Thị trường

EVFTA và IPA: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng DNNVV

DNVN - Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, sau khi Việt Nam - EU ký kết Hiệp định EVFTA và IPA, để đạt được mục tiêu tạo động lực cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV vốn là chủ thể lớn của nền kinh tế.

Việt Nam lựa chọn phát triển bền vững sẽ thu hút dòng đầu tư chất lượng cao / Ký kết EVFTA và IPA: Chính thức mở ra "cao tốc kinh tế" cho Việt Nam - EU

Tại Đối thoại về Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu: Cơ hội cho doanh nghiệp sáng 01/7, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, EVFTA và IPA là hai hiệp định tốt nhất và tham vọng nhất mà EU ký kết với Việt Nam. Theo đó, phạm vi không chỉ dừng lại ở các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mà còn điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác như mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm của các cơ quan Chính phủ; thương mại điện tử; quyền sở hữu trí tuệ; doanh nghiệp nhà nước và phát triển bền vững.
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, mục tiêu cao nhất của Việt Nam khi kí kết hai hiệp định này là hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân phát triển bền vững trong thời gian tới.
Các đại biểu phát biểu tại sự kiện.

Các đại biểu phát biểu tại sự kiện.

Chính phủ Việt Nam xác định hai hiệp định này đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ sẽ cùng các đối tác của EU và các quốc gia thành viên EU phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp xúc tiến các chương trình, hoạt động đưa hiệp định vào thực thi sau khi hiệp định được Quốc hội và EU phê chuẩn vào cuối năm nay.
Việt Nam và EU sẽ có những chương trình cụ thể trong việc phối hợp triển khai thực hiện kịp thời, tăng cường năng lực của thể chế, tạo ra tương tác và thúc đẩy mối quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư, qua đó tạo động lực cho phát triển phồn vinh của Việt Nam, EU và mỗi quốc gia thành viên của EU.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là chủ thể lớn của nền kinh tế.
Hoan nghênh việc Việt Nam - EU ký kết thỏa thuận EVFTA và IPA vào chiều 30/6, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom khẳng định, đây là bước tiến quan trọng, đánh dấu cột mốc quan trọng trong mối quan hệ hai bên.
"Chúng ta đang đứng trước cơ hội gắn kết nhiều hơn nữa. Tôi mong muốn hai bên sẽ sớm phê chuẩn các hiệp định này. Càng phê chuẩn sớm, chúng ta càng sớm hưởng được các lợi ích do cao nhất do hiệp định mang lại”, bà Cecilia Malmstrom nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo bà Cecilia Malmstrom, khi hiệp định có hiệu lực, một số doanh nghiệp có thể gặp khó khăn ban đầu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng theo lộ trình, doanh nghiệp cả hai bên sẽ thích ứng và tận dụng được cơ hội do EVAFTA mang lại.
EVFTA và IPA thực sự là những hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Cao ủy Thương mại EU cho rằng, nếu Việt Nam tận dụng được một cách hiệu quả thì hiệp định này sẽ giúp tạo cơ sở vững chắc cho việc củng cố và phát triển quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu lên một tầm cao mới, đem lại lợi ích thiết thực và to lớn cho doanh nghiệp và người dân của cả hai bên.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, EVFTA và IPA là hai hiệp định tốt nhất với cả hai nghĩa "tự do cao nhất" và "công bằng nhất". Đây là hai từ quan trọng nhất trong thương mại thế giới.
Theo ông Lộc, dù đứng trước nhiều cơ hội, nhưng các DN Việt Nam phải nỗ lực vượt qua được 4 thách thức lớn, đó là nguồn gốc xuất xứ; rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ; chi phí tuân thủ và hiểu cam kết.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, kinh tế Việt Nam, EVFTA và IPA với những tiêu chuẩn cao nhất sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách thứ 2 ở Việt Nam. Đây sẽ là một trong những viên gạch đầu tiên, góp sức vào việc xây dựng thể chế ở nước ta.
Thay mặt cộng đồng DN, ông Lộc bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam, EU và từng nước thành viên EU tiếp tục có những hành động thực chất và cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền hai bên sớm phê chuẩn EVFTA và IPA, qua đó chính thức cho phép cộng đồng doanh nghiệp hai bên hiện thực hóa những kỳ vọng to lớn từ 2 hiệp định này.
Bộ Công Thương và các hiệp hội doanh nghiệp đã có các hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng còn hạn chế, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do vậy, Việt Nam mong muốn được EU hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận được các cơ hội nhiều nhất từ EVFTA và IPA.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm