Chờ đợi 'sức bật' mới của xuất khẩu nông sản hữu cơ
Nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ / Da giày kỳ vọng tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021
Hồi tuần rồi, Công ty TNHH thương mại – dịch vụ – sản xuất ca cao Thành Đạt đã xuất khẩu (XK) thành công 2 tấn sản phẩm chocolate organic sang thị trường Nhật Bản.
Giá trị xuất khẩu còn khiêm tốn
Đây được cho là tín hiệu vui từ chuỗi liên kết sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp (DN) trong việc XK nông sản organic (hữu cơ). Vùng nguyên liệu ca cao cho hoạt động XK nêu trên nằm ở xã Xà Bang thuộc huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với khoảng 13ha, có năng suất bình quân đạt 4 tấn/ha/năm.
Nhu cầu tiêu thụ rau củ quả hữu cơ trên thế giới rất lớn, được ví như “mỏ vàng” đang cần các DN Việt khai phá.
Trái ca cao hữu cơ của bà con nông dân ở đây sau khi thu hoạch sẽ được Công ty Thành Đạt ký kết bao tiêu sản phẩm để sơ chế biến cung cấp sản phẩm chocolateorganic cho thị trường XK.
Trong vùng nguyên liệu này thì có hợp tác xã (HTX) Thương mại - dịch vụ nông nghiệp Xà Bang đang chuyển sang trồng ca cao theo hướng hữu cơ an toàn. Hiện nay, mỗi năm HTX thu về khoảng 132 tấn hạt ca cao và cung cấp cho Công ty Thành Đạt.
Theo ông Ngô Văn Thành, Giám đốc Công ty Thành Đạt, các sản phẩm được sản xuất từ ca cao như sô cô la, sữa, bột, trà ca cao của công ty đã đạt 410 tiêu chí của Nhật Bản và toàn bộ đều không dùng thuốc trừ sâu; lá, bã quả ca cao đều được tận dụng để làm phân bón cho cây trồng.
Ông Thành cho biết thêm là để có thể XK sản phẩm hữu cơ sang những thị trường khó tính như Nhật Bản hay EU, thì phải đáp ứng được các tiêu chí về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và các yếu tố về thẩm mỹ.
Hồi năm ngoái, lô hàng 1.000 sản phẩm bột cacao hữu cơ của Việt Nam lần đầu xuất đi Nhật Bản cũng là từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bởi Công ty Thực phẩm Amazon, vốn đã mất 3 năm để cùng nông dân xây dựng vùng trồng cacao đạt chứng nhận hữu cơ USDA (Mỹ) và JAS (Nhật Bản).
Và để XK sản phẩm ca cao hữu cơ thành công sang thị trường Nhật thì công ty này phải trải qua 6 tháng để hoàn thiện thủ tục, giấy tờ, chứng nhận, bao bì và vượt qua các đợt kiểm tra của đối tác Nhật Bản.
Nêu ra vấn đề này để thấy việc XK nông sản hữu cơ gặp không ít gian nan ở khâu chứng nhận và xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Đó là lý do mà số DN ở Việt Nam tham gia XK nông sản hữu cơ vẫn còn khá ít ỏi với khoảng 60 DN.
Kể cả giá trị kim ngạch mà các DN này XK hồi năm ngoái cũng chỉ mới đạt được khoảng 335 triệu USD. Riêng với mảng XK rau củ quả hữu cơ thì chỉ mới có gần 20 DN tham gia với sản lượng khoảng 260.000 tấn/năm, đạt giá trị gần 15 triệu USD/năm. Hay như XK thuỷ sản hữu cơ thì tổng giá trị chỉ đạt khoảng 10 triệu USD/năm.
Đây được cho là con số khá khiêm tốn, sản lượng chưa nhiều (dù cho mức giá bán cao hơn nông sản truyền thống khoảng 20 - 30%) so với nhu cầu tiêu thụ lớn trên thế giới đối với nông sản hữu cơ, nhất là ở các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc…
“Mỏ vàng” EU chờ khai phá
Điển hình như thị trường EU, năm ngoái, thị trường này đã nhập khẩu 3,24 triệu tấn nông sản hữu cơ từ các quốc gia trên thế giới. Nhập khẩu nhiều nhất là các quốc gia Hà Lan, Đức, Anh, Bỉ.
Danh mục các loại sản phẩm hữu cơ nhập khẩu vào EU gồm ngũ cốc, dầu thực vật, đường, sữa bột và bơ, chiếm tới 54% tổng sản lượng nông sản hữu cơ nhập khẩu. Các sản phẩm khác bao gồm thịt, trái cây, rau, sữa chua và mật ong chiếm khoảng 38% khối lượng nhập khẩu.
Tuy nhiên, các loại hàng hoá và sản phẩm thô nhập vào EU có giá trị thấp hơn so với các sản phẩm hữu đã qua chế biến. Các sản phẩm chế biến hữu cơ được ghi nhận là chiếm ưu thế và có tổng giá trị cao hơn tới 15% so với sản phẩm thô.
Ông Nguyễn Ngọc Luân, giám đốc của một HTX chuyên sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, cho biết EU là thị trường rất khó tính, yêu cầu khắt khe về chất lượng nông sản nên họ sẵn sàng mua hàng với giá cao.
Tuy vậy, ông Luân cũng thừa nhận là gặp không ít thách thức trong việc việc mở rộng quy mô sản xuất hữu cơ nhằm đảm bảo chất lượng để đi vào thị trường EU. Nguyên nhân là do, nhiều hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, trong khi đó, nông dân chưa có thói quen ghi chép, nhận thức và trình độ chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn hữu cơ...
Việc trồng lúa hữu cơ để XK cũng được đánh giá là khá triển vọng nhằm khai phá “mỏ vàng” EU. Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng với nhu cầu ngày càng tăng của thị trường XK nông sản hữu cơ (điển hình như EU) thì việc canh tác hữu cơ sẽ rất có lợi cho nông dân. Công ty sẽ hỗ trợ nông dân cải thiện năng suất canh tác hữu cơ khi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Để gia tăng sản lượng gạo hữu cơ phục vụ XK, như chia sẻ của ông Bình, ngoài diện tích 100ha ruộng trồng lúa hữu cơ mà Công ty Trung An đang thực hiện thì gần đây công ty đã hợp tác với 3.000 hộ nông dân ở huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) và Hòn Đất (Kiên Giang) với tổng diện tích 1.500 ha để trồng lúa hữu cơ.
Giới chuyên gia cho rằng lợi thế khi XK nông sản hữu cơ vào EU là giá bán cao hơn hẳn so với các thị trường khác. Quan trọng nhất là thị trường này luôn giữ được sự ổn định về giá mua cũng như sản lượng tiêu thụ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo