EVFTA: Sức ép cạnh tranh với DN tại thị trường trong nước và EU
DNVN - Với việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết và sắp tới có hiệu lực, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh cả tại thị trường trong nước và thị trường EU.
EVFTA tác động thế nào đến "nồi cơm" của người dân Việt? / EVFTA và EVIPA - “Chất xúc tác” giúp Việt Nam hút vốn FDI
Về sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho rằng, năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, khả hấp thụ công nghệ còn hạn chế, thường gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy tác động lan tỏa về năng suất, công nghệ khi thu hút đầu tư từ EU.
Việc mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, tạo cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường Việt Nam. Điều này sẽ đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép cạnh tranh lớn hơn ngay tại thị trường trong nước.
Tuy nhiên, Vụ Kế hoạch nhận định, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn. Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, nên EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Đánh giá về sức ép cạnh tranh tại thị trường EU, Vụ Kế hoạch nêu 4 sức ép lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Thứ nhất, doanh nghiệp có thể gặp phải khó khăn khi đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA. Để hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA thì nguyên liệu phải có xuất xứ tại EU và/hoặc Việt Nam theo một tỷ lệ nhất định. Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN.
Thứ hai, EU là một thị trường có yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... Do đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện chất lượng hàng hóa để có thể tiếp cận được với thị trường tại EU.
Thứ ba, EU cũng là một trong những thị trường có “truyền thống” sử dụng các công cụ, biện pháp như chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. Do đó, nguy cơ về việc các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là khá lớn.
Thứ tư, trong Hiệp định EVFTA, hai bên cam kết theo đổi phát triển bền vững, bao gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là những vấn đề mà EU rất quan tâm, do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý tới những cam kết này.
Những thách thức nêu trên đòi hỏi Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải thực hiện những giải pháp đồng bộ, toàn diện để có thể phát huy tối đa những lợi ích từ Hiệp định EVFTA cũng như EVIPA.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo