Giải pháp nào "ghìm cương" giá hàng hóa?
Lạm phát và “cuộc chiến tiền tệ” mới giữa các quốc gia / Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát
Ngày 11/7, giá xăng được điều chỉnh giảm hơn 3.000 đồng/lít, các chuyên gia dự báo xăng giảm giá sẽ có tác động tốt tới giảm áp lực lạm phát.
Tuy nhiên, trên thị trường, giá hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm vẫn đang tăng giá mạnh.
Ngày 17/7, giá thịt lợn móc hàm tại các chợ đầu mối đã ở mức 105.000 đồng/kg. Không chỉ giá thịt lợn, mà hầu hết các loại rau, củ, quả cũng tăng giá.
Theo các chủ trang trại chăn nuôi, tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi tăng 4.000 - 7.000 đồng/kg trong tuần qua, có địa phương mức giá lợn hơi đã trên 73.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi tăng 8.000 đồng/kg trong tuần qua, dao động trong khoảng 61.000-67.000 đồng/kg.
Tại khu vực phía Nam, giá lợn hơi tăng từ 1.000 - 7.000 đồng/kg, bán ra với giá từ 59.000-66.000 đồng/kg.
Giá các loại rau, củ cũng liên tiếp được điều chỉnh: Hành lá tăng từ 35.000 đồng/kg lên 42.000 đồng/kg; cà chua từ 25.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg; bí xanh từ 20.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; rau muống từ 10.000 đồng/bó lên 15.000 đồng/bó, cải thảo (Trung Quốc) từ 15.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg; hành, tỏi cũng tăng thêm khoảng 5.000 đồng/kg.
Điều này khiến cho khả năng kìm giữ lạm phát gặp nhiều thách thức. Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng Việt Nam cần có các chính sách để ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát ở mức cho phép.
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khuyến nghị: Để kiềm chế lạm phát, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại, khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả.
Thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn, bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới.
Cùng với đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ.
Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
“Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên nhiên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất. Đối với các mặt hàng thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế”, ông Lâm nhấn mạnh.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh bảo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước. Chỉ đạo các bộ liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý.
“Các cơ quan truyền thông cần thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông nhằm thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng về các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai gây ra”, ông Lâm khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo