Đà Nẵng: GRDP bình quân đầu người liên tục sụt giảm, khó giữ vị trí dẫn đầu miền Trung
Đà Nẵng: Chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu F0 chưa tiêm vaccine do chưa được tổ chức tiêm / Đà Nẵng: Trộm cắp gần 3.500kWh điện, bị phạt 10 triệu đồng
Mức độ phục hồi kinh tế của Đà Nẵng còn rất chậm
Tại cuộc họp báo của Cục Thống kê Đà Nẵng sáng 30/12 công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội trên địa bàn TP năm 2021, Cục trưởng Trần Văn Vũ cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước tăng 0,18% so với năm 2020. Với tốc độ tăng này, Đà Nẵng là một trong số 54 địa phương trên cả nước có mức tăng trưởng dương.
GRDP bình quân đầu người của Đà Nẵng liên tục sụt giảm trong 2 năm 2020- 2021.
Xét trong 5 tỉnh, TP thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng là địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất. Cụ thể, Quảng Ngã tăng trưởng +6,05%; Quảng Nam tăng trưởng +5,04%; Thừa Thiên Huế tăng trưởng +4,36%, Bình Định tăng trưởng +4,11% và Đà Nẵng tăng trưởng +0,18%.
“Nhìn chung, mức độ phục hồi kinh tế của Đà Nẵng còn rất chậm!” – Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ nhận định. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế TP có dấu hiệu phục hồi khá tốt, đã thoát khỏi tăng trưởng âm của năm 2020, với mức tăng 5,09% so với cùng kỳ 2020 và tăng 0,94% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, kinh tế 6 tháng cuối năm giảm 4,40% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nền kinh tế TP Đà Nẵng gần như đóng băng trong quý III/2021 do phải thực hiện giãn cách, tăng trưởng kinh tế quý III giảm sâu đến -10,17%.
Cục Thống kê Đà Nẵng cũng cho hay, quy mô nền kinh tế TP năm 2021 ước đạt hơn 105.050 tỷ đồng, mở rộng gần 1.826 tỷ đồng so với năm 2020 (chưa loại trừ yếu tố giá). Trong đó, giá trị tăng thêm (VA) khu vực dịch vụ tăng 1.722 tỷ đồng; VA khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 60,4 tỷ đồng; VA khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 34,5 tỷ đồng; riêng lĩnh vực công nghiệp thu hẹp 94,5 tỷ đồng và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,7 tỷ đồng so với năm 2020.
Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,21%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,72%; khu vực. dịch vụ chiếm 67,02%; thuế sản phẩm chiếm 10,05%.
Nhìn chung, cơ cấu nền kinh tế năm 2021 có sự dịch chuyển nhẹ so với năm 2020, với sự thu hẹp quy mô của lĩnh vực công nghiệp đã làm cho tỷ trọng công nghiệp giảm từ 15,17% trong năm 2020 xuống còn 14,82% năm 2021. Đồng thời việc mở rộng quy mô khu vực dịch vụ đã làm tỷ trọng khu vực này tăng từ 66,54% trong năm 2020 lên 67,02% năm 2021.
Khó giữ vị trí dẫn đầu miền Trung về GRDP bình quân đầu người
Với kết quả trên, năm 2021, quy mô GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 17/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, giảm 1 bậc so với năm 2020 và chiếm khoảng 1,24% GDP của cả nước (năm 2020 Đà Nẵng xếp thứ 16/63 tỉnh, TP về quy mô GRDP và chiếm 1,28% GDP của cả nước). Nếu xét trong khối 5 TP trực thuộc Trung ương thì quy mô GRDP của Đà Nẵng vẫn còn khá khiêm tốn, chiếm khoảng 3,66% tổng GRDP của cả khối và chỉ cao hơn Cần Thơ.
Riêng về xét trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng vẫn tiếp tục là địa phương dẫn đầu về quy mô GRDP trong năm 2021, chiếm 22,92% tổng GRDP của toàn khu vực. Xét trong cả vùng Duyên hải miền Trung (bao gồm 14 tỉnh, TP từ Thanh Hóa đến Bình Thuận), quy mô GRDP của Đà Nẵng chiếm 8,40% tổng GRDP của cả vùng và xếp thứ 3, sau tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Đáng chú ý, Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, tốc độ phát triển dân số trung bình của Đà Nẵng năm 2021 so với năm 2020 là 2,22%, cao hơn tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Vì vậy năm 2021 là năm thứ hai từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, GRDP bình quân đầu người của Đà Nẵng có xu hướng giảm.
Cụ thể, GRDP bình quân đầu người của TP Đà Nẵng tính theo giá hiện hành năm 2021 ước đạt 87,87 triệu đồng (năm 2020 đạt 88,3 triệu đồng), tương đương 3.753 USD; tính theo giá so sánh 2010, GRDP bình quân đầu người năm 2021 giảm 2,0% so với năm 2020. Trong khi đó, GRDP bình quân đầu người năm 2021/2020 của Thừa Thiên Huế là 50,5/48,5; Quảng Nam 67,4/64,2; Quảng Ngãi 78,3/69,3; Bình Định 63,2/60,4.
Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ nhấn mạnh: “Kết quả tính toán cho thấy, năm 2021, GRDP bình quân đầu người của Đà Nẵng tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 4 trong khối 5 TP trực thuộc Trung ương và tiếp tục dẫn đầu so với 14 tỉnh thuộc Vùng duyên hải miền Trung.
Tuy nhiên, GRDP bình quân đầu người của Đà Nẵng có xu hướng giảm liên tục trong 2 năm 2020- 2021, trong khi GRDP bình quân đầu người của các tỉnh trong Vùng luôn tăng lên (trừ Khánh Hòa). Điều này cho thấy, nếu nền kinh tế TP không sớm phục hồi thì vị trí dẫn đầu này sẽ khó trụ được trong những năm tiếp theo!”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi