Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng lên tiếng về số liệu thẩm tra mức độ hài lòng của công dân với dịch vụ công
Đà Nẵng: Hai Sở Kế hoạch Đầu tư và Công thương phản bác số liệu thẩm tra đo mức độ hài lòng của công dân với công chức / Dự kiến hụt thu ngân sách hơn 4.600 tỉ đồng, Đà Nẵng chọn kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế năm 2020?
Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng giải trình những gì?
Sáng nay 8/7, ông Phan Thanh Long, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng khóa IX đã có những giải trình liên quan sau khi Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng Nguyễn Hà Bắc và Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Tuấn đã có các văn bản đề nghị Ban này điều chỉnh thông tin tại báo cáo thẩm tra số 629/BC-HĐND (ngày 2/7/2020) được trình bày tại kỳ họp kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX đang diễn ra từ ngày 6 – 8/7.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng (Ảnh: HC)
Được biết, tại báo cáo thẩm tra số 629/BC-HĐND ngày 2/7/2020, đối với Sở KH-ĐT, Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng nêu tỉ lệ tổ chức, công dân không hài lòng do “thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại Bộ phận Tiếp nhận” là 33,33%, do “phải đi lại nhiều lần” cũng 33,33%. Đối với Sở Công Thương, báo cáo này nêu tỉ lệ tổ chức, công dân không hài lòng do “thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại Bộ phận tiếp nhận” lên tới 100%.Giải trình đầu phiên họp HĐND TP Đà Nẵng sáng nay 8/7, Trưởng Ban Pháp chế Phan Thanh Long cho rằng về quy trình và trình tự, thủ tục thẩm tra, theo quy chế làm việc thì Ban Pháp chế đã họp, thảo luận, xây dựng dự thảo và gửi lấy ý kiến các thành viên của Ban. Trên cơ sở đa số thành viên của Ban thống nhất về nhận định, đánh giá các nội dung liên quan, Báo cáo thẩm tra được đưa ra trình kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng lần này.
Khẳng định báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế là ý kiến của tập thể Ban chứ không phải là ý kiến của một cá nhân nào, ông Phan Thanh Long cũng cho rằng Ban này đã thực hiện theo đúng quy chế phối hợp. Sau khi Báo cáo thẩm tra số 629/BC-HĐND được ký chính thức thì Ban Pháp chế đã gửi đến 4 cơ quan là Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQVN TP để chuẩn bị các nội dung liên quan đến kỳ họp lần này của HĐND TP. Đồng thời báo cáo này cũng được đăng tải trên trang thông tin điện tử của HĐND TP.
Liên quan đến số liệu (ghi chú) trong báo cáo thẩm tra, ông Phan Thanh Long cho rằng báo cáo chỉ nêu tỷ lệ không hài lòng, diễn đạt theo tỷ lệ phần trăm, chứ không nêu con số cụ thể. Thứ hai, trong bảng biểu đánh giá có nhiều nội dung đánh giá nhưng báo cáo thẩm tra chỉ nêu về mức độ không hài lòng đối với nội dung “thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả”.
Ông Phan Thanh Long cũng cho biết, số liệu nêu trong báo cáo thẩm tra được dẫn theo 3 nguồn. Nguồn thứ nhất là báo cáo chính thức của UBND TP và các sở, ngành, thường là báo cáo sơ kết 6 tháng; nguồn thứ hai là qua hoạt động giám sát và nguồn thứ ba là tham chiếu từ các nguồn tham khảo.
"Chúng tôi đã tham khảo trang Đánh giá chất lượng dịch vụ công TP Đà Nẵng(https://cchc.danang.gov.vn) từ ngày 1/1/2020 đến 25/6/2020 về mức độ hài lòng của tổ chức và công dân liên quan đến việc thực hiện dịch vụ hành chính công của các Sở, ngành. Mục đích để các ngành có được thông tin chính thức về mức độ hài lòng của các tổ chức, công dân và nêu ra được những hạn chế, bất cập, từ đó đề ra giải pháp cụ thể nhất nhằm phục vụ tổ chức và công dân được tốt hơn!” – ông Phan Thanh Long nói.
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng lên tiếng
Tại phiên họp sáng 8/7, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho hay, UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định 5489/QĐUBND (16/8/2016) ban hành Quy định về khung khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP; và Quyết định 5697/QĐ-UBND (11/10/2017) ban hành Quy định về cơ chế sử dụng thông tin thu thập từ kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ hành chính công để cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công.
Theo đó, kết quả khảo sát phải được tổng hợp từ 3 phương pháp khảo sát: Phương pháp 1 là khảo sát bằng phiếu điều tra, hiện nay giao cho Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng tiến hành. Phương pháp 2 là khảo sát, phỏng vấn sâu thông qua điện thoại ghi âm thì giao cho Tổng đài dịch vụ công 1022 thực hiện. Phương pháp 3 là khảo sát trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử “một cửa”, nơi Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng lấy các số liệu nêu trên.
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng nhấn mạnh, để xác định được mức độ hài lòng của người dân thì phải tổng hợp kết quả khảo sát của 3 phương pháp nêu trên, chứ nếu chỉ lấy mỗi kết quả của phương pháp thứ 3 là khảo sát trực tuyến tại Tổ "một cửa” thì không thể đánh giá một cách khách quan về mức độ hài lòng của người dân được.
“Bởi vì ngay tại Tổ “Một cửa” thì người dân đến giao dịch có khi cho ý kiến đánh giá, nhưng cũng có nhiều người không cho ý kiến. Cho nên như Sở Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm nay họ tiếp nhận, xử lý hơn 8.000 hồ sơ nhưng chỉ có lấy đánh giá “không hài lòng” của một người để cho rằng 100% không hài lòng thì không thể chính sách, khách quan được.
Kể cả đối với Sở KH-ĐT và một số Sở, ngành khác cũng vậy. Tôi nghĩ rằng để xác định việc này, sau này Ban Pháp chế HĐND TP nên có trao đổi về nghiệp vụ chuyên môn để chúng ta có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan hơn, chứ chỉ căn cứ theo mỗi phương pháp thứ 3 là chưa khách quan!” – ông Võ Ngọc Đồng nói.
Trước đó, như Doanh nghiệp Việt Nam đã nêu, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng Nguyễn Hà Bắc cho rằng việc Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng chỉ căn cứ số lượng 01 đánh giá chưa hài lòng trên tổng số đánh giá của công dân trên phần mềm khảo sát là 01 đánh giá để công bố tỷ lệ 100% đánh giá chưa hài lòng là thiếu căn cứ khoa học và không khách quan, không mang tính đại diện và chưa phản ánh thực tế hoạt động của Sở Công Thương theo đúng các quy định liên quan đến việc khảo sát mức độ hài lòng của UBND TP Đà Nẵng! Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Tuấn cũng nhấn mạnh, việc Ban Pháp chế HĐND TP dựa vào kết quả 5 lượt đánh giá trên tổng số 14.107 lượt hồ sơ (chiếm 0,04%) mà Sở KH-ĐT đã tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm 2020 thì kết quả đó không mang tính biểu trưng, chưa đảm bảo yêu cầu về tính khoa học, tính khách quan, phiến diện và chưa phản ánh đúng thực tế hoạt động tiếp nhận và xử lý hồ sơ của Sở KH-ĐT. Ngoài ra, việc sử dụng số liệu khảo sát công dân thông qua website trực tuyến (mang tính ngẫu nhiên, không bắt buộc đối với tất cả công dân thực hiện thủ tục hành chính) để đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với toàn bộ hoạt động tại Bộ phận Tiếp nhận là chưa phù hợp, không khách quan, không phản ánh đúng thực chất hoạt động hành chính của TP Đà Nẵng nói chung và Sở KH-ĐT nói riêng, sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh, môi trường, đầu tư của TP. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo