Thị trường

Đà Nẵng: Giải pháp ứng phó thiếu nước do xâm nhập mặn và thủy điện giảm phát vì thừa điện mặt trời

DNVN - Sở TN-MT Đà Nẵng đang theo dõi sát sao diễn biến thủy văn, xâm nhập mặn và tình hình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để tham mưu điều hành việc xả nước từ các thủy điện nếu xâm nhập mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ lớn hơn 1000 mg/l kéo dài và các tình huống khẩn cấp khác dẫn đến xảy ra thiếu nước trên địa bàn TP.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Bác bỏ đề xuất của Cảng Đà Nẵng mở tuyến vận tải hàng hóa trên sông Hàn

Nguy cơ dẫn đến thiếu nước sinh hoạt

Ngày 8/3, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đà Nẵng đã cung cấp cho Doanh nghiệp Việt Nam những thông tin cập nhật về tình hình nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và việc triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn TP Đà Nẵng trong mùa cạn năm 2021.

Cần sớm xây dựng lại đập tạm trên sông Quảng Huế hiện đã bị sạt lở trong mùa mưa lũ năm 2020, dẫn đến tỷ lệ phân lưu tại Quảng Huế về sông Thu Bồn nhiều hơn về sông Vu Gia

Cần sớm xây dựng lại đập tạm trên sông Quảng Huế hiện đã bị sạt lở trong mùa mưa lũ năm 2020, dẫn đến tỷ lệ phân lưu tại Quảng Huế về sông Thu Bồn nhiều hơn về sông Vu Gia.

Theo Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết, hiện độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ (mực nước sâu) trên sông Cầu Đỏ đã gia tăng và đạt giá trị lớn nhất 2274 mg/l lúc 11h45 sáng 1/3/2021. Đồng thời, mực nước tại đập dâng An Trạch lúc 7h15 ngày 1/3/2021 là 1,59 m, gây khó khăn cho công tác vận hành máy bơm.

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến mực nước tại đập dâng An Trạch một số thời điểm thấp là do đập tạm tại Quảng Huế bị sạt lở trong mùa mưa lũ năm 2020, dẫn đến tỷ lệ phân lưu tại Quảng Huế về sông Thu Bồn nhiều hơn về sông Vu Gia. Diễn biến như trên có nguy cơ dẫn đến thiếu nước sinh hoạt trong trường hợp đường ống dẫn nước thô thứ 2 từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ chưa hoàn thành!” – Phó Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Nguyễn Quang Vinh cho hay.

Trong khi đó, theo Bản tin dự báo thời tiết thủy văn TP Đà Nẵng tháng 3/2021 của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Trung Trung bộ thì trong tháng 3/2021, dòng chảy trên sông Vu Gia và các sông thuộc TP Đà Nẵng biến đổi chậm và có xu thế hạ thấp dần. Mực nước trung bình tháng trên sông Vu Gia ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, sông Cẩm Lệ ở mức xấp xỉ. Trong tháng 3/2021, lưu lượng dòng chảy trung bình tháng trên thượng nguồn sông Vu Gia ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, chỉ đạt 32%.

Nguồn nước dồi dào nhưng thủy điện giảm phát vì thừa điện mặt trời

Đồng thời, Sở TN-MT Đà Nẵng tiến hành xem xét thông số kỹ thuật và vận hành của các hồ chứa thủy điện Đắk Mi 4, A Vương và sông Bung 4, phân tích số liệu cập nhật ngày 1/3/2021 về tình hình nguồn nước hiện có tại các hồ chứa thủy điện này và đối chiếu với Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ban hành tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua đó cho thấy, mực nước tại hồ Đắk Mi 4 là 255,05m/254,70m, đủ so với mực nước quy định; dung tích thừa so với dung tích tối thiểu phải tích theo quy định là 3,35 triệu m3 nước. Mực nước tại hồ A Vương là 375,89m/373,70m, đủ so với mực nước quy định; dung tích thừa so với dung tích tối thiểu phải tích theo quy định là 18,45 triệu m3 nước. Mực nước tại hồ Sông Bung 4 là 220,24m/2217,80m, đủ so với mực nước quy định; dung tích thừa so với dung tích tối thiểu phải tích theo quy định là 163,03 triệu m3 nước.

