Thị trường

Doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn chồng chất

DNVN - Các doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp sản xuất bông kéo sợi, vải nguyên liệu gặp khó khăn “chồng chất” trong bối cảnh tổng cầu thế giới vẫn trên đà suy giảm.

Dệt may Việt Nam vượt khó "chuyển mình" ấn tượng / Dệt may Việt Nam đối diện nhiều thách thức trong năm 2022

Bán tài sản, nhận đơn hàng không phải thế mạnh

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 44 tỷ USD, mặc dù tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Thế nhưng, con số này kém xa so với mục tiêu đã đề ra là 47 tỷ USD.

Năm 2023, ngành dệt may tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 46 tỷ - 47 tỷ USD. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may mới chỉ đạt 18,93 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Để “cán đích” thành công, trong 5 tháng còn lại của năm 2023, ngành dệt may phải đạt kim ngạch hơn 27 tỷ USD, đây là con số rất khó thực hiện. Bởi lẽ, tổng cầu dệt may thế giới vẫn đang trên đà suy giảm.

Đó là chưa kể đến Việt Nam đang bị đi chậm so với đối thủ trên thế giới như Bangladesh hay Trung Quốc về sản xuất may mặc theo xu hướng bền vững, bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp ngành dệt may gặp khó khăn “chồng chất”.

Theo báo cáo của công ty cung cấp thông tin chuyên sâu về các ngành kinh tế và các doanh nghiệp hoạt động tại thị trường Việt Nam (VIRAC), Bangladesh (một quốc gia từng “đi sau” Việt Nam trên thị trường dệt may) đang làm hàng liên tục, “không kịp nghỉ”. Trong khi Việt Nam bị tình trạng thiếu đơn hàng.

Một trong những lý do lớn về sự vượt trước của Bangladesh là do nước này đang dẫn đầu xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành may mặc toàn cầu.

Đặc biệt, công nhân tại các nhà máy tại Bangladesh còn được cung cấp bữa ăn miễn phí cùng mức lương tương xứng với công sức lao động trong thời điểm kinh tế khó khăn. Điều này được cho là một nỗ lực tích cực đáng kể trong ngành công nghiệp dệt may trên toàn thế giới.

Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), sự cạnh tranh để có đơn hàng ngày càng quyết liệt buộc nhiều doanh nghiệp phải nhận đơn hàng không phải thế mạnh của mình để duy trì hoạt động.

Thậm chí, có doanh nghiệp phải bán một phần tài sản để trang trải, duy trì hoạt động.

Ông Nguyễn Anh Toàn - Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) thừa nhận, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất bông kéo sợi, vải nguyên liệu đang rất khó khăn, do kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm mạnh.

“Ở thời hiện tại, các doanh nghiệp bắt đầu có những đơn hàng mới và trở lại đường đua. Thế nhưng, trong suốt giai đoạn từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023, chúng tôi rất khó khăn, lại “chồng chất” khó khăn”, ông Toàn nói.

Mong Chính phủ hỗ trợ giảm các chi phí

Trước tình cảnh này, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, VITAS mong muốn Chính phủ khởi động lại chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.

Cụ thể, tiếp tục có hỗ trợ đối với doanh nghiệp như có chính sách cho vay với lãi suất 0% để trả lương, hỗ trợ tiền nhà cho người lao động.

Đồng thời, VITAS đề nghị giãn, hoãn đóng phí công đoàn; có cơ chế thuận lợi hơn để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi, tiếp tục giảm lãi suất cho vay...

Về lâu dài, VITAS cho rằng bản thân doanh nghiệp phải đẩy nhanh tốc độ xanh hóa-số hóa để tìm kiếm đơn hàng. Các doanh nghiệp dệt may bắt buộc phải chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu.

Doanh nghiệp ngành dệt may mong Chính phủ hỗ trợ giảm các chi phí.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không thể diễn ra trong một sớm một chiều, mà phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trong đó, có yếu tố nguồn lực và con người. Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ những điều kiện cụ thể để có bước đi phù hợp.

Cùng chung mong muốn được Chính phủ “gỡ khó”, VCOSA đã có nhiều công văn kiến nghị, gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc giảm các chi phí vô lý ở các cảng biển tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh.

Chủ tịch VCOSA dẫn chứng: Riêng tại các cảng tại Hải Phòng, chi phí bốc dỡ 1 container khoảng 2,5 triệu đồng, đây là chi phí rất cao. Chi phí này còn cao hơn nhiều so với cước vận tải từ một số nước Đông Nam Á về Việt Nam và ngược lại. Đây là một khoản phí rất vô lý.

“Khi nào ngành dệt may hồi phục các đơn hàng xuất khẩu, lúc đó ngành bông sợi mới hoạt động hết công suất trở lại. Hy vọng hết năm 2023, sang năm 2024, ngành dệt may, cũng như ngành bông sợi sẽ hoạt động ổn định trở lại ở mức chấp nhận được.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, chúng tôi mong cơ quan chức năng có thể hiểu được khó khăn của doanh nghiệp bông sợi, từ đó hỗ trợ giảm các chi phí, nhất là phí cảng biển”, ông Toàn kiến nghị.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm