FDI dự báo không giảm mạnh nhưng cần thay đổi cách triển khai để hút vốn
Tăng đầu ra cho nông sản trên nền tảng ứng dụng công nghệ / Mở đường thoát cho ‘vựa trái cây’ miền Tây
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), trong 8 tháng năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký đạt mức 19,5 tỷ USD, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn FDI đăng ký giảm mạnh trong tháng 8/2020 xuống còn khoảng 720 triệu USD so với 3,1 tỷ USD vào tháng 7/2020.
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KHĐT cho hay: Theo đánh giá của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư của thế giới năm 2020 có thể suy giảm tới 40%. Các nền kinh tế thế giới giảm sâu, thậm chí là âm. Trong khi ở Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2020, tổng vốn FDI đạt gần 20 tỷ USD, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm thấp hơn nhiều so với thế giới và các nước trong khu vực.
“Trong đó tính đến ngày 20/8, riêng vốn thực hiện đạt 11,3 tỷ USD, chỉ giảm 5,1% so với cùng kỳ ngoái. Đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực ĐTNN cũng chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu đạt 113,3 tỷ USD, giảm 4,5%; nhập khẩu đạt 90,7 tỷ USD, giảm 5,3%. Điều này chứng tỏ mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng khối doanh nghiệp ĐTNN vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối tốt, không bị suy giảm quá nhiều”, ông Đỗ Nhất Hoàng nói.
Các con số trên thể hiện Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt việc cải thiện môi trường đầu tư trong những năm qua; đồng thời đã và đang thực hiện có hiệu quả mục tiêp kép: Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế rất quan tâm đến Việt Nam nhưng do COVID-19 nên các bên đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến và các kênh khác để trao đổi, tìm hiểu thông tin về Việt Nam.
Theo hầu hết các chuyên gia kinh tế, sự sụt giảm này hoàn toàn có thể hiểu được trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 và trước đó là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến dòng vốn FDI toàn cầu sụt giảm với dự báo có khả năng giảm tới 40% năm nay. Trong nhận định mới nhất, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam tin tưởng, mặc dù FDI có chững lại và sụt giảm nhẹ nhưng Việt Nam vẫn sẽ là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài.
“So với các nước trong khu vực, kinh tế Việt Nam vẫn có sức chống chịu tốt trong năm 2020 và có tiềm năng phục hồi mạnh trở lại trong 2021. Triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn tích cực bởi tất cả những nền tảng của nền kinh tế, từ KTVM đến tiềm năng tăng trưởng vẫn được duy trì ổn định. Đặc biệt với lợi thế cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng đang có, Việt Nam tiếp tục sẽ được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của chuỗi giá trị đến các quốc gia có chi phí thấp hơn”, ông Nguyễn Minh Cường nói.
Theo TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), sở dĩ vốn FDI vào Việt Nam vừa qua chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái vì đại dịch COVID-19 tác động 2 chiều đến Việt Nam. Một mặt, kinh tế thế giới đang đối diện với suy thoái trầm trọng nhất trong nhiều năm vì đại dịch COVID-19 khiến xu hướng chung là dòng vốn FDI trên toàn thế giới giảm và tác động tiêu cực đến dòng vốn vào Việt Nam.
Nhưng mặt khác, đại dịch COVID-19, trước đó là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng cũng khiến các doanh nghiệp FDI của các nước lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… càng nhận thấy việc tập trung và phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng hiện tại - nằm và phụ thuộc rất nhiều ở Trung Quốc - là một rủi ro nên buộc họ phải đẩy mạnh dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các khu vực khác, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, theo TS Lê Quốc Phương, những mặt trái, hệ lụy của FDI đã được nhận diện về mặt chính sách và chủ trương của Việt Nam là hướng đến thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, có tính lan tỏa tốt để tăng nội lực trong nước. Tuy nhiên, giữa định hướng, chủ trương và thực tế triển khai thì vẫn còn khoảng cách rất lớn. “Vẫn còn tình trạng chạy theo số lượng và tỉnh nào cũng đua nhau để thu hút FDI”, TS Lê Quốc Phương nói.
“Thu hút được một dự án FDI thì tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thu ngân sách của tỉnh đó tăng lên, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên nhưng mà thực tế trong số ấy thì FDI mang về nước họ là chính và xét cho cùng thì lợi ích đối với nền kinh tế không được bao nhiêu, tính lan tỏa gần như bằng 0, khiến một trong những mục tiêu chính trong thu hút FDI vào là để phát triển doanh nghiệp trong nước thì không thúc đẩy là bao”, TS Phương nói.
Ông Nguyễn Đình Cung,nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay:Các nhà đầu tư muốn đầu tư vào Việt Nam đều mong chính sách, luật pháp ổn định. “Trong văn bản phải cụ thể, khi thực thi phải dự đoán được. Không có tiền ‘gầm bàn’, không có chi phí không chính thức. Điều này đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ và châu Âu là cực kỳ quan trọng bởi vì họ là những người luôn luôn phải tuân thủ luật pháp. Nếu họ không tuân thủ, rủi ro pháp lý xảy ra với họ là rất lớn. Nếu như họ vấp phải rủi ro pháp lý này, họ sẽ tránh. Đây là điều đầu tiên tôi cho rằng chúng ta phải khắc phục trước mắt”, ông Nguyễn Đình Cung nói.
Để thu hút vốn FDI, Việt Nam phải thiết kế những gói chính sách mang tính chất “may đo”, không “may sẵn”, lúc đó mới đáp ứng các nhu cầu của các nhà đầu tư. Từ đó, chọn được nhà đầu tư có chất lượng, đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị về thay đổi cách thức quản lý, thay đổi cách thức thu hút và có lựa chọn để nâng cao chất lượng nhà đầu tư. Việt Nam phải hành động hết sức cụ thể và xác định đúng vấn đề xử lý khi các nhà đầu tư yêu cầu.
Việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Để không bỏ lỡ cơ hội vàng này, theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu trong liên kết để cùng tận dụng cơ hội. Việt Nam hội nhập rất rộng và khá sâu. Việt Nam có rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được.
“Doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải nâng cao được cái tâm thế và tư thế của mình, phải quyết tâm, phải có tầm nhìn. Và muốn nâng được tư thế của mình lên để bắt tay sòng phẳng với các nhà ĐTNN thì chúng ta phải nâng trình độ doanh nghiệp và phải liên kết các doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, cái chúng ta làm chưa tốt lắm là các doanh nghiệp lớn, các con chim đầu đàn hiện nay cũng rất mạnh mẽ tại sao các tập đàn lớn không dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tham gia vào chuỗi liên kết. Tôi nghĩ đó là một hướng mà chúng ta cần phải khuyến khích, cần phải có chính sách để làm sao làm được. Ở đây, các doanh nghiệp Việt Nam còn vướng nhiều vấn đề, trong đó tôi nghĩ cái đầu tiên là phải làm sao xây dựng được một nguồn nhân lực cốt lõi cho doanh nghiệp bởi doanh nghiệp có thành công hay không thì nhân lực cốt lõi là quan trong nhất, ông Nguyễn Văn Toàn nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc