Marcom

Cú bứt tốc của thương mại điện tử trong COVID-19

Dịch COVID-19 được đánh giá là "chất xúc tác" để thúc đẩy tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam. Song điều này vẫn chưa đủ để thị trường thương mại điện tử phát triển vượt lên trên các nước Đông Nam Á.

'Bỏ sỉ' sầu riêng Đắk Lắk trên sàn thương mại điện tử / Tính 'đường dài' cho nông sản Việt trên sàn thương mại điện tử

Ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, vai trò của Nhà nước là không thể thiếu, bởi thời gian qua cũng có những bối rối nhất định trong việc cung ứng hàng hóa qua kênh online khi dịch bệnh diễn biến căng thẳng.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - bà Trần Thị Phương Lan cho biết, qua 4 lần giãn cách, ngành Công thương vẫn đảm bảo công tác cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt trong đợt giãn cách thứ 4, khi Thành phố phân làm 3 vùng chống dịch, Sở đã xây dựng phương án cụ thể điều phối hàng hóa giữa 3 vùng, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển, lưu thông bình thường, không để thiếu hàng, tăng giá.

Gia tăng mua sắm online

Đáng chú ý, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến căng thẳng, việc đa dạng hóa các phương thức bán hàng, nhất làthương mại điện tử(TMĐT) được đẩy mạnh. Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy mức tiêu thụ trên TMĐT tăng từ 30 - 50% so với những ngày bình thường.

giao-hang-online-thoi-dich-ben-9059-7733

Dù tăng trưởng nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động mua sắm online cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Phạm Nguyễn Anh Thư, Quản lý Bộ phận hỗ trợ nhà bán hàng Lazada Việt Nam, chia sẻ trải qua làn sóng COVID-19, người dân làm quen với mua sắm trên kênh online, TMĐT. Quý II vừa rồi, Lazada ghi nhận gấp đôi lượng truy cập mỗi ngày, gấp 2,5 lần số lượng người mua sắm, gấp hơn 3 lần số lượng đơn hàng được đặt trên nền tảng của Lazada.

"Việc hạn chế tụ tập nơi công cộng, cùng với sự đóng cửa hàng loạt địa điểm giải trí đã tạo xu hướng giải trí tại nhà nhằm giải tỏa căng thẳng, tăng sự lạc quan để bước qua mùa dịch. Trải nghiệm mua sắm kết hợp với giải trí trên kênh livestream của Lazada được người dùng đón nhận, mỗi ngày ghi nhận số lượng xem gấp 2,5 lần so với với năm ngoái", bà Thư cho hay.

Theo nhiều sàn TMĐT, trong những tháng vừa qua, nhu cầu mua sắm thực phẩm tươi sống như thịt, cá, trứng, rau xanh hay các mặt hàng tiêu dùng như khẩu trang, nước sát trùng tăng rõ rệt. Dịch bệnh phức tạp nhưng cũng thúc đẩy làn sóng số hoá.

Là một đơn vị cung cấp thực phẩm tươi sống - ông Mai Thanh Thái, Giám đốc kinh doanh, đồng sáng lập thương hiệu Foodmap.Asia, cho hay khách hàng có xu hướng tích trữ thực phẩm nhiều ngày, thu nhập giảm nên người dùng cân nhắc khi mua sắm những sản phẩm cần thiết. Sức mua của người dùng trong giai đoạn dịch bệnh tăng gấp 4-5 lần bình thường. Theo đó, dịch COVID-19 không ảnh hưởng nhiều tới chiến lược phát triển của doanh nghiệp này trong năm 2021, bên cạnh đó còn mở rộng thêm tệp sản phẩm, tăng trải nghiệm khách hàng, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc.

Theo Nielsen Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam luôn theo dõi sát tình hình dịch bệnh, nhanh chóng thay đổi thói quen tiêu dùng nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng. Nielsen tập trung khảo sát các hành vi người tiêu dùng và chỉ ra người tiêu dùng tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến trong thời gian cao điểm COVID-19 và giai đoạn tiếp theo.

