Nhiều địa phương than khó khi triển khai đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử
ĐBSCL: Vào mùa chín rộ, nông sản đối mặt nguy cơ ùn ứ, rớt giá vì COVID-19 / Kết nối nhãn lồng và nông sản Hưng Yên với 21 quốc gia
Nhiều địa phương than khó
Theo đó, Kế hoạch 1034 được yêu cầu triển khai quyết liệt. Trong đó, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Cơ quan Trung ương, địa phương, sàn TMĐT, tổ chức/doanh nghiệp (DN). Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến, hướng dẫn triển khai Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) tổ chức, bên cạnh những kết quả khả quan mà các tỉnh đạt được nhiều địa phương vẫn than khó, và đang gặp nhiều vướng mắc trong việc triển khai Kế hoạch này.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Khắc Lịch- Giám đốc Sở TT-TT Lạng Sơn cho biết, thời gian qua tỉnh đã lên kế hoạch chi tiết và nghiêm túc thực hiện theo Kế hoạch 1034 của Bộ TT-TT và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến ngày 10/8, toàn tỉnh Lạng Sơn đã có 4.445 gian hàng trên các sàn TMĐT; số ví điện tử/tài khoản thanh toán điện tử là 2.971, tổng số đơn hàng đạt 2.759 đơn, với 3.500 loại sản phẩm, tổng doanh thu 518.966.000 đồng.
Tuy nhiên, đại diện tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương trong đó có Hà Nội đang tiến hành giãn cách xã hội khiến cho khâu vận chuyển na của Lạng Sơn tới các địa phương bị đứt gãy, gây khó khăn cho tiêu thụ.
Theo đại diện tỉnh Hưng Yên, hiện nay nhãn của tỉnh đang vào chính vụ. Toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 4800 ha nhãn, trong đó có hơn 1400 ha nhãn đạt chuẩn VietGAP với tổng sản lượng nhãn đạt trên 50.000 tấn; sản lượng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt khoảng 15000 tấn (chiếm khoảng 30%) .
Tuy nhiên, hiện nay địa bàn tỉnh vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc đưa nông sản của bà con nông dân lên các sàn TMĐT. Cụ thể, mặc dù có nhiều giống nông sản khác nhau nhưng đa số đều trồng trên diện tích nhỏ, manh mún. Việc triển khai công nghệ, giao dịch điện tử tại các nông hộ trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều hạn chế. Thêm vào đó thói quen của người dân chỉ bán cho thương lái, chưa có nhiều kỹ năng triển khai trên các sàn online…
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thành - Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh hiện nay việc đưa các sản phẩm OCOP, VietGAP hay các sản phẩm đã có thương hiệu đưa lên sàn còn ít, mới manh nha, chưa được nhiều kết quả.
Ông Thành nhận định, nguyên nhân của vấn đề trên là do thói quen của người dân, DN vẫn quen với cách làm truyền thống. Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối chưa bảo đảm. Việc truy suất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng còn hạn chế. Chuỗi logistic vận chuyển hàng hóa bảo đảm chất lượng nông sản đến tay người tiêu dùng hiện đang là một vấn đề lớn, cần được tháo gỡ.
Nhiều địa phương than khó khi triển khai đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT.
Về vấn đề này, đại diện tỉnh Vĩnh Long cũng cho biết, việc nông dân đưa hàng hóa lên sàn TMĐT cần phải có địa chỉ email và tài khoản ngân hàng để giao dịch. Hiện cả hai tài khoản này nông dân đều chưa có và cũng không sử dụng.
Việc đóng gói nông sản cũng là một vấn đề cần giải quyết. Theo đại diện tỉnh Vĩnh Long, hiện người nông dân mới chỉ thực hiện việc đóng gói theo truyền thống, chưa bảo đảm được chất lượng hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng, dễ bị hư hỏng.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương đang quan tâm nhiều hơn đến môi trường thanh toán. Mặc dù hiện nay hình thức thanh toán điện tử khá nhiều nhưng chưa bảo đảm an toàn cho người dân. Việc thanh toán của người dân qua các sàn TMĐT còn nhiều han chế. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn chưa có smartphone để dùng. Đây cũng là một trong những hạn chế lớn để có thể giúp nông dân đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT.
Cần có kế hoạch chi tiết, đồng bộ
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn cho biết, các tỉnh cần phải xác định việc đưa các sản phẩm địa phương lên sàn TMĐT không phải là việc của doanh nghiệp mà là việc lớn mang tính quốc gia để hỗ trợ người nông dân. Việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT giúp bà con nông dân nắm bắt được thông tin để không bị thương lái ép giá. Bên cạnh đó nâng cao nhận thức của bà con nông dân ý thức hơn việc phát triển sản phẩm chuẩn VietGap, OCOP.
Từ đó, Thứ trưởng khẳng định, việc đưa hộ nông dân sản xuất lên sàn TMĐT qua 2 sàn của Bưu điện Việt Nam (Postmart.vn) và Viettel Post (voso.vn) không phải là nhiệm vụ của các sàn mà là nhiệm vụ của tất cả chúng ta giúp bà con nông dân làm giàu trên chính sản phẩm, bàn tay lao động của mình. Tuy nhiên, mấu chốt là các tỉnh phải xây dựng được các phương án cụ thể với các sàn trên cơ sở phương án khung mà Bộ TT-TT đưa ra. Có như vậy chúng ta mới triển khai thành công được, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Việc triển khai hỗ trợ bà con nông dân đưa sản phẩm lên sàn TMĐT của 2 sàn là cùng nhau làm chứ không phải cạnh tranh với nhau. Vì vậy Vietnam Post và Viettel Post cần lập kế hoạch tham gia chi tiết dựa trên phương án khung của Bộ, bảo đảm triển khai hiệu quả nguồn lực để nhanh chóng đưa hộ nông dân lên sàn theo một chuẩn chung. Trước mắt đây là nhiệm vụ, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục TMĐT Kinh tế số Bộ Công Thương cho biết, việc bảo đảm tiêu thụ nông sản qua sàn TMĐT cần có sự vào cuộc đồng bộ của người nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng. DN hỗ trợ phân phối hàng hóa vô cùng quan trọng, quyết định đến tiêu thụ nông sản qua sàn TMĐT có lâu dài và hiệu quả hay không.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh