Xã hội

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng: Càng học lên tới thạc sĩ càng kiếm việc hoài không ra

DNVN - Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ nhận định hiện nay trên địa bàn TP rất nhiều trường hợp học xong đại học không tìm được việc làm mong muốn nên lại đi học tiếp nhờ “nhà có điều kiện”. Nhưng càng học cao lên tới thạc sĩ thì lại càng khó kiếm được việc làm phù hợp.

Đà Nẵng: Không có tàu thuyền nào đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của siêu bão RAI / Đà Nẵng: Chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu F0 chưa tiêm vaccine do chưa được tổ chức tiêm

Học xong thạc sĩ vẫn... thất nghiệp

Như tin đã đưa, tại cuộc họp báo sáng 30/12 công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội trên địa bàn TP năm 2021, Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, năm 2020 tỷ lệ thất nghiệp ở Đà Nẵng là 9,41%, cao nhất toàn quốc. Năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp bình quân chung của cả nước khoảng 3,3 – 3,4% nhưng Đà Nẵng vẫn lên tới 8,76%, cũng trong tốp dẫn đầu cả nước.

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ phát biểu tại buổi họp báo sáng 30/12 công bố số liệu kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng năm 2021

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ phát biểu tại buổi họp báo sáng 30/12 công bố số liệu kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng năm 2021

Giải thích thêm về tỷ lệ thất nghiệp cao tại Đà Nẵng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Trần Văn Vũ cho hay, qua nhiều năm điều tra, Cục Thống kê Đà Nẵng ghi nhận có nhiều nguyên nhân. Trước hết, qua rà soát cho thấy có tình trạng thất nghiệp của lực lượng lao động là con em một số gia đình có điều kiện kinh tế.

Ông Trần Văn Vũ nêu ví dụ hai con của mình học xong đại học chưa có việc làm, hoặc kiếm được việc làm nhưng không vừa ý nên đi học tiếp. Học xong thạc sĩ thì lại càng khó kiếm việc hơn.

“Càng học cao càng kiếm việc hoài không ra. Như vậy (tình trạng thất nghiệp – PV) có nguyên nhân từ thành phần mà chúng tôi tìm hiểu là tìm việc theo nhu cầu của mình, những việc khác thì không làm được hoặc không chịu làm, không tiếp cận được công việc. Lại cho đi học tiếp, học ra rồi bằng cấp càng cao thì nhu cầu càng cao, mong muốn công việc càng cao…, nên học xong thạc sĩ vẫn thất nghiệp như thường. Như vậy học càng cao tỷ lệ thất nghiệp càng tăng lên là nhằm vào nhóm đối tượng thạc sĩ này”, ông Trần Văn Vũ nói.

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng chia sẻ, qua điều tra thực tế mới phát hiện ra tình trạng “học càng cao càng thất nghiệp”, chứ không phải thất nghiệp chỉ nằm trong nhóm đối tượng lao động phổ thông. Ông cũng nói thêm: “Những năm trước gần như 80% trên địa bàn Đà Nẵng có công trình thì tỷ lệ thất nghiệp và đối tượng thất nghiệp khi đó khác; còn những năm bình bình như thế này thì tỷ lệ thất nghiệp cao và những em có trình độ từ thạc sĩ trở lên bắt đầu có tỷ lệ thất nghiệp nhiều”.

“Lực lượng” thất nghiệp từ sinh viên ra trường không chịu về lại địa phương

Thêm một đặc điểm của Đà Nẵng là tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng thu hút số lượng lớn sinh viên từ các tỉnh, thành miền Trung đến học. Qua rà soát cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở các địa phương miền Trung đều tương đối cao, khó thu hút lao động và khó tìm kiếm việc làm. Vì vậy có tình trạng sau khi học xong đại học, cao đẳng ở Đà Nẵng thì phần lớn các sinh viên này không trở về địa phương mà vẫn ở lại trên địa bàn TP.

“Khi tính nhân khẩu thực tế thường trú trên địa bàn từ 6 tháng trở lên trong quá trình điều tra lao động – việc làm thì có rất nhiều trường hợp học xong đã 2 – 3 năm vẫn ở lại Đà Nẵng chứ không chịu trở về. Số lượng này rất lớn, và nằm trong khu vực không có việc làm khi chúng tôi tiến hành điều tra”, ông Trần Văn Vũ cho hay.

Yếu tố thứ ba cũng ảnh hưởng đến việc ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước, theo ông Trần Văn Vũ là có sự thay đổi phương pháp luận trong công tác điều tra lao động – việc làm. Trước đây sử dụng phương pháp luận của Tổ chức Lao động quốc tế ILO năm 1982, còn hiện nay sử dụng phương pháp luận của ILO năm 2013, dẫn tới đối tượng điều tra có một số sự điều chỉnh.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng: Thiếu vẫn thiếu nhưng thừa vẫn thừa do mất cân đối cung - cầu lao động

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng Nguyễn Văn An: Thiếu vẫn thiếu nhưng thừa vẫn thừa do mất cân đối cung - cầu lao động

Tuy nhiên việc thay đổi phương pháp luận là chung của cả nước, còn 2 đặc thù của Đà Nẵng là tập trung nhiều trường đại học, sinh viên học xong ở lại trên địa bàn chứ không chịu trở về. Tỷ lệ thất nghiệp cao ở khu vực này là hiển nhiên. Thứ hai là do điều kiện của mỗi gia đình, có một bộ phận lực lượng lao động ở Đà Nẵng có nhu cầu công việc khác với thực tế nên chưa muốn đi làm.

“Hai đặc thù này chiếm tỷ trọng rất lớn trong tỷ lệ thất nghiệp tại Đà Nẵng hiện nay, chúng tôi đã khuyến cáo chính quyền TP rất nhiều, tuy nhiên cũng khó xử lý. Bởi vì, với lực lượng lao động thất nghiệp là người dân tại chỗ thì còn có thể tính toán, chứ còn lực lượng từ các tỉnh khác dồn về thì rất khó giải quyết. Đây cũng là tình hình chung đối với nhiều TP lớn”, ông Trần Văn Vũ nói.

Thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa do mất cân đối cung – cầu lao động

Tham gia ý kiến tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết thêm, do ảnh hưởng dịch COVID-19, năm 2020 trên địa bàn TP có 932 doanh nghiệp làm hồ sơ giải thể; năm 2021 theo số liệu công bố thì có 690 doanh nghiệp giải thể và 2.711 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Hiện nay bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, nhiều doanh nghiệp đang đăng ký hoạt động trở lại, nhưng việc tuyển dụng lao động gặp nhiều khó khăn.

“Hiện nay một số doanh nghiệp nhiều lần thông báo tuyển dụng lao động nhưng vẫn đang thiếu. Theo Cục Thống kê Đà Nẵng thì tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn năm 2021 là 8,76%. Thất nghiệp là như thế nhưng hiện nay giữa cung và cầu lao động vẫn mất cân đối. Hiện một số doanh nghiệp đã nhiều lần thông báo tuyển dụng lao động nhưng vẫn đang thiếu”, ông Nguyễn Văn An nói.

Ông cho biết, một số doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng rất lớn, trên 5.000 lao đông thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, tuy nhiên không đáp ứng được giữa người sử dụng lao động và người lao động, bởi vì trình độ khác nhau, nghề nghiệp khác nhau và nhiều lĩnh vực khác nhau… Do vậy hiện nay thiếu vẫn thiếu mà thừa vẫn thừa.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cũng nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động có kỹ năng, có chất lượng cao trên địa bàn nhưng không có. Một số trường hợp lao động chất lượng cao ở lĩnh vực này nhưng không đáp ứng được chất lượng cao ở lĩnh vực khác. Cho nên mất cân đối giữa cung – cầu lao động đang tiếp tục là vấn đề nan giải hiện nay.

Trước tình hình này, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ cho biết sắp tới sẽ cùng Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng tham mưu lãnh đạo TP tính toán xây dựng “Quỹ lao động” theo Thông tư số 15 và số 01 của Bộ LĐ-TB&XH. “Quỹ lao động” này không phải là số tiền mà là con người lao động để giải quyết lao động và việc làm.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm