Đà Nẵng: Chỉ số giá tiêu dùng tăng, nhiều giải pháp ổn định thị trường được đưa ra
135 doanh nghiệp, tổ chức tham gia hội chợ EWEC Đà Nẵng 2023 / Sân khấu Mỹ Tâm hát tối nay tại Đà Nẵng có gì đặc biệt?
8/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá trong tháng 7/2023
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn Đà Nẵng tháng 7/2023 tăng 0,37% so tháng trước, tăng 3,24% so cùng kỳ năm trước và tăng 1,85% so với tháng 12/2022. Trong mức tăng CPI 0,37% của tháng 7 có 8 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm có chỉ số giá giảm và 2 nhóm có mức giá ổn định.
UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo theo dõi sát tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… để chủ động phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng,nguyên nhân chính khiến CPI nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tăng so với tháng trước là giá xăng dầu được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam điều chỉnh vào các ngày trong tháng (ngày 3/7, 11/7, 21/7) làm cho chỉ số giá dầu hỏa tăng 3,44%, dầu diezel tăng 3,91%.
Cùng với đó, dịch vụ giao thông công cộng tăng giá mạnh (gần 12%), trong đó dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt tăng gần 4%, dịch vụ vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng mạnh hơn 26% so với tháng trước.
Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ bản được điều chỉnh tăng nên bảo hiểm y tế ở một số nhóm đối tượng cũng được điều chỉnh tăng theo làm cho chỉ số giá nhóm bảo hiểm y tế tăng gần 21%. Giá nhà ở cho thuê tăng 0,51% so với tháng trước do một số chủ thuê trọ tăng giá theo mặt bằng giá cả chung của thị trường.
Thời tiết nắng nóng trên diện rộng làm cho giá điện sinh hoạt, nước sinh hoạt tăng lần lượt gần 4% và 1% so với tháng trước do nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao. Trong tháng, tại Đà Nẵng diễn ra lễ hội pháo hoa quốc tế nên các dịch vụ du lịch cũng tăng giá do nhu cầu tăng cao (tour du lịch tăng giá, khách sạn tăng giá…).
Nhiều giải pháp ổn định thị trường
Tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số CPI bình quân trên địa bàn Đà Nẵng tăng 6,24% so với cùng kỳ năm trước, trong khi bình quân 7 tháng năm 2022 chỉ tăng 2,34% so với bình quân cùng kỳ 2021. Nhóm hàng hóa, dịch vụ có mức tăng cao hơn mức tăng chung là nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng (+15,6%); giáo dục (+11,37%); may mặc, mũ nón và giày dép (+6,61%).
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, giá cả hàng hóa tăng trước thềm tăng lương cơ sở đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những giải pháp điều hành, ổn định giá cả thị trường, bảo đảm đời sống của người dân.
Nhằm tăng cường phòng ngừa, kiểm soát lạm phát có khả năng xảy ra khi tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023, UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở Công Thương tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm…) để chủ động phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.
Phối hợp với Cục QLTT và các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo 389 TP Đà Nẵng tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tình hình tăng lương để tăng giá bất hợp lý, đầu cơ, găm hàng trục lợi, gây bất ổn thị trường.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, đã có văn bản đề nghị Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng, UBND các quận, huyện chỉ đạo BQL các chợ tăng cường theo dõi diễn biến giá cả, thị trường tại các chợ; vận động tiểu thương niêm yết giá và bán đúng theo giá niêm yết.
Đồng thời, đề nghị các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tự chọn, cửa hàng chuyên doanh chủ động tìm kiếm nguồn hàng, tăng cường dự trữ hàng hoá, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Khuyến khích tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm góp phần bình ổn thị trường, kích cầu mua sắm của người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo