Chủ tịch VCCI: Việt Nam đang đứng trước cơ hội "hóa rồng, hóa hổ"
Chủ tịch Vietravel: Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán thời gian nghỉ hè từ 4-5 tuần để thúc đẩy du lịch / Doanh nghiệp điện tử kêu khó tiếp cận các Gói ưu đãi, vướng ở chỗ nào?
Đề nghị biểu dương các tấm gương doanh nghiệp kiên cường vượt qua dịch COVID-19
"Một lần nữa chúng ta thấy được sức sống kiên cường, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy".
Đây là phát biểu của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020.
Cuối tháng 4 đầu tháng 5, VCCI đã tiến hành một cuộc khảo sát lần thứ 2 về thực trạng của cộng đồng DN, có tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh… Những con số này là ấn tượng và tốt hơn rất nhiều so với các con số về thực trạng DN mà VCCI công bố 1 tháng trước đó.
Khi đó, tình hình rất đáng lo ngại khi hơn 30% DN tham gia khảo sát cho rằng họ khó có khả năng trụ vững sau 3 tháng, trên 50% DN không thể trụ nổi sau 6 tháng, chỉ còn 20% có thể tồn tại quá 12 tháng, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Sau khi từng bước kiềm chế, đẩy lùi được dịch bệnh, Thủ tướng đã có một quyết định quan trọng và rất khó khăn, là dỡ bỏ về cơ bản tình trạng cách ly xã hội, mở cửa thị trường trong nước. Với quyết định mở cửa thị trường của Thủ tướng, tình hình các DN và nền kinh tế đã chuyển biến rất nhanh.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, nhiều doanh nghiệp dù lợi nhuận không còn, thậm chí thua lỗ, doanh thu sụt giảm nhưng vẫn cố gắng đến mức cao nhất để chăm lo cho người lao động: "Tỷ lệ việc làm vẫn được duy trì ở mức cao, thể hiện tình cảm và trách nhiệm xã hội của các doanh nhân. Họ chính là những cú máy tạo việc làm của nền kinh tế, những người đánh đổi sự bình yên của cá nhân và gia đình mình để làm giàu cho đất nước, là sinh kế cho dân, đặc biệt là bối cảnh khó khăn như hiện nay. Tôi đề nghị Đảng và Nhà nước biểu dương, khen thưởng các tấm gương doanh nghiệp, doanh nhân đã dũng cảm, kiên cường vượt qua đại dịch".
Cộng đồng doanh nghiệp cũng bày tỏ sự cảm ơn tới Chính phủ trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn đã dành gói tín dụng với quy mô chưa từng có để hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Về kiến nghị cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung các giải pháp miễn, giảm một số sắc thuế, kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản phải trả, phải nộp của doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng, 12 tháng, nâng trần tăng trưởng tín dụng để tiếp sức cho doanh nghiệp.
Quan trọng nhất, cộng đồng doanh nghiệp muốn kiến nghị phải thúc đẩy thực thi thật nhanh và hiệu quả và minh bạch, công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống còn chậm một ngày thì có thể doanh nghiệp sẽ không còn. Lúc đó các biện pháp hà hơi tiếp sức cũng không còn có tác dụng" - ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Về các giải pháp căn cơ và dài hạn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: "Như Thủ tướng đã nói ‘trong nguy có cơ’. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất, phát triển. Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay và đấy là điểm tựa để chúng ta có thể vươn lên".
"Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vừa được VCCI công bố đã ghi nhận sự hài lòng cộng đồng doanh nghiệp đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền đạt mức cao nhất trong vòng 15 năm vừa qua. Như vậy, niềm của người dân và doanh nghiệp đang tiếp tục được khơi dậy. Trên phạm vi quốc tế, làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu lớn nhất trong lịch sử nhân loại kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đang chọn Việt Nam là điểm đến an toàn. Đất nước ta lại một lần nữa đứng trước cơ hội có thể hóa rồng, hóa hổ" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Biết rằng nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền mà chỉ xin cơ chế
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, để đón nhận những cơ hội trong tình hình hiện nay, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất. Quốc hội và Chính phủ đã quyết định mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3, nhóm 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN.
VCCI đề nghị Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu này và coi đó là thước đo đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu các cấp, các ngành và địa phương. VCCI hoan nghênh Chính phủ đã thành lập tổ công tác rà soát pháp luật để xây dựng phương án trình Quốc hội và Chính phủ xóa bỏ những điểm chồng chéo bất hợp lý, bảo đảm minh bạch, nhất quán trong hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là các quy định pháp luật về đầu tư - xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai nhanh các dự án sản xuất kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng.
"Cha ông ta thường nói tiền bạc, còn thời gian mới là vàng. Khi tôi hỏi các lãnh đạo doanh nghiệp lớn trong lúc khó khăn nhất của đại dịch xem họ cần gì thì tôi thấy họ đã nói rất thẳng thắn và chân thành là biết rằng nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền mà chỉ xin cơ chế. Tâm thế đó là tâm thế của người chiến thắng và chúng ta cũng hiểu một điều rất giản dị rằng chính sự minh bạch, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới chính là cứu cánh bền vững cho các doanh nghiệp" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng chi ra rằng: "Riêng khoản đầu tư công cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đã có trong kế hoạch ‘tiền tươi thóc thật’ đang nằm trong túi các bộ, ngành và địa phương đã trị giá tới trên 30 tỷ USD. Chúng tôi đề nghị là tập trung tháo gỡ ngay các thủ tục phiền hà, cản trở, đẩy mạnh đầu tư công, sử dụng hết các khoản đầu tư này để có thể tạo ra thị trường, tạo việc làm, tạo nền tảng với điểm kích hoạt cộng hưởng với ý đầu tư tư nhân, đầu tư FDI với đối tác công tư. Tôi tin rằng nếu làm được điều này thì không có lý gì chúng ta không thể đạt mức tăng trưởng GDP trong năm nay như quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ. Cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ chủ trương, quyết tâm này Chính phủ. Chúng tôi cũng vui mừng khi biết Bộ Chính trị đang chuẩn bị ban hành quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Chúng tôi mong sớm ban hành chủ trương này để trao tấm áo giáp sắt an toàn cho cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu dám dũng cảm dấn thân, dám đổi mới sáng tạo, đột phá vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc".
Để chủ động đón nhận dòng vốn FDI mới, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị Chính phủ giao các bộ, ban, ngành phối hợp với VCCI, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai sớm một chiến dịch vận động, xúc tiến đầu tư chiến lược ở cấp quốc gia để tiếp cận trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn. Việt Nam không thụ động chờ họ tìm đến với mình.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có đủ sức trở thành đối tác tiềm năng của tập đoàn xuyên quốc gia, Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá đây chính là yếu tố quyết định thành bại của nền kinh tế Việt Nam và đề nghị xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp triển khai thực hiện yêu cầu quốc tế hóa và số hoá, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo, có trách nhiệm.
"Nhà nước kiến tạo song hành với cộng đồng doanh nghiệp sáng tạo, có trách nhiệm xã hội sẽ là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam có thể bay lên. VCCI sẵn sàng cùng bộ, ngành, các hiệp hội xây dựng và triển khai chương trình quan trọng này. Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam vào thời điểm này vẫn là thị trường tiêu thụ. Tôi đề nghị phát động tháng cao điểm ít nhất từ nay đến cuối năm phong trào ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’, ‘Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam’ để tiếp sức cho các doanh nghiệp Việt" - TS Vũ Tiến Lộc nêu đề xuất.
Chủ tịch VCCI cũng đề nghị khai mở Mặt trận phục hồi kinh tế, thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác trên mặt trận này và đề nghị Thủ tướng đích thân đảm nhận vai trò là Tổng tư lệnh, Trưởng ban chỉ đạo. Ông Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị thành lập Ban chỉ đạo tương tự sẽ được thành lập ở cấp địa phương do Chủ tịch UBND các địa phương sẽ trực tiếp đứng đầu để có thể giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tái khởi động, phục hồi nền kinh tế thành công.
End of content
Không có tin nào tiếp theo