 

Để không chậm hơn khu vực

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), đại dịch COVID-19 làm tiến độ phát triển ứng dụng TMĐT từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1-2 năm so với kế hoạch đến 2025.Theo ông, TMĐT trong các năm gần đây tăng trưởng 30 - 35%/năm và thời gian tới sau đại dịch là một bức tranh hoàn toàn thay đổi. Những gì chúng ta dự đoán không như mong muốn hay tính toán nhưng hoạt động TMĐT sẽ sang một trang mới. Sau đại dịch, nhiều bà nội trợ đã biết cách dùng App để đặt hàng, đi chợ hộ, biết thế nào là combo, mua hàng và thanh toán trực tuyến...

"Thời gian tới, sau khi kiểm soát được dịch và có kế hoạch sống chung với dịch, chúng ta sẽ đón nhận làn sóng mới TMĐT", ông Dũng nói. Tuy nhiên, đại diện VECOM cho rằng điều này phụ thuộc vào các hỗ trợ về mặt chính sách cũng như thúc đẩy thị trường TMĐT của Trung ương và địa phương, làm sao hỗ trợ kinh tế số phát triển trong thời gian tới.

Trên thực tế, trước những khó khăn trong cung ứng hàng hóa ở TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội... khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, hồi tháng 7 vừa qua, VECOM đã gửi công văn kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho Uỷ ban Nhân dân các địa phương, căn cứ tình hình thực tế để hỗ trợ người giao hàng tối ưu hoá hoạt động của mình, giúp các sàn TMĐT phục vụ tốt hơn nhân dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Đồng thời, khảo sát của VECOM cũng cho thấy, dịch COVID-19 khiến các sàn TMĐT đối mặt với các thách thức như nhiều gian hàng trên sàn TMĐT dừng kinh doanh, các nhà bán hàng trên sàn bị gián đoạn nguồn hàng, không có hàng để bán dẫn đến tỷ lệ hủy đơn hàng tăng cao.

 

Nói về xu hướng tiêu dùng trong những tháng cuối năm, bà Phạm Nguyễn Anh Thư, đại diện Lazada Việt Nam cho biết, DN này đã chuẩn bị nhiều kịch bản liên quan tới diễn biến của dịch COVID-19. Theo đó, kịch bản mong đợi nhất vẫn là dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, giãn cách được nới lỏng để việc kinh doanh đạt đỉnh mua sắm vào cuối năm.

Còn với kịch bản xấu nhất là dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn thì các sản phẩm mua sắm được người tiêu dùng ưa chuộng sẽ là sản phẩm thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, hay các sản phẩm thời trang mặc ở nhà, giải trí tại nhà, dụng cụ trồng rau tại gia... Vì vậy,bà Thư cho rằng, các nhà bán hàng cần cung cấp sản phẩm với chất lượng tốt nhất, chọn online là kênh đầu tư nghiêm túc và đảm bảo quá trình tương tác với khách hàng được diễn ra liên tục.

Từ kinh nghiệm ở thị trường quốc tế, ông Bùi Hải Nam, Tổng giám đốc và nhà sáng lập SoBanHang, đánh giá TMĐT của Việt Nam năm vừa qua phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, nếu so sánh thị trường TMĐT của Việt Nam với các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Philippines thì Việt Nam vẫn chưa bắt kịp họ.

Ở Việt Nam, tỷ trọng tiêu dùng qua kênh online chiếm 6% trong tổng bán lẻ hàng hóa. Trong khi đó, những quốc gia trên, tỷ trọng này từ 8-10%. TMĐT của Việt Nam cần phải tăng tốc hơn nữa trong giai đoạn dịch COVID-19, để không bị chậm lại so với các nước Đông Nam Á.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm