Thị trường

Dịch tả lợn châu Phi: Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà khi tham gia EVFTA và CPTPP

DNVN - Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU EVFTA và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thịt lợn bên ngoài thâm nhập sâu rộng vào nước ta. Do đó, Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà nếu không tích cực vào cuộc phòng, chống và sớm khống chế dịch tả lợn.

Nhiều tín hiệu vui cho xuất khẩu cá tra Việt Nam / Xuất khẩu gạo của Việt Nam phải tính chuyện đường dài

Tại cuộc họp bàn giải pháp sử dụng vắc-xin, chế phẩm sinh học phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi sáng 02/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết: Từ trước khi xuất hiện dịch và cả cho đến bây giờ, cả hệ thống chính trị, cả ngành nông nghiệp và toàn bộ các thành phần kinh tế đã cùng vào cuộc chống bệnh dịch tả lợn châu Phi hết sức quyết liệt.
Tuy nhiên, nguy cơ bệnh dịch vẫn tiếp tục xảy ra, đe doạ tới ngành chăn nuôi. Khi dịch xảy ra, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đã được ngành nông nghiệp đặt lên hàng đầu, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu vắc-xin. Một số ý kiến cho rằng đặt ra nhiệm vụ này là bất khả thi trong bối cảnh thế giới gần 100 năm qua chưa nghiên cứu được vắc-xin, nhưng chúng ta vẫn quyết tâm làm và đến nay đã đạt được kết quả ban đầu tích cực. Theo đó, các nhóm nghiên cứu đã đưa ra được kết quả nhất định, phân lập được virus làm tiền đề cho nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong thời gian tới.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu: Hiện nay học viện đang thực hiện 7 đề tài nghiên cứu do Bộ NN&PTNT giao, cùng với 7 đề tài nghiên cứu khác do học viện chủ động thực hiện. Trong đó, đề tài nghiên cứu vắc-xin vô hoạt thế hệ mới đã bước đầu đạt thành công trong phòng thí nghiệm.
Ông Trần Xuân Hạnh - đại diện Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương Navetco cho biết, nếu vắc-xin nghiên cứu thành công, chắc chắn công ty sản xuất được. Hiện công ty cũng đang nghiên cứu nhiều nhóm giải pháp khác nhau, thử nghiệm trên đàn lợn bước đầu cho thấy những kết quả rất triển vọng và khoảng 1 tháng nữa sẽ có kết quả cụ thể hơn. Navetco sẽ làm thử vắc-xin chết để tiêm cho lợn, đồng thời tiếp tục nghiên cứu chọn dòng tế bào để phân lập virus phục vụ cho nghiên cứu và sản xuất vắc-xin về sau này.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng đã thông tin bước đầu việc sử dụng chế phẩm sinh học có lợi bổ sung trong thức ăn chăn nuôi và các biện pháp an toàn sinh học. Đánh giá của một số mô hình áp dụng chế phẩm vi sinh có lợi (probiotic) kết hợp với các biện pháp an toàn sinh học cho thấy, việc sử dụng tổng thể giải pháp kép trên đang mang lại hiệu quả tích cực trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, có điều đáng mừng là cố gắng chung của toàn ngành NN&PTNT, đặc biệt là sự vào cuộc các tổ chức, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các nhà khoa học… Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ NN&PTNT cho rằng, việc Việt Nam tham gia EVFTA và CPTPP sẽ khiến thịt lợn bên ngoài thâm nhập sâu rộng vào Việt Nam. Do đó, Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà nếu không tích cực vào cuộc phòng, chống và sớm khống chế dịch tả lợn.
Liên quan đến hướng sản xuất vắc-xin, Bộ trưởng đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam đẩy nhanh nhất tiến độ thực hiện.
“Thành công trong quy mô phòng thí nghiệm chỉ là bước đầu, ra được vắc-xin thương mại lại là vấn đề khác. Do đó, các đơn vị không được chủ quan”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng khuyến nghị, phương thức tiếp cận sản xuất vắc-xin cần theo hướng sáng tạo nhất, không đi theo lối mòn. Ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, chăn nuôi nói riêng định hướng đi theo phát triển nông sản đặc sản. Do đó, việc bảo tồn các nguồn lợi gien lợn khoẻ mạnh trong dịch bệnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
An toàn sinh học và chế phẩm vi sinh là vũ khí “kép”, cũng là duy nhất hiện nay có hiệu quả đối với công tác phòng, chống dịch tả lợn. Trong việc áp dụng song hành hai giải pháp trên, cần lưu ý có giải pháp phù hợp, chi tiết cho cả chăn nuôi nhỏ và chăn nuôi lớn.
Minh Thu (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm