Thị trường

Cao Bằng chú trọng nâng cao chất lượng nông sản

Nhận thấy vai trò, giá trị từ sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ đối với nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Cao Bằng đã chú trọng hỗ trợ người dân, HTX phát triển nông nghiệp theo hướng này nhằm tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, được nhiều người tiêu dùng tin dùng và lựa chọn.

Tạo kênh kết nối cung ứng nông sản / Chợ online giúp gì cho nông sản Việt?

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ đã chú trọng phát triển sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ nhằm tạo động lực thúc đẩy nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Chú trọng chất lượng

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn có doanh nghiệp bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể như mô hình trồng gừng hữu cơ tại huyện Hà Quảng, trồng nghệ hữu cơ tại hai huyện Thông Nông và Nguyên Bình; trồng rau an toàn tại hai huyện Thạch An và Hòa An…

Tại xã Vân Trình, huyện Thạch An, được sự hỗ trợ của địa phương, các loại rau cải bắp, su hào, súp lơ, đậu Hà Lan đã được người dân sử dụng phân vi sinh và phân chuồng ủ kỹ, bảo đảm các tiêu chuẩn rau an toàn. Sản phẩm của người dân được công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng thu mua để chế biến bữa ăn hằng ngày cho công nhân và được tiểu thương đến tận nơi thu mua tiêu thụ ở thành phố Cao Bằng.

Nhờ trồng rau, nhiều hộ đạt thu nhập 25 triệu đồng/vụ. Hiện tại, nông dân sản xuất rau an toàn ở xã Vân Trình chuẩn bị triển khai sản xuất rau theo quy trình VietGAP, với mục tiêu đưa sản phẩm vào siêu thị.

Mô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã Hợp Hòa (Lương Sơn) được HTX nông nghiệp Hợp Hòa đứng lên tổ chức triển khai hiện cũng thu được kết quả tốt.

Là loại rau "siêu sạch”, rau hữu cơ do HTX sản xuất không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bằng hóa chất. Tất cả các loại rau, quả như bầu, bí, mướp đắng, cà chua, mồng tơi, rau ngót, rau dền, rau muống, cà rốt... được tưới nước giếng khoan, bón phân chuồng ủ hoai mục; các loại lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp cũng được ngâm ủ để làm phân, vỏ trấu được đốt thành than để bón cho rau.

Sâu được bắt thủ công bằng tay, dùng đèn nhử bướm và phun thuốc thảo dược được làm từ ớt cay, gừng, tỏi xay nhuyễn ngâm với rượu. Ngoài ra, người dân còn sử dụng biện pháp thiên địch sinh học bằng cách trồng các loại hoa hướng dương, cúc… nhằm thu hút các loài ong, bọ rùa để diệt trừ sâu hại.

Bà Bùi Thị Thoa, xóm Trại Hòa, thành viên HTX, cho biết, trải qua các lớp tập huấn, chúng tôi đã tự tin cho ra thị trường sản phẩm sạch. Trước kia chỉ trông vào cây ngô, sắn nên thu nhập thấp, mỗi tháng từ 600 nghìn - 1 triệu đồng. Từ khi chuyển sang trồng rau hữu cơ, bình quân mỗi tháng thu nhập 6 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 4 triệu đồng.

Cao Bằng đang phát triển diện tích gừng hữu cơ

Cao Bằng đang phát triển diện tích gừng hữu cơ

Tại các xã vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng, trước đây bà con chỉ trồng ngô, đỗ tương. Từ khi phát triển trồng gừng hàng hóa được bao tiêu sản phẩm, nhiều hộ nâng cao thu nhập, thoát nghèo.

Anh Hứa Văn Dùng, xóm Lũng Rẩu, xã Vân An phấn khởi cho biết: Gia đình trồng gừng trên mảnh đất rộng 3.000 m2, có năm thu nhập đạt 100 triệu đồng. Trước đây giá cả bấp bênh, nên chưa yên tâm sản xuất. Hiện nay, huyện đã ký hợp đồng với doanh nghiệp, có đầu ra, giá thu mua ổn định, cho nên gia đình yên tâm đầu tư sản xuất.

Thay đổi tư duy

Để thay đổi tư duy sản xuất đối với người dân Cao Bằng là chuyện không hề đơn giản vì cuộc sống người dân vốn lạc hậu.Chính vì vậy, vận động người dân tham gia, thành lập HTX là một trong những hướng trọng tâm của Cao Bằng nhằm hạn chế những khó khăn trong sản xuất cho người dân. Bên cạnh đó, thay vì hỏi người dân cần gì, chính quyền địa phương cần giúp nông dân ý thức được thế mạnh đất đai, nguồn nước, khí hậu của địa phương trong sản xuất nông sản sạch, đồng thời tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học bằng cách sử dụng phân vi sinh, ủ phân chuồng, phân xanh chăm bón cây trồng. Cần tìm ra thị trường cho nông sản sạch, mới bảo đảm tính bền vững của các mô hình.

 

Nhờ đó, tính đến năm 2018, nông dân hai huyện Thông Nông và Nguyên Bình đã phát triển 50 ha nghệ hữu cơ. Nông dân huyện Thạch An phát triển cây bí xanh tại xã Thị Ngân; cây quýt tại xã Đức Thông, diện tích dong riềng tại Phia Đén.

HTX Sơn Đông là HTX tiêu biểu trong sản xuất dong riềng và miến dong từ cây dong riềng Phia Đén. Hiện, HTX đã hình thành chuỗi từ cung cấp giống, phân bón, gieo trồng, thu hoạch, nghiền bột, pha bột, ép khuôn, phơi, cuộn, đóng gói. Các kênh tiếp thị đã được thiết lập để mua bán nguyên liệu dong riềng, bột dong riềng và thành phẩm miến dong: giữa nông dân và HTX Sơn Đông đã có mối liên kết chặt chẽ.

Đặc biệt, nhằm bảo đảm chất lượng nguyên liệu đầu vào, HTX đã hướng dẫn người dân trồng cây dong riềng theo hướng hữu cơ. Thay vì chỉ để cây mọc và phát triển tự nhiên, HTX đã chú trọng đến giống tốt, đất tốt và thực hiện bón phân hữu cơ theo rãnh cho cây. Bắt sâu, nhổ cỏ cũng được thực hiện đồng loạt bằng phương pháp thủ công. Hiện phần bã cây dong riềng sau khi ép bột làm miến, HTX đã tận dụng để ủ với các chế phẩm khác làm phân hữu cơ bón cho diện tích cây dong riềng. Nhờ đó, chất lượng nguyên liệu HTX luôn bảo đảm.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ, an toàn là hướng phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên của Cao bằng, tận dụng được nguồn lao động địa phương. Chính vì vậy, sản xuất tập trung theo HTX chính là cách thu hút doanh nghiệp hiệu quả giúp ngành nông nghiệp của địa phương phát triển bền vững, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp, hỗ trợ nông dân, triển khai thực hiện mô hình trồng rau an toàn tại 3 huyện có lợi thế đất đai, nguồn nước là Thông Nông, Hà Quảng, Nguyên Bình, phấn đấu nâng cao sản lượng rau an toàn, tạo tiền đề tiếp cận thị trường lớn ngoài tỉnh.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm