Thị trường

Cung cao hơn cầu, giá phân bón vẫn tăng phi mã: Chưa có lời giải thỏa đáng

DNVN – Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn cung phân bón trong nước hiện vẫn đang cao hơn nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, giá phân bón thời gian qua vẫn tăng phi mã chưa có điểm dừng. Đến thời điểm này vẫn chưa có lời giải thích nào thỏa đáng cho vấn đề trên.

Gia Lai: Tạm giữ trên 3,6 tấn phân bón hết hạn sử dụng / Sơn La: Xử lý cơ sở kinh doanh gần 2 tấn phân bón đã hết hạn sử dụng

Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp bình ổn giá phân bón diễn ra ngày 11/8, ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nguồn cung phân bón trong nước đang cao hơn nhu cầu tiêu thụ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, diện tích sản xuất nông nghiệp năm nay giảm so với năm 2020. Theo báo cáo, nhu cầu sử dụng phân bón trong nước hiện chỉ vào khoảng 10 triệu tấn/năm. Trong khi đó, tổng công suất đăng ký của các nhà máy phân bón trong nước là gần 30 triệu tấn, và chỉ sản xuất vào khoảng 14 - 15 triệu tấn/năm, phụ thuộc vào khả năng tiêu thụ của thị trường.

Qua đó cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù lượng xuất khẩu tăng nhưng tổng nguồn cung phân bón cho sản xuất trong nước vẫn được bảo đảm, dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ.

“Vì nguồn cung được bảo đảm, hiện không có nơi nào sản xuất nông nghiệp bị gián đoạn do thiếu phân bón”, ông Hoàng Trung khẳng định.

Cung cao hơn cầu, giá phân bón tăng phi mã hiện vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Cung cao hơn cầu, giá phân bón tăng phi mã hiện vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Ở góc độ địa phương, ông Trần Thái Nghiêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cần Thơ cho biết, trong điều kiện hiện nay, giá phân bón tăng cao mà giá nông sản giảm ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất, đầu tư của bà con. Từ đó, ông đưa ra kiến nghị các cơ quan có chính sách phù hợp để bình ổn giá phân bón.

Theo ông Nghiêm, tại Cần Thơ, giá phân bón đã tăng từ 15 - 45% (tùy loại) tính từ đầu vụ Đông Xuân 2020 - 2021 đến nay. Vì vậy các cơ quan Trung ương cần sớm rà soát lại chuỗi cung ứng phân bón, xác định các điểm đứt nghẽn, tác nhân của giá phân bón tăng mạnh trong thời gian qua.

Trong khi đó, đại diện Sở NN-PTNT An Giang cho rằng, những luận giải gần đây về nguyên nhân giá phân bón tăng quá nhanh thời gian qua là không thuyết phục: Ví dụ giá Ure lên tới hơn 11.000 đồng/kg nhưng chưa đủ cơ sở giải thích vì sao giá tăng như vậy. Vì thế, mong muốn cần làm rõ cơ sở tăng giá. An Giang chưa có hiện tượng đầu cơ và thiếu nguồn cung ứng, nhưng vấn đề giá tăng thì chưa lý giải được vì sao.

Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Bùi Thế Chuyên cho biết, để lý giải cho việc giá phân bón tăng, ngoài giá nguyên liệu đầu vào tăng, các doanh nghiệp đang phát sinh chi phí để đối phó dịch COVID-19 như chi thêm để sản xuất "3 tại chỗ".

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần hợp lý hóa các chi phí. Mục tiêu lúc nào phân bón Việt Nam cũng phải bán giá thấp hơn phân bón thế giới và sẽ không xuất khẩu, tập trung ưu tiên cho phân bón trong nước.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng thống nhất quan điểm sẽ có kiến nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu đưa ra phương án thuế hợp lý, tránh mất cân bằng giữa phân bón nhập khẩu và sản xuất trong nước.


Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm