Cục Thuế Đà Nẵng: Hạn chế tối đa việc đến thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý kiến nghị của Đà Nẵng về sân bay quốc tế, cảng Liên Chiểu / “Phiên chợ ngày Tết năm 2021” tại Bảo tàng Đà Nẵng có gì hấp dẫn?
Chiều 27/1/2021, tại hội nghị gặp mặt Cộng tác viên năm 2020, lãnh đạo Cục Thuế Đà Nẵng cho hay, do ảnh hưởng của hai đợt dịch Covid-19 và mưa bão liên tục vào những tháng cuối năm đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng, dẫn đến kinh tế TP suy giảm trầm trọng.
Hội nghị gặp mặt Cộng tác viên do Cục Thuế Đà Nẵng tổ chức chiều 27/1/2021.
Trong bối cảnh đó, tổng thu nội địa của Đà Nẵng năm 2020 là 19.440 tỉ đồng, chỉ đạt 72,4% dự toán năm và bằng 82,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong nếu không kể tiền sử dụng đất là 15.607 tỉ đồng thì thu nội địa năm 2020 đạt 64,1% dự toán và bằng 74,8% so với cùng kỳ năm 2019. Có đến 12/17 lĩnh vực thu chưa hoàn thành dự toán.Tại buổi gặp mặt chiều 27/1/2021, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã đặt câu hỏi với ông Lưu Đức Sáu, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế Đà Nẵng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của ngành thuế Đà Nẵng cũng như việc nuôi dưỡng nguồn thu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19.
Xin ông cho biết mục tiêu của ngành thuế Đà Nẵng trong năm 2021?
Ông Lưu Đức Sáu: Thực hiện chủ đề năm 2021 của TP Đà Nẵng là “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”, kết hợp với các nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2021 của Tổng cục Thuế đề ra, Cục Thuế Đà Nẵng xác định các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp công tác thuế chủ yếu hướng đến việc phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán giao, góp phần khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sớm khôi phục đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng. Cụ thể, ngành thuế Đà Nẵng phấn đấu hoàn thành vượt 3% dự toán thu ngân sách nhà nước được giao năm 2021.
Tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 do Cục Thuế Đà Nẵng tổ chức ngày 12/1, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã chỉ đạo: “Cục Thuế TP cần hạn chế việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, hạn chế việc thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế để tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch”. Ngành thuế Đà Nẵng sẽ thực hiện chỉ đạo này của lãnh đạo UBND TP như thế nào để vẫn tập trung “thu đúng, thu đủ” nhằm đạt mục tiêu vượt 3% dự toán thu ngân sách nhà nước được giao năm 2021?
Khi chúng tôi đưa ra nhiệm vụ chung cho năm 2021 thì vẫn tuân thủ theo chủ đề của Thành ủy đưa ra cho năm nay là “khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”. Như vậy, chúng tôi phải xử lý một cách hài hòa giữa việc làm thế nào để vừa thực hiện được mục tiêu thu ngân sách vượt dự toán được giao, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và nuôi dưỡng nguồn thu.
Vì vậy, ngành thuế Đà Nẵng đưa tiêu chí đầu tiên là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, phải tạo mọi điều kiện đảm bảo cho các doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng đầy đủ các quy định ưu đãi về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí.
Vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa để làm sao “thu đúng, thu đủ”, đạt mục tiêu thu ngân sách năm 2021, vừa hạn chế áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật về thuế, nếu nợ thuế thì phài tổ chức thu nợ, và nếu nợ lâu dài, nợ lớn thì phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế. Và trong công tác quản lý thuế, ngoài việc đơn vị tự khai, tự tính, tự nộp thuế thì cơ quan thuế còn phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai nộp thuế của doanh nghiệp.
Nhưng đó là quy định của pháp luật thuế trong điều kiện bình thường; còn khi xảy ra dịch Covid-19 thì chúng ta có khái niệm mới, đó là “trong điều kiện bình thường mới”. Và trong “điều kiện bình thường mới” thì việc áp dụng các biện pháp quản lý thu thuế cũng phải phù hợp với “điều kiện bình thường mới” này; trong đó có việc cưỡng chế nợ thuế và thanh tra, kiểm tra về thuế.
Không phải đến bây giờ mà ngay từ tháng 5/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát và đến tháng 7/2020, khi dịch Covid-19 tái phát đợt thứ 2, Cục Thuế Đà Nẵng đã chỉ đạo dừng tất cả các cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế. Các việc đôn đốc thu nợ thuế, cưỡng chế thu nợ thuế cũng đều dừng tất cả.
Khi làm điều này, chúng tôi có văn bản báo cáo chính thức. Nói thực lúc đó anh em bọn tôi cũng run lắm, vì lẽ ra phải thực hiện theo pháp luật về thuế chứ sao lại không làm, không cưỡng chế? Nhưng chúng tôi bàn trong lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt, quyết định rằng trong điều kiện bình thường thì cưỡng chế, còn “trong điều kiện bình thường mới” thì không cưỡng chế. Vì vậy, chúng tôi khẳng định trong năm 2020, ngành thuế Đà Nẵng không thanh tra, kiểm tra, không cưỡng chế thuế.
Và năm 2021 chúng tôi vẫn tiếp tục với tinh thần đó nhưng mức độ sẽ có khác biệt đôi chút so với năm 2020. Tức là sẽ thực hiện đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế nhưng cũng sẽ không làm một cách triệt để như theo quy định của pháp luật về thuế. Chúng tôi có thể khẳng định điều này. Thay vào đó, chúng tôi sẽ tiến hành phân loại, xác định đối tượng. Đối với những trường hợp nào thực sự cần thiết thì mới tiến hành đôn đốc và cưỡng chế thu hồi nợ thuế; còn với những trường hợp này thì mang tính chất đôn đốc, nhắc nhở, động viên là chính.
Ông Lưu Đức Sáu, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế Đà Nẵng trả lời phỏng vấn của phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam tại hội nghị.
Nếu bây giờ chúng tôi ra văn bản thông báo với bàn dân thiên hạ rằng Cục Thuế Đà Nẵng không cưỡng chế nợ thuế, không tiến hành thanah tra, kiểm tra thuế là chúng tôi sai. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng xử lý một cách hài hòa nhất, hợp lý nhất trên cơ sở phân loại, xác định đối tượng.Về công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm, cơ quan thuế thực hiện trên cơ sở kế hoạch Tổng cục Thuế đã duyệt. Lâu nay, hễ cơ quan thuế tiến hành bất kỳ một cuộc thanh tra, kiểm tra nào đều phải trên danh sách, kế hoạch đã được Tổng cục Thuế duyệt. Năm 2021 này, chúng tôi đã báo cáo với Tổng cục Thuế về các đơn vị đưa vào danh sách thanh tra, kiểm tra.
Tuy nhiên chúng tôi cũng báo cáo, xin ý kiến Tổng cục Thuế cho phép Cục Thuế Đà Nẵng triển khai thực hiện việc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế chỉ 50% trong danh sách đó thôi. 50% còn lại, chúng tôi đề nghị cho Cục Thuế Đà Nẵng tổ chức rà soát hồ sơ kiểm tra thuế tại cơ quan thuế. Trên tinh thần hết sức chia sẻ với các doanh nghiệp, chúng tôi cũng đang nghiên cứu để có hướng tổ chức thanh tra, kiểm tra thuế tại cơ quan thuế sao cho có hiệu quả nhất, nhằm hạn chế một cách tối đa việc phải đến thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế.
Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đặt ra cho chúng tôi bài toán rất khó, giống như phóng viên đã đặt câu hỏi. Đó là nuôi dưỡng nguồn thu nhưng phải đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu đạt và vượt dự toán. Đó là bài toán rất khó, nhưng đương nhiên nếu không giải được bài toán này thì cơ quan thuế không hoàn thành nhiệm vụ. Hiện tại, Cục Thuế Đà Nẵng đang triển khai các giải pháp cụ thể để có lời giải tốt nhất, hiệu quả nhất cho bài toán này.
Tinh thần của Cục Thuế Đà Nẵng như ông vừa cho biết là rất đồng hành, chia sẻ với các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay để phục hồi sản xuất, kinh doanh và nuôi dưỡng nguồn thu. Điều đó cũng phù hợp với chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh về hạn chế cưỡng chế nợ thuế, hạn chế thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Tuy nhiên cũng tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 hôm 12/1 thì Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh còn “yêu cầu Cục Thuế TP cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra thuế để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp trốn lậu thuế”. Như vậy, các chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng liệu có mâu thuẫn và có gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ của ngành thuế trong năm 2021?
Giữa tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nghe qua thì thấy rất mâu thuẫn nhưng thực ra không có mâu thuẫn gì. Quan điểm của chúng tôi là như thế. Bởi vì, nếu làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra chính là chúng ta tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho tất cả các doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.
Tất cả các doanh nghiệp hiện nay đang hết sức khó khăn, nếu chúng ta không tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các đơn vị thì càng làm cho các doanh nghiệp khó khăn hơn nữa. Vì vậy, nếu chúng ta làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, đi vào những mảng kinh doanh mang tính chất rủi ro nhiều nhất để làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, để mọi người có môi trường kinh doanh bình đẳng với nhau thì đó cũng chính là tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp làm ăn đường hoàng, chính đáng.
Vì vậy theo chúng tôi, chỗ này không có vấn đề gì mâu thuẫn cả, và tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng như nêu trên là rất phù hợp. Với tinh thần chỉ đạo này, Cục Thuế Đà Nẵng đã có phương án vẫn tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra; tuy nhiên như đã nói ở trên, chúng tôi sẽ phân loại đối tượng để thực hiện
Về nghiệp vụ của ngành thuế hiện nay, việc tổ chức quản lý và thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế không phải là đụng đâu làm đó, bạ đâu làm đấy mà phải trên cơ sở có rà soát, đánh giá một cách khoa học nhất thông qua các tiêu chí mà ngành thuế gọi là “quản lý theo rủi ro”. Quản lý theo rủi ro với những tiêu chí một cách khoa học sẽ giúp chọn lựa ra những doanh nghiệp, những lĩnh vực có dấu hiệu rủi ro cao nhất để trên cơ sở đó thực hiện việc thanh tra, kiểm tra chứ không thực hiện với tất cả các doanh nghiệp, các lĩnh vực.
Tinh thần của Cục Thuế Đà Nẵng là vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng không có nghĩa không tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tức là không rải quân đến làm phiền doanh nghiệp, nhưng những doanh nghiệp nào có dấu hiệu rủi ro trong lĩnh vực quản lý thu thuế thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, làm trúng để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp khác.
Đó cũng chính là một trong 5 nội dung công việc trong tâm của ngành thuế Đà Nẵng trong năm 2021: Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thông qua việc tạo ra môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh. Mà muốn làm được điều đó thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra những đối tượng, những lĩnh vực nào dễ dẫn đến man khai, trốn lậu thuế!
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?