Thị trường

Bắc Giang: Nơi bốn mùa hoa thơm trái ngọt

Có người từng ví huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là “Hoa Quả Sơn” của Việt Nam với bốn mùa hoa trái trĩu cành.

Lâm Đồng: Bỏ trồng rau qua nuôi thỏ New Zealand, mỗi tháng đút túi hơn 30 triệu đồng / Ninh Thuận: Trồng nho 3 màu, cứ 1 sào hái 1 tấn trái, bán 100 ngàn đồng/ký

Nơi đây “mùa nào thức ấy” trở thành thủ phủ của nhiều loại trái cây thơm ngon, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao như: cam, bưởi, táo, vải thiều, ổi, nhãn, thanh long... Trên đồng đất này đã xuất hiện nhiều tỷ phú vườn đồi.

Một vườn bưởi Diễn ở Lục Ngạn.
Một vườn bưởi Diễn ở Lục Ngạn.

Niềm vui được mùa

Nếu như những năm 2000 trở về trước người nông dân Lục Ngạn đã bao phen bị điêu đứng bởi cách làm kinh tế theo kiểu phong trào. Đó là sự ồ ạt phát triển cây vải thiều một cách tự phát và hệ quả là những cuộc khủng hoảng thừa dẫn đến câu chuyện được mùa rớt giá, được giá mất mùa cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm.

Người nông dân cứ loay hoay trong nhiều năm như vậy và chuyện một cân vải thiều giá chỉ ngang với một ly trà đá, “bỏ thì thương vương thì tội”... đã thực sự khiến nhiều gia đình phải khốn đốn.

Sau bài học xương máu đó, tư duy làm nông nghiệp của người dân đã dần thay đổi và như một luồng gió mới. Việc sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu chuyển dần sang các mô hình chuyên canh, thâm canh chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời phát triển đa dạng nhiều loại trái cây.

Công tác xây dựng thương hiệu, nhãn mác, các bước xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm được chính quyền quan tâm nên không chỉ tiêu thụ trong nước, một số sản phẩm đã được xuất khẩu.

 

Hiện đang vào vụ thu hoạch cam bởi, người nông dân Lục Ngạn tràn ngập niềm vui bởi được mùa, được giá. Đi giữa những vườn cam vàng rực chúng tôi cảm nhận được sự hân hoan của bà controng mùa quả ngọt.

Những ngày này, vào thăm các nhà vườn sẽ cảm nhận được sự tấp nập rộn ràng thu hoạch cam, bưởi. Các nhà vườn ở xã Hồng Giang, Tân Quang, Nghĩa Hồ, Tân Mộc, Quý Sơn, Trù Hựu, Nam Dương, Giáp Sơn… bao trùm một bầu không khí hồ hởi vì được mùa, được giá.

Chị Vi Thị Mến, xã Biên Sơn kể rằng, gia đình có hơn 1 mẫu vườn cam Vinh và bưởi Diễn đã được hơn 5 năm tuổi- đây là thời điểm cây cho năng suất và chất lượng cao. Để bảo đảm sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn, trong quá trình chăm sóc, chị luôn sử dụng nước giếng khoan tưới cho cây.

Đặc biệt, gia đình chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đúng liều lượng, thời gian, chủng loại và bảo đảm cách ly nên cam, bưởi sai quả, ngọt và thơm ngon. Các đợt phun thuốc, bón phân đều được ghi nhật ký cụ thể. Sản lượng năm nay ước đạt 14 tấn, gia đình thu gần 400 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng.

Chị Bùi Thị Quế Lan, xã Quý Sơn cũng không giấu được niềm vui: “Ngoài trồng vải thiều đã thu hoạch từ tháng 6 vừa qua được hơn 300 triệu đồng, tôi còn mở rộng diện tích trồng cam, bưởi với gần 2 ha, năm nay gia đình thu gần 30 tấn cam, bưởi các loại, tổng trị giá từ cam, bưởi ước tính hơn 600 triệu đồng”.

 

“Cất cánh” từ nông nghiệp

Dựa trên những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, ngày nay người nông dân ở Lục Ngạn đã phát triển đa dạng các loại trái cây có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, Lục Ngạn đã triển khai dự án ứng dụng công nghệ cao chăm sóc cây ăn quả có múi thành vùng tập trung.

Người dân nơi đây có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây ăn quả và cho năng suất cao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.

Trước sự ưu ái của thiên nhiên, sự cần cù lao động, linh hoạt trong làm ăn và đặc biệt là đổi mới tư duy làm nông nghiệp, cuộc sống của người dân đất vải đã ấm no, khấm khá. Một trong những kết quả minh chứng cho sự đi lên của kinh tế địa phương là thu nhập bình quân đầu người ở Lục Ngạn ở mức khá cao so với nhiều nơi, năm 2018 là gần 70 triệu đồng/người và cứ đà này chắc chắn kinh tế nơi đây sẽ còn nhiều nổi bật.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Cao Văn Hoàn, đến nay cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên cây ăn quả cho hơn 26,5 nghìn hộ trên địa bàn huyện. Thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả huyện Lục Ngạn đến năm 2020, mỗi năm UBND huyện hỗ trợ nông dân hàng trăm triệu đồng để mua cây con giống, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Đi liền với các giải pháp trên, hằng năm, huyện phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, Viện Nghiên cứu rau quả tổ chức tập huấn quy trình VietGAP cho các chủ vườn. Tập trung hướng dẫn các hộ sử dụng thuốc sinh học phòng, trừ sâu bệnh cho cây; tăng cường bón phân hữu cơ thay phân bón vô cơ, bảo đảm sản phẩm an toàn, vệ sinh môi trường, chống độc cho đất.

 

Đặc biệt từ năm 2018- 2021, huyện Lục Ngạn hỗ trợ xã Tân Mộc thực hiện dự án ứng dụng công nghệ cao chăm sóc cây ăn quả có múi thành vùng tập trung với diện tích gần 320ha. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tự động tưới nước tiết kiệm, thay thế tường rào bảo vệ bằng hệ thống camera giám sát và ứng dụng phần mềm ghi chép quy trình sản xuất VietGAP để thuận tiện cho việc gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Lục Ngạn là vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với gần 30 nghìn ha, trong đó vải thiều hơn 15.000 ha, năm nay sản lượng vải thiều đạt gần 100 nghìn tấn, doanh thu hơn 6,3 nghìn tỷ đồng; cây có múi (cam, bưởi ) 6.740ha, sản lượng năm nay ước đạt khoảng 60 nghìn tấn...

Bức tranh kinh tế, xã hội ở Lục Ngạn đã thêm nhiều tươi sáng. Người dân giờ đây sung túc hơn, không ít hộ có thu nhập lên tới vài trăm triệu đồng, thậm chí có gia đình thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ cây ăn quả.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm