Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Doanh nghiệp kiến nghị thay đổi chính sách thuế
DNVN - Với những chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ, thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành ô tô, Nhà nước cần thay đổi về chính sách thuế.
Tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh / Đồng Nai: Nhiều hộ làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao
Doanh nghiệp ngành CNHT còn gặp nhiều khó khăn
Tại Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ năm 2019 với chủ đề "Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị ô tô toàn cầu" do Bộ Công Thương phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức sáng 28/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành công nghiệp ô tô không chỉ có vai trò rất to lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô mà còn góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường khả năng thu hút nước ngoài, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Đồng thời, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tạo lập mạng lưới các nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế quốc gia.
Theo Thứ Bộ Công Thương, Chính phủ đã có nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Với các chính sách khuyến khích của chính phủ, ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam đạt tỉ lệ nội địa hóa của một số dòng xe sản xuất lắp ráp trong nước khá cao.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, với những chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ, thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước khá cao. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ô tô và CNHT cho ngành công nghiệp ô tô đã gia tăng liên tục với sự tham gia của các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế.
CNHT ngành ô tô còn nhiều hạn chế.
CNHT cho ngành công nghiệp ô tô đã có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng dần tỉ trọng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản suất trang thiết bị, linh kiện, phụ tùng và giảm dần tỉ trọng DN hoạt động trong các lĩnh vực lắp ráp, sản xuất thân và thùng xe ô tô.
Tuy nhiên, DN CNHT ngành ô tô vẫn còn nhiều hạn chế như phát triển chậm cả về số lượng à chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Máy móc, công nghệ còn tương đối lạc hậu. Chất lượng sản phẩm CNHT còn khá thấp và giá thành cao. Nhiều DN CNHT cho ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa đủ năng lực và công nghệ sản xuất để tham gia vào chuỗi giá trị.
Ông Bùi Quang Hải - Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng: CNHT ngành ô tô Hải Phòng còn chậm phát triển, tỷ lệ nội địa hóa ô tô đến nay vẫn còn rất thấp, do thị trường quá nhỏ nên không thu hút được doanh nghiệp sản xuất phụ tùng tham gia chuỗi cung ứng. Mặt khác, các doanh nghiệp CNHT trong nước gặp rất nhiều khó khăn về vốn và công nghệ để có thể đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất phù hợp, qua đó đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, giá bán, thời gian giao hàng của các DN sản xuất, lắp ráp ô tô.
Ngoài ra, nguồn lực hỗ trợ phát triển CNHT của TƯ và địa phương còn rất hạn chế trong khi hầu hết các DN trong nước sản xuất các sản phẩm CNHT ngành cơ khí, ô tô là các DNNVV nên khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện để hưởng cơ chế ưu đãi và tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi theo quy định của Chính phủ. Do vậy, các DN rất cần các cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để từng bước nâng cao năng lực, trình độ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất...
Kiến nghị Nhà nước thay đổi chính sách thuế
Trên góc độ doanh nghiệp, ông Chu Trọng Chung, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Giải phóng (GPR) cho biết, đặc thù của ngành sản xuất ngành CNHT là vốn đầu tư rất lớn và mỗi sản phẩm cần một thời gian sản xuất nhất định. Do vậy, GPR kiến nghị Chính phủ cần triển khai chương trình chính sách tín dụng hỗ trợ các DN hỗ trợ tại Việt Nam một cách thực chất hơn nữa, giúp các DN tiếp cận nguồn vốn thuận lợi để mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất. Thời gian qua, Chính phủ cũng có nhiều chính sách về tín dụng cho DN hỗ trợ nhưng rất ít và rất khó tiếp cận các nguồn vốn này.
Đối với sản xuất sản phẩm trọng điểm, GPR đề nghị Chính phủ sớm ban hành các cơ chế ưu đãi hỗ trợ đối với DN trong ngành CNHT trong nước về sản xuất các sản phẩm hỗ trợ trọng điểm. Trong đó, sớm thực hiện chính sách ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu vật tư, trang thiết bị sản xuất, ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế VAT...
Ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) trả lời phóng vấn báo chí bên lề diễn đàn.
Đưa ra kiến nghị cụ thể hơn, chia sẻ với phóng viên bên lề diễn đàn, ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, Nhà nước nên áp dụng thuế suất bằng 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô. Theo ông, khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc bằng 0% từ năm 2018, nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với linh kiện thì sẽ khó giảm giá thành xe sản xuất trong nước.
Ông Tài cũng kiến nghị Chính phủ sớm xem xét miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô mà trong nước chưa sản xuất được; đồng thời sớm ban hành chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần linh kiện phụ tùng ô tô sản xuất trong nước nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ô tô.
"Thực tế, các nước như Malaysia đã áp dụng chính sách này từ rất lâu. Khi giảm thuế này sẽ giúp giá xe giảm, người tiêu dùng được lợi và càng mua nhiều xe, từ đó tỷ lệ nội địa hóa càng được phát triển. Khi ngành ô tô phát triển sẽ kéo theo các ngành công nghiệp khác phát triển, đó chính là ngành CNHT, tạo ra rất nhiều việc làm cho DNNVV, đặc biệt là các startup", Tổng Giám đốc Thaco chia sẻ.
Ngoài ra, ông Phạm Văn Tài đề xuất triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa các DN trong và ngoài nước. Các bộ, ngành liên quan có chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Cần có các quy định, cơ chế tăng cường quản lý hiệu quả hơn đối với các hành vi gian lận thương mại thương mại, gian lận về tiêu chuẩn khí thải...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 7/11/2024: USD tăng mạnh sau khi Donald Trump giành chiến thắng
Thách thức bủa vây thị trường chứng khoán: Xuống tiền mã ngành nào?
Giá vàng ngày 7/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước giảm mạnh sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Giải pháp quản lý năng lượng thông minh cho doanh nghiệp
Sau khi ông Trump thắng cử, giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tuần
Đà Nẵng: Lượng khách du lịch lưu trú qua đêm tăng mạnh
Cột tin quảng cáo