“Xem xét diễn biến mực nước và lưu lượng nước về các hồ trên từ năm 2019 - 2021 cho thấy năm 2021 là năm nguồn nước đến khá dồi dào. Tuy nhiên, việc vận hành các hồ chứa thủy điện hiện nay đang gặp một số khó khăn do thừa điện mặt trời và ảnh hưởng dịch bệnh Covid 19 làm cho nhu cầu tiêu thụ điện giảm. Các nguyên nhân trên đã gây khó khăn cho công tác vận hành của các nhà máy thủy điện.

Cụ thể, một số ngày các nhà máy thủy điện vận hành không đúng về lưu lượng vận hành trung bình ngày, có những ngày (thường rơi vào thứ 7, Chủ nhật và các ngày nghỉ lễ, Tết) lưu lượng phát điện thấp hơn quy định do phụ tải điện giảm thấp. Đồng thời điện mặt trời phát cao nhất trong khoảng thời gian từ 9h đến 15h nên các nhà máy thủy điện phải dời thời gian phát điện lệch khỏi khung giờ trên!” – bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở TN-MT Đà Nẵng) cho biết.

Sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp

Trước tình hình đó, theo Sở TN-MT Đà Nẵng, hiện các ngành của TP và các đơn vị hữu quan đang triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó để đảm bảo ứng phó với xâm nhập mặn và việc điều chỉnh phát điện của các nhà máy thủy điện do thừa điện mặt trời, đảm bảo cấp nước an toàn trên địa bàn TP Đà Nẵng trong mùa cạn năm nay.

Theo đó, Sở NN-PTNT Đà Nẵng đề nghị Sở NN-PTNT Quảng Nam thống nhất chủ trương triển khai đắp đập tạm trên sông Quảng Huế năm 2021 nhằm tăng lưu lượng nước chảy về hạ lưu sông Vu Gia, góp phần hiệu quả cấp nước tưới cho các công trình khai thác nước, trạm bơm tưới của huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và giảm xâm nhập mặn tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ, bảo đảm cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng.

Sở Xây dựng Đà Nẵng chỉ đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) sẵn sàng triển khai phương án đắp đập tạm trên sông Cẩm Lệ nhằm ứng phó với tình huống xâm nhập mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ lớn hơn 1000 mg/l xảy ra đồng thời với mực nước tại đập dâng An Trạch xuống thấp kéo dài, dẫn đến thiếu nước.

“Đối với Sở TN-MT hiện đang theo dõi sát sao diễn biến thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, dự báo lưu lượng nước đến hồ, mực nước và tình hình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để tham mưu điều hành việc xả nước từ các hồ chứa thủy điện nếu xâm nhập mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ lớn hơn 1000 mg/l kéo dài và các tình huống khẩn cấp khác dẫn đến xảy ra thiếu nước trên địa bàn TP Đà Nẵng!” – Phó Giám đốc Sở Nguyễn Quang Vinh cho biết.

Cần sớm xây dựng lại đập tạm Quảng Huế

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho hay, thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn năm 2019, 2020 của UBND TP Đà Nẵng, Dawaco đã triển khai xây dựng đập tạm đến cao trình 3,2m tại Quảng Huế, góp phần tăng cường lượng nước về hạ lưu sông Vu Gia, duy trì ổn định mực nước tại thượng lưu hệ thống đập dâng An Trạch, cấp nước cho huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và giảm xâm nhập mặn tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ, bảo đảm cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên, sau khi tháo dỡ đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ vào tháng 9/2020, đến giữa tháng 02/2021 thì nguồn nước tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ bắt đầu nhiễm mặn trở lại, độ mặn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng dần, độ mặn cao nhất là 1.997 mg/l (vào lúc 10h45 ngày 01/3/2021).

Trong khi chờ đợi các Sở xem xét phương án đập tạm trên sông Cẩm Lệ năm 2021, để đảm bảo nguồn nước thô cấp cho TP Đà Nẵng, Dawaco đã có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT Đà Nẵng sớm tham mưu với UBND TP Đà Nẵng làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam để triển khai xây dựng lại đập tạm Quảng Huế ở cao trình 3,2m (giống cao trình đã thực hiện các năm 2019,220) nhằm tăng lượng nước về lưu vực sông Yên và duy trì ổn định mực nước tại thượng lưu đập An Trạch, đồng thời giảm mặn cho lưu vực sông Cầu Đỏ.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm