Thị trường

Dệt may gỡ vướng để vượt khó

Cùng với tình trạng thiếu đơn hàng, thách thức cạnh tranh lao động, vốn và chi phí sản xuất gia tăng đang hiện hữu trong các doanh nghiệp, khiến ngành dệt may lỗi hẹn mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD.

Dệt may gặp khó vì đơn hàng bị 'chia nhỏ' / IFC giúp các DN dệt may Việt Nam tiết kiệm 30 triệu USD/năm

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) ban đầu được kỳ vọng sẽ có tác động mạnh nhưng thực tế vẫn chưa mang đến nhiều lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) Việt Nam. Trong khi đó, những bất lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến sức mua của các nhà sản xuất giảm, XK sợi sang Trung Quốc cũng giảm theo.

Khó cán đích như kỳ vọng

Theo báo cáo tổng kết của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2019, mặc dù chịu tác động rất lớn của tình hình suy giảm kinh tế thế giới do biến động chính trị và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung, ngành dệt may Việt Nam về đích với tổng kim ngạch XK đạt 39 tỷ USD, hụt hơi so với mục tiêu khoảng 1 tỷ USD.

Kết quả 39 tỷ USD tương đương với mức tăng trưởng 7,55% so với năm 2018, được cho là ấn tượng trong bối cảnh giá XK giảm ở một số thị trường chủ lực.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu dệt may cả năm 2019 ước đạt 22,38 tỷ USD, tăng 2,21%. Giá trị nhập khẩu phục vụ cho XK đạt 19,26 tỷ USD, tăng 4,96%. Giá trị nội địa tăng thêm (thặng dư thương mại) của hàng hóa dệt may XK đạt 19,73 tỷ USD, tăng 10,19%; xuất siêu 16,62 tỷ USD, tăng 2,25 tỷ USD.

Về thị trường XK, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 38,97% tổng kim ngạch XK; EU đạt 4,4 tỷ USD, tăng 2,23%, chiếm tỷ trọng 11,28%; Trung Quốc đạt 4,25 tỷ USD, tăng 7,05%, chiếm tỷ trọng 10,9%; Nhật Bản đạt 4,2 tỷ USD, tăng 4,79%, chiếm tỷ trọng 10,77%; Hàn Quốc đạt 4 tỷ USD, tăng 4,42%, chiếm tỷ trọng 10,26%; ASEAN đạt 2,1 tỷ USD, tăng 7,75 tỷ USD, chiếm 5,38%...

Nhìn nhận về sự phát triển của ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, nhấn mạnh: “20 năm qua, ngành dệt may Việt Nam ghi nhận những dấu mốc ấn tượng. Cụ thể, từ chỗ ngành dệt may chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, kim ngạch XK rất nhỏ bé so với Thái Lan, Indonesia, Philippines…, đến nay dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí cường quốc XK thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh”.

Thị trường hàng dệt may nội địa đã tăng từ trên 300 triệu USD lên khoảng 4,5 tỷ USD. Thặng dự thương mại năm 2019 đạt 17,7 tỷ USD, tăng 106,5 lần so với 185 triệu USD của năm 1999.

Mặc dù vậy, trong năm nay, tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp nhiều khó khăn vì thị trường XK chủ lực là Trung Quốc cắt giảm lượng nhập hàng.

Các mặt hàng may mặc trong tình trạng sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng, nhiều DN lớn trong ngành chỉ ký được các đơn hàng số lượng nhỏ thay vì số lượng lớn như những năm trước.

Tình trạng khan hiếm đơn hàng xảy ra ở nhiều DN khiến Vitas lo ngại mục tiêu XK đạt 40 tỷ USD trong năm 2019 khó có thể đạt được.

Ông Vũ Đức Giang cho hay tình trạng khan hiếm đơn hàng diễn ra khá phổ biến, số lượng đơn hàng của một số DN đến thời điểm này mới chỉ bằng khoảng 2/3 so với cùng kỳ năm 2018.

Nguyên nhân bên cạnh yếu tố thị trường còn do yêu cầu của khách hàng ngày càng cao và áp lực giảm giá, trong khi các rào cản thương mại như: thuế nhập khẩu, kiểm định chất lượng vẫn là một trở ngại lớn với các DN Việt Nam. Cùng với đó, những bất lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến sức mua của các nhà sản xuất giảm, XK sợi sang Trung Quốc cũng giảm theo.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thông thường quý IV của năm trước, nhiều DN XK dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau đó nhưng đơn hàng năm nay dè dặt hơn, giảm so với năm 2018. Lượng đơn hàng của nhiều DN mới chỉ bằng 80% so với cùng kỳ.

Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7,55%

Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7,55%

Tìm hướng lâu dài

Không chỉ vậy, nhiều DN không nhận được đơn hàng dài hạn, thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý. Tâm lý chung của người mua đều lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ leo thang, nên các đơn hàng bị chia nhỏ thay vì đặt số lượng lớn như trước.

Ông Lương Vũ Ngọc Duy, Giám đốc công ty Dệt sợi Zara, cho biết tại Việt Nam chỉ có khoảng hơn 100 nhà máy sợi hoạt động nhưng hầu hết đang đối mặt với tình trạng khó khăn này. Trong trường hợp khách hàng yêu cầu đơn hàng ngắn một tháng cũng phải chấp nhận để lấy ngắn nuôi dài. Dệt sợi Zara hiện XK sang 3 thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nhưng thị trường Trung Quốc là lớn nhất.

“Nhiều người cứ nói tìm thị trường khác thay thế Trung Quốc nhưng với Dệt sợi Zara, một đơn hàng của Trung Quốc cũng đã đủ công suất cho cả nhà máy, còn đơn hàng đi Nhật và Hàn không nhiều”, ông Duy chia sẻ.

 

Các DN đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh từ các cường quốc dệt may Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... đang rất khốc liệt. Nhiều nước đang tập trung hỗ trợ ngành dệt may, trong đó có cả những quốc gia mới nổi ở khu vực châu Phi khiến số lượng nhà sản xuất tăng mạnh, đơn hàng bị san sẻ.

Thị trường sợi cũng gặp nhiều khó khăn, sự cạnh tranh về đơn hàng từ các DN sợi có vốn đầu tư nước ngoài cũng như cạnh tranh từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan ngày càng gay gắt.

Theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, để phù hợp với những biến động thị trường, DN dệt may thời gian tới cần thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp. Những tháng cuối năm, bên cạnh việc tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm sản xuất, DN cần chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA. Ngoài ra, DN cũng phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững để thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang -Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI)

 

Quan trọng hơn cả chính là các DN ngành dệt may phải chủ động tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA và CPTPP, xúc tiến mở rộng thị phần tại một số thị trường trong khối EU. Trong đó, đáng lưu ý nhất là hai thị trường tiềm năng Canada và Úc, đặc biệt Việt Nam hiện chưa ký FTA với Canada nên CPTPP là cánh cửa giúp dệt may Việt Nam chiếm lĩnh thị trường này. Do đó, các DN cần nắm bắt thời cơ, chủ động tìm kiếm đối tác nhập khẩu từ Canada.

Ông Phạm Xuân Hồng -Chủ tịch Hiệp hội Dệt mayThêu đan Tp.HCM

Dù còn nhiều khó khăn, dự báo ngành dệt may trong năm 2020 sẽ tăng trưởng ít nhất khoảng 10% so với năm 2019 và nhiều DN hiện đã đàm phán xong đơn hàng cho các tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, để đạt được lợi nhuận cũng như giữ chân người lao động vẫn là bài toán khó của đa số DN trong năm tới.

Ths. Lê Thị Kiều Oanh -Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Tp.HCM

Vitas và các DN sản xuất phải nâng cao giá trị chuỗi cung ứng của mình. Việc lách qua các rào cản chỉ là một biện pháp mang tính tạm thời, vì trong tương lai, chúng ta còn có tham vọng nâng tầm vị thế XK sang nhiều quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang gặp bất ổn, Trung Quốc cũng đang phải gồng mình để giữ vững vị thế số 1 về XK hàng dệt may và may mặc. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các DN dệt may, may mặc hiện nay cần phải gia tăng vào nguồn nguyên liệu thượng nguồn như sợi, vải, các khâu cắt may.

 


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm