á vận hành máy ép tinh dầu xả. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Đồng thời, người dân cần liên kết chặt chẽ với các cơ sở chế biến, hoặc thành lập các tổ sản xuất, hợp tác xã nhằm hướng đến tính hiệu quả, ổn định của sản phẩm. Điều này vừa giúp người nông dân phát triển kinh tế vừa tạo dựng thương hiệu tinh dầu sả trên địa bàn huyện M’ Đrắk.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Đrắk Nguyễn Thế Thập, sả là loại cây dễ trồng do không kén đất, đồng thời sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu khô nóng. Hiện trên địa bàn huyện M’Đrắk cây sả đã được trồng ở nhiều xã như Krông Á, Ea Lai, Ea Pil, Ea Riêng… bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế tốt hơn các loại cây trồng khác như sắn, mía. Trên địa bàn huyện cũng có một số tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên trồng, chế biến tinh dầu và tiêu thụ ở thị trường miền Bắc.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Thập, có thể nói cây sả đã và đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương, giúp một bộ phận người dân thoát nghèo nhờ có sự liên kết trong sản xuất. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng khi mở rộng diện tích, đồng thời tuân thủ quy trình trồng và chăm sóc cây sả, phải thay gốc đúng chu kỳ để đảm bảo năng xuất.

Đặc biệt, trước khi mở rộng diện tích sản xuất, người dân cần chủ động nắm bắt thị trường, liên kết chặt chẽ theo chuỗi sản xuất, gắn vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ để mang lại hiệu quả kinh tế ổn định và bền vững đối với cây sả tại địa phương.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm