Cơ hội xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc
Vì sao nông sản Việt khó thâm nhập siêu thị Đông Âu? / Đà Nẵng: Xuất siêu hơn 400 triệu USD trong 11 tháng
Tuy nhiên Việt Nam có tận dụng được cơ hội hay không và tận dụng như thế nào, điều này phụ thuộc rất lớn vào các địa phương cũng như doanh nghiệp sản xuất chế biến trong nước.
Với đặc thù là yến đảo tự nhiên, tổ yến ở Cù Lao Chàm nổi tiếng không chỉ ở độ bổ dưỡng cao, mà còn có trọng lượng lớn nhất cả nước.
Theo số liệu, đàn chim yến trú ngụ ở Cù Lao Chàm có khoảng 100.000 con. Việc khai thác yến tự nhiên mang lại doanh thu từ 50 - 70 tỷ đồng mỗi năm cho Hội An. Do chỉ khai thác 2 vụ mỗi năm nên tổ yến to, dày, đồng đều, đạt chất lượng cao, với nhiều loại yến giá trị như Hồng Huyết, Yến Quan, Yến Thiên, Yến Bài...
Dây chuyền sản xuất yến tinh chế. (Ảnh: TTXVN)
"Yến sào Cù Lao Chàm chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Hong Kong, Đài Loan, Ma Cao. Nếu được thị trường Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch thì yên tâm hơn về tiêu thụ sản phẩm, sau này nghiên cứu tiêu thụ một số yến ngoài yến đảo mình, mở rộng nhiều mặt hàng hơn", ông Cao Văn Năm, Giám đốc Ban Quản lý và Khai thác yến Cù Lao Chàm, Quảng Nam, cho biết.
Hiện nay, địa phương đang đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, bao bì và đa dạng sản phẩm chế biến từ tổ yến để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Đến nay, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng từ 700 - 800 kg. Sản lượng không cao do hạn chế khai thác hàng năm nhằm bảo vệ sự bền vững của đàn yến đảo.
"Khi được cấp chỉ dẫn địa lý, giá trị yến được nâng cao hơn. Thứ hai, TP Hội An quản lý đúng với chỉ dẫn địa lý này. Thứ ba là khi có chỉ dẫn địa lý, giá yến được bán với giá cao hơn. Có thể nói, giá yến Hội An hiện nay ở mức gần 20 triệu đồng một lạng, cao nhất hiện nay", ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay.
Một vấn đề đáng lo ngại là sự suy giảm của đàn yến đảo. Tại Cù Lao Chàm, năm 2020, đàn yến giảm đến gần 57%. Doanh thu từ khai thác yến Cù Lao Chàm ước đạt khoảng 47 tỷ đồng vào năm 2021, giảm hơn 51% so với năm 2011. Nhiều lý do có thể kể đến như biến đổi khí hậu, sự tăng nóng ồ ạt tự phát của các nhà nuôi yến trong đất liền đã ảnh hưởng đến tập tính sinh học của đàn.
Doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến cần chuẩn bị kỹ lưỡng
Không thể phủ nhận việc xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sẽ giúp tăng đầu ra cho sản phẩm, tạo động lực phát triển các mô hình nuôi chim yến, chế biến tổ yến... tại các địa phương có lợi thế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp yến sào Việt Nam cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, các địa phương để đáp ứng yêu cầu từ thị trường Trung Quốc.
Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa là doanh nghiệp quản lý, chế biến yến sào lớn nhất Việt Nam. Ngay khi cơ hội xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang thị trường Trung Quốc vừa mở ra, đơn vị này tập trung ngay vào việc hoàn tất các thủ tục để xuất tổ yến sang thị trường gần 1,5 tỷ dân.
"Rất nỗ lực làm việc với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chuẩn bị hoàn tất hồ sơ gửi qua Trung Quốc để họ cho mình mã định danh code. Sau đó mình mới xúc tiến qua các đối tác để xuất khẩu", bà Trịnh Thị Hồng Vân, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, thông tin.
Trung Quốc đánh giá Việt Nam có chất lượng tổ yến cao, nhưng sản lượng hạn chế nên cần phải kiểm soát chặt về nguồn gốc, tránh bị trà trộn. Do đó, yến sào Việt Nam cần phải khai báo các nhà yến cung cấp nguyên liệu, nhà yến cần có mã số định danh, có chương trình giám sát dịch bệnh và thực hiện đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc theo quy định. Đây cũng là cách để thay đổi phương thức hoạt động ngành nghề yến sào trong nước.
"Trung Quốc thì các sản phẩm khác có thể yêu cầu thấp. Nhưng đối với ngành yến, đây là thị trường đặc biệt khó tính. Trước mắt, Chi hội Nhà yến Việt Nam đang xây dựng chuỗi để đáp được các yêu cầu nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, châu Âu, Mỹ…", bà Đỗ Tú Quân, Chủ tịch Chi hội Nhà yến Việt Nam, cho hay.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp chặt chẽ doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn, các địa phương sẽ góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện quy trình, thủ tục cần thiết để có thể xuất khẩu tổ yến vào Trung Quốc.
Kiểm soát chất lượng tổ yến xuất khẩu
Yến sào Việt Nam được thị trường Trung Quốc ưa chuộng do có giá trị dinh dưỡng đặc biệt cao và mùi vị đặc trưng của tổ yến đảo thiên nhiên. Tuy nhiên, theo khảo sát, lượng tổ yến có thể xuất khẩu mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của Trung Quốc. Dư địa còn rất lớn, nhưng điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy trong việc nuôi, khai thác tổ yến để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm từ thị trường Trung Quốc.
"Chủ trương của chúng tôi hiện nay là bảo tồn đàn yến của Hội An. Tỉnh đã có nhiều công trình khoa học làm sao bảo tồn đàn yến bền vững. Thứ hai, chúng tôi thu hút và kêu gọi doanh nghiệp hợp tác để không những khai thác yến tổ, mà còn làm ra nhiều sản phẩm từ yến tổ", ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết.
Hoàn thiện đóng gói sản phẩm tổ yến. (Ảnh: TTXVN)
"Bộ sẽ chỉ đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi hướng dẫn các chi cục thú y, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thực hiện theo đúng tinh thần nghị định thư. Chúng ta phải bán những gì thị trường yêu cầu, chứ không bán cái gì ta có, đồng thời rà soát tiêu chí của các nhà yến đã đăng ký với Trung Quốc và phải có mã số của nhà yến đó", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa có công văn gửi đến các địa phương đề nghị rà soát, đánh giá và cấp mã số cho các nhà nuôi chim yến đạt yêu cầu; xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu nuôi chim yến tại địa phương để phục vụ truy xuất nguồn gốc; đồng thời chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để chứng minh không có các bệnh trên đàn yến, qua đó đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến.
Chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm của các nước trong khu vực để tránh đi vào vết xe đổ trong việc phát triển nghề nuôi yến khi sản lượng và doanh số bán tổ yến đang sụt giảm. Nhiều vùng nuôi yến ở Indonesia và Malaysia đều bị chững lại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo