Giáo sư Đặng Hùng Võ: Bất động sản du lịch phải cho sở hữu dài hạn mới thu hút được vốn đầu tư của dân
Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam tới 2025 sẽ đứng thứ 3 Đông Nam Á / Sửa đổi điều kiện về vốn đối với DN vận chuyển hàng không
Giáo sư Đặng Hùng Võ phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm và giao lưu trực tuyến: “Những xu hướng mới của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam”, do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức vào chiều ngày 19/11/2019, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, vẫn còn nhiều điểm tắc nghẽn về khung pháp lý khiến cho các dự án bất động sản du lịch đang bị chững lại.
Ví dụ, bất động sản du lịch có cho sở hữu dài hạn như đất ở hay sở hữu có thời hạn, đây là vấn đề còn nhiều tranh luận và đang có điểm thắt. Nếu nhà nước cho sở hữu dài hạn thì mới thu hút được vốn đầu tư của dân, bởi người dân muốn sở hữu vĩnh viễn.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, Chính phủ đang mong muốn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng tại thời điểm này sức phát triển của bất động sản du lịch lại đang nghẽn lại. Trong năm 2018, 2019 số lượng các dự án được phê duyệt mới rất ít. Ví dụ, TP.HCM là thị trường sôi động nhất cả năm qua cũng chỉ có 5 dự án mới được phê duyệt, trong khi trước đây mỗi năm có tới 20-30 dự án mới được phê duyệt mỗi năm.
“Sự tắc nghẽn này lại do chính chúng ta tạo ra, do khung pháp luật của dự án bất động sản du lịch không đáp ứng thực tế, khiến các nhà lãnh đạo chần chừ khi đặt bút ký phê duyệt dự án, bởi vì khi phê duyệt thì rủi ro rất cao, có nguy cơ vi phạm pháp luật giữa những quy định giữa các luật khác nhau, có khả năng ra hầu tòa rất cao nên để an toàn tốt nhất là không đặt bút ký”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng nhấn mạnh, không thể phủ nhận, tiềm năng du lịch Việt Nam từ trước đến nay là rất lớn, còn nhiều dư địa. So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, chúng ta không chỉ có lợi thế về điều kiện tự nhiên mà còn có lợi thế về chính trị, xã hội ổn định.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, giai đoạn vừa rồi thị trường bất động sản du lịch ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Nhưng ông cũng lưu ý mức tăng trưởng đó vẫn ở giai đoạn đầu, còn nhiều cơ hội để tăng trưởng hơn nữa. Nhưng để làm được điều đó thì chúng ta cũng cần giải quyết nhiều thách thức. Bởi phải nói rõ như thế này, chúng ta tăng trưởng từ mức thấp lên trung bình thì có thể dễ, nhưng từ trung bình lên cao hẳn thì không đơn giản. So sánh với thị trường du lịch và bất động sản du lịch Việt Nam, thời gian vừa rồi, du lịch đã đi qua con đường từ nước có ngành du lịch kém đạt được mức trung bình. Con đường này cũng có nhiều khó khăn, chúng ta đã làm được. Nhưng để phát triển tiếp chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.
Cụ thể hơn với thị trường bất động sản du lịch, để vượt qua khó khăn về vốn trong bối cảnh dòng vốn vào thị trường khá eo hẹp, các chủ đầu tư đã làm được rất tốt, việc bán các bất động sản du lịch hình thành trong tương lai là một giải pháp rất tốt để giải quyết bài toán về vốn. Việt Nam cũng đã có nhiều dự án bất động sản du lịch đảm bảo chất lượng tốt, có quy hoạch được một số công trình vui chơi giải trí. Thị trường cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của phân khúc condotel (khách sạn căn hộ), nhưng vì nhiều lý do trong đó nhiều nhất là tính pháp lý khiến phân khúc này giai đoạn vừa qua có chững lại.
Giáo sư Đặng Hùng Võ ủng hộ cách thu hút vốn đầu tư của các chủ đầu tư từ bất động sản hình thành trong tương lai. Việt Nam rất thạo với bất động sản hình thành trong tương lai, (hay còn gọi là mua nhà trên giấy - PV). Đây là hình thức thu hút vốn tốt, tạo điều kiện cho bất động sản du lịch phát triển rất nhanh. Chủ đầu tư không nhiều vốn, vốn từ ngân hàng còn ọp ẹp, nên chuyện gọi vốn từ dân vào tham gia dự án rất quan trọng. Thời gian vừa rồi rất nhiều dự án đã chuyển từ cơ chế bán nhà trên giấy sang bán bất động sản du lịch trên giấy, nguồn thu hút vốn đầu tư này giúp Việt Nam có thể sánh vai các doanh nghiệp nước ngoài về đầu tư bất động sản du lịch.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm tắc nghẽn về khung pháp lý khiến cho các dự án bất động sản du lịch đang bị chững lại. Ví dụ, bất động sản du lịch có cho sở hữu dài hạn như đất ở hay sở hữu có thời hạn, đây là vấn đề còn nhiều tranh luận và đang có điểm thắt. Nếu nhà nước cho sở hữu dài hạn thì mới thu hút được vốn đầu tư của dân, bởi người dân muốn sở hữu vĩnh viễn. Ví dụ, condotel trước đây thu hút vốn rất tốt, nhưng sau khi có kiểm tra thì nhiều nơi đã thu lại hẹp lại các căn condotel, chuyển thành nhà ở, thị trường condotel đã teo lại do thời hạn sở hữu chỉ được 50 năm, trong khi đó căn hộ condotel rất hút khách du lịch.
“Quản lý bất động sản đa công năng như thế nào, đây là vấn đề mà khung chính sách chưa giải quyết được. Kinh tế chia sẻ vào Việt Nam khá sớm nhưng tiếp nhận nó và quản lý nó như thế nào rất khó. Nút thắt về chính sách quản lý Grab trong lĩnh vực vận chuyển, hay vấn đề sở hữu condotel, offcitel đến giờ vẫn lúng túng trong quản lý. Cho đến thời điểm hiện tại, ý tưởng củng cố khung pháp lý mới nhất vẫn cho condotel chỉ được sở hữu có thời hạn, như vậy sẽ khiến các dự án gặp hạn chế trong gọi vốn đầu tư từ dân”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Vậy câu hỏi đặt ra là, tư duy một tổ hợp du lịch lớn của chúng ta là như thế nào? Tôi cho rằng bất động sản du lịch đa công năng là trong tổ hợp đó có nhiều khu vực, có thể cho thuê ngắn hạn hay dài hạn. Điểm thứ hai là các tổ hợp đó cần gắn với bất động sản do người dân (các nhà đầu tư thứ cấp) đầu tư quản lý. Tôi cho rằng nếu đi được theo hướng đó với khung pháp lý hiện đại chúng ta có thể có cơ hội để phát triển một thị trường du lịch mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo